Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Cổ thụ tiếp tục nhường đất cho công trình

Mảng xanh khu vực trung tâm TPHCM vốn đang “teo tóp” dần thì sắp tới đây sẽ còn bị thu hẹp hơn, nhường đất cho các công trình giao thông quan trọng. Trong khi đó, việc tái tạo và mở rộng mảng xanh vẫn còn diễn ra chậm vì nhiều lý do.

Hàng cây đường Tôn Đức Thắng sẽ không còn

Sau khi phải chặt đi 41 cây xanh để thi công ga ngầm Nhà hát thành phố (quận 1) thuộc tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, sắp tới nhiều cây cổ thụ trong khu trung tâm sẽ bị chặt hoặc bứng đi để phục vụ cho việc thi công các dự án giao thông khác như cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga metro trung tâm Bến Thành.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh của Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), cho biết tổng số cây xanh nằm trong phạm vi thực hiện của dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1) là 272 cây. Trong đó, theo phương án thiết kế thì trong số này sẽ chặt hạ 84 cây, di dời 37 cây và giữ lại tại chỗ 151 cây.

Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng sẽ bị chặt, di dời để xây cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Anh Quân
Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng sẽ bị chặt, di dời để xây cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Anh Quân

Theo ông Dũng, các loại cây xanh được đề nghị chặt hạ là cây nằm dọc theo chiều dài của cầu và gần các trụ cầu. Đây là những cây lớn, có đường kính thân từ 80 cm trở lên, nếu bứng dưỡng thì khả năng cây chết rất cao và đòi hỏi chi phí thực hiện rất lớn. Hơn nữa, số lượng cây chặt hạ chủ yếu là cây sọ khỉ (hay còn gọi là xà cừ), đây là loại cây nằm trong danh mục cây cấm trồng mới của UBND thành phố từ năm 2013. Thêm vào đó, loại cây này do rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất gây hư hỏng vỉa hè mặt đường và có thể ảnh hưởng đến giao thông. Ngoài ra, xà cừ là loại cây có bộ rễ chùm rất dễ đổ khi có gió to hoặc bão. “Khi cầu xây xong theo phương án thiết kế, ngoài cây xanh trồng bổ sung trên vỉa hè thì còn tận dụng các phần đất dạ cầu để trồng bổ sung mảng xanh tạo mỹ quan cho công trình”, ông Dũng nói.

Tại khu nhà ga metro Bến Thành, thông tin từ Sở GTVT cho biết, khi tiến hành xây dựng sẽ có 57 cây xanh bị bứng hoặc chặt bỏ (tùy theo phạm vi dự án). Đây là nhà ga đầu mối ở trung tâm kết nối với các tuyến metro nên quy mô của nhà ga phải mở rộng sang tận phía công viên 23-9, do vậy mà một số cây xanh sẽ bị chặt bỏ để thi công.

Nhà ga metro Bến Thành sẽ nằm trên một phần đất thuộc công viên 23-9 hiện hữu.
Nhà ga metro Bến Thành sẽ nằm trên một phần đất thuộc công viên 23-9 hiện hữu.

Mảng xanh chờ mở rộng

Theo kế hoạch phát triển cây xanh đến năm 2015 được UBND TPHCM phê duyệt hồi tháng 7-2012, thành phố sẽ tận dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời để phát triển thêm 250 ha diện tích cây xanh ở các quận nội thành. Ngoài ra sẽ cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu với diện tích khoảng 200 ha hiện nay.

Kế hoạch là vậy nhưng đến nay việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành lại thực hiện rất chậm. Thống kê của Sở GTVT cho thấy, năm 2013, toàn thành phố chỉ trồng mới được 13.410 cây, diện tích mảng xanh tăng thêm 38,2 ha, trong đó có 6,3 ha mảng xanh được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Việc sử dụng đất dự trữ giao thông để trồng giãn cây xanh là 13,5 ha. Cũng theo kế hoạch mà thành phố ban hành năm 2012, chỉ tiêu mảng xanh đến năm 2015 là mỗi người dân thành phố sẽ có khoảng 7-8 m2. Tuy nhiên đến nay con số này chỉ dừng lại khoảng 1 m2/người.

Chính vì vậy, để có đủ diện tích mảng xanh, ông Dũng cho biết, Sở GTVT TPHCM đang lập đồ án quy hoạch ngành công viên cây xanh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là quỹ đất để lập quy hoạch cây xanh rất ít nên việc lập quy hoạch đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Người dân thành phố kỳ vọng khi có quy hoạch diện tích công viên cây xanh, tình trạng thiếu mảng xanh ở khu trung tâm sẽ được cải thiện và khi xây dựng công trình giao thông mảng xanh sẽ không bị mất đi như tình trạng hiện nay. Nói về vấn đề này, ông Dũng cho rằng từng dự án xây dựng đều được nghiên cứu nhiều phương án, giải pháp khác nhau để giảm thiểu đến mức thấp nhất việc chặt hạ, di dời cây xanh, mảng xanh hiện hữu. “Những trường hợp bất khả kháng phải chặt cây xanh thì việc tận dụng tối đa phần diện tích của công trình để trồng mảng xanh, cây xanh sẽ là một trong những mục tiêu trọng tâm”, ông Dũng nói.

Lê Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Những con đường rợp bóng cây xanh che mát trong...

0
(SGTT) -  Khi thời tiết nắng nóng kéo dài đang diễn ra tại TPHCM thì các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, An...

TPHCM trồng lại loạt cây xanh trên đường Lê Lợi

0
(SGTT) - Ngày 12-12, cây xanh đã được trồng trên dải phân cách và vỉa hè trục đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), đoạn...

Dời hơn 1.300 cây xanh để thi công nút giao An...

0
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, phải dời hơn 1.300 cây...

Nestlé Việt Nam trồng 1.000 cây gỗ lớn nhân Ngày Môi...

0
(SGTT) - Nestlé Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Gaia tổ chức hoạt động trồng rừng “Gieo Mầm Xanh -...

TPHCM sẽ phủ xanh thêm cho đô thị trong nhiều năm...

0
(SGTT) - Mới đây, UBND TPHCM đã thông qua Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai...

Việt Nam đặt mục tiêu trồng mới 1 tỉ cây xanh...

0
(SGTT) - Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Kết nối