Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khi phim truyền hình cũng rộn ràng làm lại

Trang Nguyễn

Không chỉ màn ảnh rộng náo loạn bởi phong trào làm lại những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, các nhà làm phim truyền hình, sản phẩm văn hóa vốn tiếp cận số đông đại chúng thời gian gần đây cũng đang cùng chung tay đầu tư sản xuất những phiên bản Việt của nhiều loạt phim đình đám trên thế giới.

Một trào lưu không mới

Trong chục năm trở lại đây, hàng loạt phiên bản Việt hóa các bộ phim nước ngoài ăn khách đã được thực hiện và chiếu vào giờ vàng của các kênh truyền hình lớn. Có thể điểm danh các tác phẩm tiêu biểu như Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ, Gia đình là số một, Người mẫu (gốc Hàn Quốc); Cô gái xấu xí (phim Betty la Fea của Colombia); Váy hồng tầng 24 (phim Unbeatable 1 của Đài Loan), Bếp hát (phim The Kitchen Musical của Singapore); Niềm đau chôn giấu (Thái Lan)…

Hầu hết các phim này đều do những đạo diễn chắc nghề, có tên tuổi của Việt Nam như Nguyễn Minh Chung, Vũ Ngọc Đãng thực hiện. Đây cũng là những bộ phim quy tụ dàn diễn viên được đánh giá cao cả về danh tiếng, tầm ảnh hưởng cũng như khả năng diễn xuất như Ngọc Hiệp, Chi Bảo, Lan Phương, Minh Hằng, Minh Luân, Lương Mạnh Hải.

Tuy vậy khi nhìn lại, số lượng phim thành công, được khen ngợi thì đếm trên đầu ngón tay. Ở vị trí tiên phong, Cô gái xấu xí đã mang tới một kỷ nguyên mới cho phim truyền hình Việt Nam khi thừa hưởng một quy trình sản xuất chuyên nghiệp của ngành công nghiệp truyền hình Nam Mỹ để cho ra đời một tác phẩm dài hơi, có chất lượng đồng đều và độ lan tỏa lớn. Trong khi đó, các phim Việt hóa từ bản Hàn hoặc Hoa ngữ lại thường xuyên gây thất vọng, bị “ném đá” từ phía các khán giả vốn hâm mộ phiên bản gốc. Nguyên nhân chính là việc bê nguyên xi kịch bản của nước ngoài mà không có sự thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt Nam khiến khán giả thấy cũ kỹ, phản cảm. Một số phiên bản làm lại của phim Hàn không chỉ giữ nguyên kịch bản mà ở cách dàn dựng cũng sao y kiểu diễn trừng mắt, quát tháo của diễn viên Hàn Quốc hay kịch tính thái quá những mối quan hệ không thực sự gây đồng cảm trong văn hóa Việt Nam như hai anh chị em nhà thông gia không được có quan hệ yêu đương, sếp can thiệp vào đời sống cá nhân của cấp dưới… Hình ảnh nhà cửa, món ăn, thời trang và cách thể hiện tình cảm quá mùi mẫn kiểu như phim Hàn cũng trở nên ngượng ngập khi bị lạm dụng.

Phim ca nhạc Bếp hát không phối hợp được phần diễn và hát khiến bộ phim cùng số phận rất nhiều phim Việt hóa cùng thời, không những chẳng vượt qua cái bóng quá lớn của bản gốc, mà còn là phiên bản lỗi tốn tiền đầu tư nhưng không hiệu quả, theo đánh giá của các nhà chuyên môn.

 Hai-nhân-vật-trong-phim-truyền-hình-Người-phán-xửHai nhân vật trong phim truyền hình Người phán xử.

Sự trở lại đầy cố gắng

Sau một thời gian tạm lắng, phim truyền hình làm lại đã tái xuất với diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Người phán xử, bộ phim truyền hình 46 tập được Việt hóa từ kịch bản gốc của Armoza (Israel) đã gây sốt cộng đồng suốt thời gian qua. Ngay khi tập 1 được phát sóng, Người phán xử trở thành từ khóa “hot” bởi cốt truyện chặt chẽ, nhân vật có cá tính, lời thoại bớt rập khuôn. Từng gây tranh cãi vì chứa đựng nhiều cảnh bạo lực, ngôn từ đậm chất giang hồ, các nhân vật âm mưu đáng sợ nhưng lại cũng rất hợp lý vì bộ phim lột tả cuộc chiến của thế giới ngầm, thoát ra khỏi lối mòn phim hình sự mà tội phạm nói chuyện với nhau quá “hiền”, lời thoại sáo rỗng xa rời thực tế như trước. Người phán xử tỏ ra có tiến bộ lớn trong cả xây dựng tình huống lẫn diễn xuất của từng nhân vật. Thế giới ngầm của “bố già” Phan Quân cùng tập đoàn tội phạm Phan Thị hùng hậu đã được khắc họa sống động, chân thực với tiết tấu câu chuyện được đẩy rất nhanh và cá tính đặc trưng từng nhân vật.

