Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Liệu Thảo Cầm Viên có đi vào hoài niệm?

THÁI THANH NGUYÊN –

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (gọi tắt là TCVSG) là một trong những công trình có tên tuổi trong lòng người dân Sài Gòn hơn 100 năm qua, được gọi cái tên thân quen là “Sở thú”. Địa chỉ hiện nay là 2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1. Theo tài liệu nước ngoài thì TCVSG cổ nhất Đông Nam Á và cổ thứ 8 trên thế giới. Nơi đây có bộ sưu tập khổng lồ khoảng 4.000 cây thuộc các loài thực vật và trên 600 cá thể động vật quý hiếm.

TCVSG sơ khai khánh thành năm 1865, mở rộng dần bao gồm một khu vực rộng lớn, kể cả vườn Tao Đàn. Nhưng về sau, từ năm 1949 đến 1956, TCVSG được tái thiết và xác định lại, giới hạn bởi rạch Bến Nghé, đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đường Docteur Angier (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và kho đạn cũ (nay thuộc Ba Son), cùng chính thức mang tên Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Mạng xã hội đang kêu gọi bảo tồn Thảo cầm viên Sài Gòn.
Mạng xã hội đang kêu gọi bảo tồn Thảo cầm viên Sài Gòn.

Bộ sưu tập “thảo cầm” lớn

Nói tới TCVSG là nói tới một viện bảo tàng sinh vật học được nuôi trồng cả ngàn loại động vật-thực vật Việt Nam và thế giới. Hầu như ai cũng biết đến gốc xà cừ 150 tuổi nhưng không chỉ có vậy. Những loài danh mộc dùng trong xây dựng như đinh, lim, sến, táo, tếch, vang, sao, bách…; trong mỹ nghệ như trầm hương, giáng hương, trắc, cẩm, gụ, mun, huỳnh đàn, gù hương…; trong mỹ nghệ thủ công như song, mây, nứa, kim cang… ngày trước sinh sôi bạt ngàn từ Đồng Nai kéo dài trùng điệp theo dãy Trường Sơn lên đến Tây Bắc. Nhưng nay, chắc chỉ còn cách tham quan những cây mẫu này trong TCVSG!

Các loại cây tự phát dày đặc trên các rẫy sâu đồi hoang xưa như xoan, săng, gòn, mù u, cù đèn, gáo thị, da, si, muồng, căm xe, cà chắc, cà chí… cũng được ráo riết săn lùng. Thậm chí, đến các loài cây thuốc đặc chủng của Việt Nam, bây giờ cũng không dễ tìm mà nhận diện như quế, đại hồi, hạnh nhân, thảo quả, cam thảo, trôm, ba kích, gấm, gùi, đu đủ tía… Do đó, muốn biết mặt mũi chúng ra sao, có lẽ đến TCVSG là giải pháp nhanh gọn nhất.

TCVSG thường xuyên cập nhật các loại cây cho hoa đẹp như điệp, bông bụt, dành dành, huệ, bằng lăng, sứ ta, sứ sa mạc, trúc đào, bông súng, súng nia, nguyệt quế… Cũng không thiếu những giống cây di thực thuần hóa như agao, xương rồng các châu lục, cần thăng, phong lan, địa lan, dầu con rái, thiên tuế, vàng anh, cau bụng, asoka, osaka…; cả những cây để chiết xuất hương liệu như từ bi, ngô đồng, lệ chi, lài, tạo giác, long não…; và tất nhiên hiện diện đầy đủ những loại cây thường gặp trên khắp miền đất nước.

Khi đặt chân vào TCVSG, khách thập phương như lập tức rơi vào không gian yên tĩnh như vừa bước qua cánh cửa Doreamon. Bầu không khí trở nên trong lành hơn, tiếng ồn phố thị chỉ còn văng vẳng như ở thế giới xa nào đó vọng đến. Nếu trải lòng lắng nghe, ta sẽ bắt được thoang thoảng hơi thở của thiên nhiên qua tiếng kêu bầy của đàn chim cu gáy lúc chiều tà, tiếng hú của dòng họ nhà vượn trong cụm hoa quả sơn nho nhỏ, cùng tiếng hợp xướng tự bầy chim trong vòm lá. Văng vẳng, tiếng gầm gừ của chúa tể sơn lâm…

Nghe nói giờ đây TCVSG còn hơn 150 loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam như gà lôi, chim trĩ sao – có đuôi dài cả mét. Nhiều loài động vật phát triển sinh sôi tốt như hà mã, hổ, báo, hươu, nai, chuột túi… Chim hồng hoàng, công, trĩ có lúc nuôi thả tự do, chúng tha hồ múa hát hoặc bay lượn đó đây rồi lại trở về dưới những tán cây giữa hồ nước. Ngoài ra, các khuôn viên khỉ, mèo rừng, trăn, nai, chồn, gấu, voi… vẫn thân thiện với con cháu chúng ta như với chúng ta hồi mấy mươi năm trước.

