Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Kẻ mừng, người lo chuyện ký quỹ du lịch

Minh Duy

Sắp tới, doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành nội địa có thể sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng thay vì không phải ký quỹ như hiện nay. Trong trường hợp kinh doanh cả ba mảng gồm nội địa, inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài) thì số tiền ký quỹ sẽ lên đến 850 triệu đồng thay vì 500 triệu đồng. Hiện đang có những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Tăng ký quỹ

Quy định mới này được đề cập trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Du lịch 2017 vừa được Tổng cục Du lịch lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Theo đó, mức ký quỹ đối với kinh doanh lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, kinh doanh lữ hành inbound là 250 triệu đồng và kinh doanh lữ hành outbound là 500 triệu đồng.

Doanh nghiệp ký quỹ tại hệ thống ngân hàng thương mại. Số tiền này phải duy trì suốt thời gian hoạt động và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Tương tự như quy định hiện tại, tiền ký quỹ sẽ được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tai nạn với khách du lịch hoặc các trường hợp khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời giải quyết hoặc khi doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Hiện nay, doanh nghiệp đang thực hiện ký quỹ theo quy định của Nghị định 180/20/NĐ-CP, với mức 250 triệu đồng cho kinh doanh inbound; nếu chỉ làm outbound hoặc làm cả outbound lẫn inbound thì mức ký quỹ chung là 500 triệu đồng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều về mức ký quỹ mới. Một bên thì cho rằng, tuy mức ký quỹ mới cao hơn hiện tại nhưng là điều kiện cần thiết giúp sàng lọc doanh nghiệp. Du lịch là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an toàn và mạng sống của con người nên cần những chế tài để chọn lựa những công ty có đủ điều kiện kinh doanh. Ở nhiều nước khác, điều kiện về kinh doanh lữ hành còn ngặt nghèo hơn, đặc biệt với mảng outbound.

“Theo tôi, riêng về kinh doanh lữ hành nội địa thì cần phải áp dụng mức ký quỹ vì hiện có nhiều công ty hoạt động không nghiêm túc, có trường hợp đã gây ảnh hưởng đến khách hàng nhưng lại không có gì để giải quyết sự cố“, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TPHCM phát biểu.

Trong một cuộc họp bàn trước đây về vấn đề này, đại diện của Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng cho rằng nên tăng mức ký quỹ để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Một số nước đã áp dụng mức ký quỹ rất cao đối với lữ hành. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, để làm inbound, doanh nghiệp phải ký quỹ 700.000 nhân dân tệ (gần 2,4 tỉ đồng), 1 triệu nhân dân tệ (3,4 tỉ đồng) cho outbound và nếu muốn làm cả hai lĩnh vực thì phải có 1,7 triệu nhân dân tệ (5,8 tỉ đồng).

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, tăng mức ký quỹ là hạn chế kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm khả năng mở rộng thị trường cho nhiều công ty, đặc biệt là công ty có quy mô nhỏ. “Với công ty có doanh số hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm thì mức ký quỹ đó là nhỏ, nhưng với công ty nhỏ hay công ty mới khởi nghiệp mà phải bỏ vào ngân hàng 850 triệu đồng để ký quỹ thì là chuyện lớn, khó tìm thêm vốn để làm ăn”, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Viking phát biểu. Công ty này hiện đang ký quỹ 500 triệu đồng để kinh doanh outbound và inbound, với lãi suất cho khoản tiền này là 6%/năm.

dukhachHiện đang có những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề ký quỹ du lịch. Ảnh: Minh Duy

Lo không công bằng, lãng phí

Dù có ý kiến khác nhau nhưng thắc mắc lớn nhất của doanh nghiệp về vấn đề ký quỹ nằm ở chỗ làm sao cho mức đóng tiền ký quỹ công bằng giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau và cách quản lý, sử dụng số tiền này.