Có thể nói phim thừa hưởng sự mạnh mẽ, bạo liệt trong từng tình huống, từng cách khai thác tính cách nhân vật, từng câu thoại trau chuốt mang tính triết lý cũng như tầm khái quát rất cao đậm chất trí tuệ của phim gốc. Bên cạnh đó, các tình tiết về gia đình, anh em cũng được chăm chút rất Việt Nam. Về thể loại, đây là bộ phim trinh thám mang hơi hướng hình sự kết hợp với bi kịch gia đình, là món ăn quen mà lạ miệng trong thực đơn phim truyền hình Việt Nam đã bão hòa các câu chuyện tình yêu đương đại. Ngoài nội dung hấp dẫn, bộ phim này có chiến dịch quảng bá cũng bài bản khi kết hợp với phim Sống chung với mẹ chồng, bộ phim cũng chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc cùng tên.

Cả hai phim đều được cập nhật ngay trên trang mạng xã hội chia sẻ video YouTube sau khi trình chiếu, các phân đoạn nổi bật trong phim cũng được cắt dựng lại làm tư liệu quảng bá, lại còn truyền thông chéo khi phim này giới thiệu cho phim kia. Mỗi nhân vật phim được xây dựng trang cá nhân riêng để tương tác với nhau và với khán giả. Điều này cũng tạo thuận lợi cho các phóng viên tác nghiệp theo từng diễn biến tập phim, càng tăng độ lan tỏa của phim với từng đối tượng người xem.

Đầu tư toàn diện từ sản xuất đến quảng bá là yêu cầu tiên quyết khi làm phim truyền hình thời điểm hiện tại. Đó cũng là cách mà TV Hub đầu tư cho phim Việt hóa từ kịch bản She was pretty của Hàn Quốc khi tổ chức cho ê kíp sang tận nơi khai sinh loạt phim học hỏi kinh nghiệm. Tựa phiên bản Việt của phim được giới thiệu là Mối tình đầu của tôi được giao tận tay cho bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito, người đã từng gây ấn tượng trước đó với loạt phim sitcom Tiệm bánh hoàng tử bé hay phim chiếu mạng Mùa oải hương năm ấy, Căn hộ 69. Dàn diễn viên lộng lẫy về tạo hình và ít nhiều sạch sẽ về diễn xuất như Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Bê Trần… cùng chiến lược truyền thông tập trung ngay từ đầu cũng khiến cho bộ phim tạo hiệu ứng tốt.

BHD, nhà sản xuất từng đi đầu trong phong trào Việt hóa phim truyền hình cũng trở lại diễn đàn này với một cuộc chơi lớn khi mua lại bản quyền của phim Glee – Đội hát trung học đình đám của kênh Fox, Mỹ nhưng hợp tác sản xuất và trình chiếu trên nền tảng nội dung số cùng FPTPlay. Nhà sản xuất đã công bố dàn diễn viên cho Glee phiên bản Việt và đang gây tranh cãi trên cộng đồng mạng với các ngôi sao Rocker Nguyễn, Angela Phương Trinh, Cindy V, Yaya Trương Nhi, Đỗ An…, dù bị phản đối từ nhiều người hâm mộ song bộ phim lại thu hút cộng đồng khi sớm gây chú ý trước ngày khởi quay.

Con đường sản xuất phim truyền hình Việt hóa kỷ nguyên mới có lẽ đòi hỏi các nhà sản xuất đầu tư nhiều, sáng tạo đúng chỗ và thử thách bản lĩnh nghề nghiệp của mỗi nhà làm phim. Và sau cùng, khán giả sẽ là nhà phê bình công tâm nhất.

Dàn-diễn-viên-phiên-bản-phim-Glee-Việt-NamDàn diễn viên phiên bản phim Glee Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngân hàng số Cake thêm tính năng mã khóa bảo vệ...

0
Nhằm tăng cường thêm độ bảo mật cho người gửi tiết kiệm, Ngân hàng số Cake by VPBank vừa thêm tính năng bảo mật...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Dòng người hối hả về quê, các cửa ngõ TPHCM bắt...

0
(SGTT) – Từ chiều 26-4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Kết nối