Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Người dân có thêm nơi khám bệnh

Người dân sống ở phía Bắc TPHCM sẽ có thêm sự lựa chọn nơi khám, chữa bệnh khi Bệnh viện Xuyên Á (tại huyện Củ Chi) đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 9, sau ba tháng vận hành thử. Bên cạnh đó, tại thành phố mới Bình Dương cũng khởi công xây dựng Bệnh viện với 1.500 giường bệnh. Sự ra đời của một vài bệnh viện vừa kể, dẫu rằng là quá ít nhưng cũng phần nào giúp người bệnh có thêm nơi điều trị, trong bối cảnh nhiều dự án xây dựng bệnh viện lớn hiện vẫn còn nằm trên giấy.

Góp phần giảm tải

Hiện tại, cửa ngõ phía Bắc của thành phố đang có ba Bệnh viện với tổng số 1.700 giường bệnh, trong đó Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi có 1.000 giường, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn có 550 giường và Bệnh viện huyện Củ Chi có 150 giường. Tuy nhiên, cả ba bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải. Theo tính toán, để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân trong khu vực này với chỉ tiêu 40 giường bệnh/10.000 dân thì số giường bệnh cần có khoảng 2.700 giường.

Như vậy, cả ba bệnh viện này mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu điều trị nội trú cho người dân trên địa bàn, chưa kể số lượng bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An đến khám chữa bệnh. Hơn nữa, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận ngày càng gia tăng dẫn đến các bệnh viện lớn của thành phố ngày càng quá tải.

Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhi. Tình trạng quá tải của các bệnh viện đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Ảnh: Uyên Viễn
Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhi. Tình trạng quá tải của các bệnh viện đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Ảnh: Uyên Viễn

TS.BS. Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, cho rằng tình trạng quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa có thể ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sai sót chuyên môn có thể xảy ra. Các bác sĩ không còn thời gian và sức lực để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học, cập nhật thông tin… Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp do quá tải, bệnh nhân không được cấp cứu và chăm sóc kịp thời nên đã xảy ra những hậu quả đau lòng.

Trước thực trạng đó, khoảng 800 tỉ đồng đã được đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Xuyên Á với khoảng 750 giường bệnh và 30 phòng khám bệnh với khả năng khám khoảng 1.500 lượt bệnh nhân/ngày. Trước ngày khánh thành đầu tháng 9, bệnh viện này đã có ba tháng hoạt động và đã thực hiện được 1.500 ca phẫu thuật sọ não, cột sống, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng quát… Đây là những bệnh nặng mà trước đây bệnh nhân gặp phải đều chuyển về các bệnh viện ở trung tâm của thành phố, đường vận chuyển xa, nguy cơ tử vong cao.

B.S Châu cho biết, hiện nay bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị khoảng 800-1.000 lượt bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân nội trú trung bình đạt 500 bệnh nhân/ngày, trong đó đa phần là có thẻ bảo hiểm y tế trái tuyến (chiếm 75%). Bệnh viện có 9 phòng mổ được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, 22 máy chạy thận nhân tạo, 2 máy CT Scanner 4 lát và 160 lát cắt, máy cộng hưởng từ 1,5 Tesla, 6 máy siêu âm màu…

Mặc dù là bệnh viện tư, đầu tư kỹ thuật cao nhưng giá khám bệnh hiện nay tại bệnh viện này là 20.000 đồng, giá phòng thấp nhất là 50.000 đồng/ngày, tương đương giá khám bệnh ở các bệnh viện công lập. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ liệu bệnh viện chỉ thực hiện hút khách rồi sẽ tăng giá, và liệu các bác sĩ sẽ chỉ định thêm những xét nghiệm không cần thiết để bù đắp vào giá khám?

B.S Châu cho biết bệnh viện sẽ thu đúng như mức giá đã đưa ra, và đây là chiến lược dài hơi của bệnh viện. Đây là bệnh viện mà người giàu bước vào sẽ được phục vụ tương xứng với đồng tiền họ đã bỏ ra, còn những người nghèo bước vào cũng không phải mang tâm lý e ngại về viện phí. Hiện Bệnh viện Xuyên Á đang chuẩn bị khởi công hai trung tâm tim mạch và thần kinh, và sau đó sẽ xây dựng chuỗi bệnh viện Xuyên Á ở nhiều nơi trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Thúc dự án mới

Cuối tháng 8 vừa qua, một bệnh viện đa khoa quy mô 1.500 giường bệnh cũng đã được khởi công xây dựng tại tỉnh Bình Dương. Dự án có vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng bằng vốn ngân sách và xổ số kiến thiết của tỉnh. Khi hoàn thành, tòa nhà cao 19 tầng này sẽ cung cấp các dịch vụ y tế với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thực hiện các nghiệp vụ chữa trị chuyên sâu với công nghệ cao.

Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết đây là một trong những dự án thuộc khu vực quy hoạch xây dựng các bệnh viện và một số công trình nhà nước tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một. Việc xây dựng bệnh viện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành y tế tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe, giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Thời gian vừa qua đã có nhiều bệnh viện tư nhân mọc lên ở các cửa ngõ của thành phố, chẳng hạn Bệnh viện quốc tế Thành Đô, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc và một số bệnh viện khác đã khởi công xây dựng tại Bình Dương, Đồng Nai. Đây là những tín hiệu tốt trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, và dần tiến đến thị trường cạnh tranh khách hàng, để người bệnh không còn bị phân biệt đối xử, mà ngược lại được phục vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều dự án bệnh viện lớn của thành phố được nói đến cả chục năm nay nhưng vẫn còn trên giấy. Chẳng hạn, dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại huyện Bình Chánh, hai cơ sở của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (một ở đường Nguyễn Huy Lượng quận Bình Thạnh và một ở quận Thủ Đức), Bệnh viện Nhi đồng thành phố…

Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhi, còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 con số này khoảng 5.000. Quá tải khiến thời gian bác sĩ khám cho một trẻ phải tính bằng phút, nhiều bệnh nhi nằm hành lang. Bệnh viện Ung bướu chuyên khoa điều trị cho bệnh nhân phía Nam hàng chục năm nay luôn trong cảnh phải sắp xếp bệnh nhân nằm ghép, có khi cao điểm lên tới 6-7 người/giường bệnh.

Trong tình trạng quá tải của các bệnh viện đang diễn ra ngày càng trầm trọng, do vậy việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành y tế để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân là điều cần thiết. Song, với tiến độ thực hiện các dự án y tế như hiện nay, để các bệnh viện mới có thể hoạt động, người dân sẽ còn phải chờ đợi một thời gian nữa.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dịch vụ tư vấn, khám bệnh online: cẩn trọng không thừa

0
(SGTT) - Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hình thức tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến (online) đang trở thành...

Giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới tăng ra...

0
(SGTT) – Sau hơn 4 tháng áp dụng mức lương cơ sở mới, viện phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được...

Năm 2025, người dân TPHCM dự kiến được khám sức khỏe...

0
(SGTT) - Theo dự thảo kế hoạch về chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo vừa được...

Giá giường dịch vụ tại bệnh viện công có thể lên...

0
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập...

Chi phí trực tiếp từ người bệnh cho dịch vụ y...

0
(SGTT) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dù đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhưng chi phí trực tiếp...

Làm sai lệch bệnh án, Phòng khám đa khoa Hồng Cường...

0
(SGTT) - Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa ra quyết định xử phạt Phòng khám đa khoa Hồng Cường (quận 10) 101 triệu...

Kết nối