Cả nước hiện có hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành, có những công ty có doanh số đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng có nơi chỉ có vài tỉ đồng. Nếu tất cả đều phải đóng chung một mức ký quỹ thì sẽ gây khó khăn cho công ty nhỏ. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, số tiền vài trăm triệu đồng khó có thể giải quyết được sự cố cho khách hàng vì hiện có những tour đi nước ngoài, chẳng hạn như tour team-building, có giá trị lên đến vài tỉ đồng.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho rằng, thay vì ký quỹ thì nên xem xét đến yêu cầu mua bảo hiểm hoạt động doanh nghiệp để khách hàng cũng được hưởng lợi nhiều hơn mà doanh nghiệp cũng được bảo vệ hơn khi gặp sự cố trong kinh doanh. Phương thức cũng giúp cơ quan quản lý kiểm soát hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Các công ty bảo hiểm sẽ theo dõi sát hoạt động của các đơn vị mà họ bán sản phẩm, không công ty nào dám bán tiếp hoặc áp dụng mức phí bảo hiểm thấp với những nơi làm ăn không đàng hoàng, liên tục để xảy ra sự cố.

Cũng theo ông Hùng của Viking, vấn đề về quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cũng là việc khiến doanh nghiệp bức xúc. Trong khi doanh nghiệp cần vốn để làm ăn thì phải bỏ ra một số tiền lớn nằm “chết” trong ngân hàng nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan quản lý dùng số tiền này để giải quyết bất cứ sự vụ nào. “Số tiền tại một công ty chỉ vài trăm triệu nhưng với cả ngàn công ty thì số tiền này lên đến hàng trăm tỉ đồng, nếu tiền không được sử dụng thì khoản ký quỹ này là lãng phí lớn”, ông Hùng nói.

Cũng như ông, nhiều doanh nghiệp muốn có thông tin minh bạch về tổng số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trên cả nước, trường hợp khẩn cấp thì ai có quyền rút ra, thời gian có thể rút tiền là bao lâu, nếu dùng hết khoản đó thì bù vào bằng cách nào…

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm ngoái, cả nước có 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tức là những công ty phải ký quỹ. Giả sử những công ty này chỉ đóng ký quỹ ở mức thấp nhất là 250 triệu đồng thì tổng số tiền mà doanh nghiệp đang gửi ở hệ thống ngân hàng lên đến 400 tỉ đồng.

[box] Sẽ có quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Theo dự thảo nghị định trên, ngành du lịch sẽ có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với vốn điều lệ lên đến 300 tỉ đồng. Vốn điều lệ này do ngân sách nhà nước cấp trong ba năm đầu tiên. Sau đó, quỹ sẽ được bổ sung vốn bằng các nguồn khác. Cụ thể, nguồn vốn cho quỹ sẽ đến từ 10% tổng số thu ngân sách hàng năm từ phí visa và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; từ 5% tổng số thu ngân sách hàng năm từ phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch; từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; từ lãi suất ngân hàng của quỹ và các nguồn thu khác. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lên Tủa Chùa ngắm cầu treo Pa Phông

0
(SGTT) – Nằm ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cầu treo Pa Phông là điểm đến được nhiều du khách khám phá trong...

Du khách trải nghiệm không gian văn hoá ẩm thực làng...

0
(SGTT) – Nằm trong chương trình kích cầu du lịch 2024 “Quảng Nam – Miền xanh di sản”, tối 26-4, lễ hội văn hoá...

Bữa trưa ngày đầu nghỉ lễ với lẩu tự chọn cùng...

0
(SGTT) - Trong buổi trưa ngày đầu nghỉ lễ, "Trưa nay ăn gì" gợi ý nồi lẩu với bốn vị nước dùng, cùng chín...

TPHCM: tàu metro số 1 chạy thử toàn tuyến hết 30...

0
(SGTT) - Sáng 26-4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tổ chức chạy thử nghiệm tự động tuyến metro số 1 (Bến...

Chèo xuồng, đạp xe khám phá cù lao Tam Hiệp

0
(SGTT) – Đi xuồng chèo trong rạch dừa nước, đạp xe dưới vườn nhãn xanh mát, khám phá vườn lá sâm hay nghỉ dưỡng...

Bữa sáng Sài Gòn: Mới lạ tô phở Cường Ký nấu...

0
(SGTT) - Ngoài hương vị phở miền Nam hay Bắc, món phở còn được một số người Hoa bày bán với những thức ăn...

Kết nối