Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Lựa chọn vắc xin Pentaxim hay Quinvaxem?

BAN CAO

Vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim và vắc xin tiêm phòng miễn phí 5 trong 1 Quinvaxem có gì khác nhau là thắc mắc của nhiều bạn đọc hiện nay. Tòa soạn giới thiệu bài viết bên dưới dựa theo nguồn thông tin của Cục Y tế dự phòng và các chuyên gia ngành y tế cung cấp.

Trẻ-tiêm-vắc-xin-dịch-vụ-tại-Trung-tâm-Y-tế-dự-phòng-TPHCM-cuối-tháng-12-2015Trẻ tiêm vắc xin dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cuối tháng 12-2015.

Hầu hết người dân đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim hiện nay đều có suy nghĩ rằng vắc xin dịch vụ Pentaxim tốt hơn vắc xin Quinvaxem dùng trong tiêm chủng mở rộng. Tuy vậy, trên thực tế, theo Cục Y tế dự phòng, không có loại vắc xin nào an toàn 100%. Loại nào cũng có những ưu nhược điểm riêng, do đó cần có cái nhìn đúng đắn và khách quan hơn với cả hai loại vắc xin này.

Theo Bộ Y tế, sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai vắc xin Quinvaxem và Pentaxim là thành phần ho gà toàn tế bào trong Quinvaxem và ho gà vô bào trong Pentaxim. Vắc xin thành phần ho gà toàn tế bào là loại tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc xin thành phần vô bào là loại tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn.

Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khẳng định, vắc xin Quinvaxem là vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên có miễn dịch dài hơn, mặc dù các phản ứng sau tiêm như sưng, đỏ, đau tại chỗ; tiêm hay sốt cao hơn các loại vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào.

Do vắc xin vô bào có miễn dịch kém hơn nên cũng phải tiêm nhắc lại nhiều hơn. Vắc xin Quinvaxem chỉ phải tiêm nhắc lại vào năm thứ 2 sau khi tiêm cho trẻ vào 2, 3, 4 tháng tuổi. Còn với vắc xin Pentaxim, cũng tiêm cho trẻ vào 2, 3, 4 tháng tuổi và cần phải tiêm lại cho trẻ vào năm thứ 2, rồi tiêm khi trẻ từ 5 đến 13 tuổi.

Để đảm bảo chất lượng, mọi vắc xin khi được nhập khẩu vào Việt Nam, dù là Quinvaxem, Pentaxim, hay bất cứ loại nào khác đều phải có đủ ba loại giấy kiểm định chất lượng gồm kiểm định của nhà máy, kiểm định của quốc gia sở tại, và kiểm định chất lượng khi đã vào Việt Nam.

Vắc xin Quinvaxem được tài trợ bởi Tổ chức Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) nên được sử dụng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Còn vắc xin Pentaxim được nhập khẩu bởi Công ty Hồng Thúy (Hà Nội) và Công ty May (TPHCM).

Cục Y tế dự phòng cho biết do tính chất miễn phí của vắc xin Quinvaxem nên vắc xin này được gắn nhãn không tốt bằng các loại vắc xin trả tiền khác. Trên thực tế, tỷ lệ biến chứng nặng của hai loại vắc xin này là như nhau.

Nhiều người không đồng tình với tỷ lệ tai biến cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 4,5 trẻ/1 triệu liều của vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên Cục Y tế dự phòng cho rằng, khi so sánh thực tế tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem được sử dụng tới 4,5 triệu liều cho 1 triệu trẻ mỗi năm. Do đó, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm, lớn hơn rất nhiều so với Pentaxim (chỉ nhập và sử dụng khoảng 100.000 liều tiêm cho 33.000 trẻ/năm) hay các vắc xin dịch vụ khác.

Năm 2013, sau nhiều vụ tử vong được cho là có liên quan đến tiêm vắc xin Quinvaxem ở trẻ đã khiến Bộ Y tế phải dừng tiêm loại vắc xin này tại tất cả các điểm tiêm chủng, việc này đã khiến niềm tin của người dân vào loại vắc xin này bị lung lay không ít. Kể từ đó, sự khan hiếm vắc xin dịch vụ liên tiếp kéo dài tạo thành “cơn khát vắc xin” thực sự hơn hai năm qua.

WHO đã điều tra và khẳng định 12 ca tử vong từ tháng 10-2012 đến tháng 3-2013 đều không do Quinvaxem mà do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác ở trẻ. Có sáu trên chín ca tử vong từ sau khi đưa Quinvaxem vào sử dụng cuối năm 2013 đến nay cũng đều được khẳng định không do vắc xin.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết khi tai biến xảy ra, cần phải phân tích rõ ràng xem đó có phải là do bản thân chất lượng vắc xin hay không, hay do lỗi chủ quan của ngành y tế như quá trình tiêm ngừa không đảm bảo, quá trình sàng lọc, bảo quản vắc xin thiếu an toàn hay cơ địa trẻ không phù hợp… “Những thông tin đó cần được công khai, minh bạch mới lấy được sự tin tưởng của người dân”, bà Lan nói.

Việc lựa chọn Pentaxim hay Quinvaxem là tùy ở mỗi người. Tuy nhiên, dù lựa chọn vắc xin nào cũng phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, tránh ảnh hưởng tới lịch tiêm chủng của trẻ, không đảm bảo sự miễn dịch của cộng đồng, đó là khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hiện vắc xin Quinvaxem đang được triển khai tiêm miễn phí tại hơn 12.000 điểm tiêm chủng trên cả nước. Còn vắc xin Pentaxim có 160.000 liều đã được phân phối và cho đăng ký tiêm chủng tại 161 điểm tiêm vào cuối tháng 12 vừa qua với giá khống chế không quá 720.000 đồng/liều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Nha Trang sẽ bắn pháo hoa ba đêm cuối tuần đến...

0
Bắt đầu từ ngày 3-5, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà sẽ bắn pháo hoa tầm thấp vào 3 đêm cuối tuần tại...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Kết nối