Nỗi niềm thế kỷ

Đã bao đời nay, các đôi nam thanh nữ tú dắt nhau vào TCVSG chuyện trò tình tự, đã có bao người cảm nhận được cái nghĩa vụ cao cả của từng bóng cây ngọn cỏ đứng phơi mình, chờ các bạn đến gần để tìm tòi, nghiên cứu? Các bậc cha mẹ dắt trẻ vào nô đùa, ngắm nghía những con thú rừng – Có mấy ai nghĩ đến việc bổ sung cho con cháu mình biết thêm vài điều về sinh vật học, về tài nguyên thiên nhiên của đất nước? Chắc chỉ có những đoàn nghiên cứu sinh nghiêm túc và tỉ mỉ trong việc thu thập tài liệu. Ngoài ra, còn các giờ ngoại khóa, môn sinh vật học của các trường phổ thông, thỉnh thoảng các thầy cô tổ chức học sinh đến diễn giải – sờ nắn – chụp hình qua quít và ngày càng hời hợt bởi ỷ lại mọi thông tin sẽ được giải đáp từ… Google.

Và chắc ít ai biết, các nghệ nhân, các kỹ sư, có người mới làm việc có vài năm cũng như có người đã cống hiến cả đời mình cho nơi này… và một số ít cư dân có tâm yêu sinh vật cảnh – như cố nghệ nhân Trương Đấu, cựu kỹ sư Thanh Sơn… luôn khắc khoải một niềm hoài vọng là đưa TCVSG trở nên một vườn sưu tập “Sinh vật học quốc tế”, hoặc gọi cách khác là “Bách Thảo Viện”. Mấy mươi năm qua, nỗi niềm của họ cũng chỉ đóng khung trong cái gọi là “niềm hoài vọng”.

Trên thực tế TCVSG hiện nay được sử dụng chưa đúng tầm vóc của mình. Nếu xét về kinh tế thì doanh thu hoàn toàn không bằng Suối Tiên, Đầm Sen, Đại Nam…, thậm chí còn kém hơn những quán cà phê vườn lớn. Xét về du lịch thì không hùng vĩ như các vườn thiên nhiên quốc gia, khu bảo tồn. Nhưng do định hướng và nội lực, TCVSG vẫn xứng đáng là một đệ nhất viện bảo tàng động thực sống của Việt Nam.

[box] Trước thực trạng dự án xây dựng TCVSG ở Củ Chi triển khai ì ạch, thậm chí gần như giẫm chân tại chỗ nhiều năm qua, trong khi TCVSG hiện hữu thì xuống cấp, người dân đã dùng mạng xã hội thành lập fanpage, thành lập nhóm (group) trên mạng xã hội kêu gọi bảo tồn TCVSG.[/box]

Ra đi

Thế nhưng, có thể do đã cân nhắc thiệt hơn về mọi mặt mà chính quyền TPHCM đã chọn giải pháp di dời TCVSG, thay vì đầu tư cải tạo toàn diện trên mặt bằng thân quen cũ. Dự án đã có từ 14 năm trước đây là xây mới trên một khu đất rộng 140 ha tại phường Long Bình, quận 9. Sau đó năm năm, lại được thay thế bằng dự án xây mới trên khu đất 500 ha thuộc hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi với mô hình của nước ngoài là nuôi động vật thả tự do trong khu rừng nhân tạo.

Không biết mô hình mới trong tương lai TCVSG sẽ như thế nào nhưng với nhiều người dân thành phố, TCVSG hiện hữu đang xuống cấp dần do ít được đầu tư, xây dựng, có lẽ ai cũng nghĩ nó sắp ra đi. Liệu TCVSG có đi vào hoài niệm hay nó được nâng tầm thành một vườn sinh vật học quốc tế?

Thôi đành phải chờ!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nestlé Việt Nam trồng 1.000 cây gỗ lớn nhân Ngày Môi...

0
(SGTT) - Nestlé Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Gaia tổ chức hoạt động trồng rừng “Gieo Mầm Xanh -...

Cổ thụ tiếp tục nhường đất cho công trình

0
Mảng xanh khu vực trung tâm TPHCM vốn đang “teo tóp” dần thì sắp tới đây sẽ còn bị thu hẹp hơn, nhường đất...

Kết nối