Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Chất Methanol có trong dung dịch rửa tay khô nguy hiểm ra sao?

(SGTT) – Mới đây nhất, Green Cross Việt Nam vừa bị yêu cầu thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm vì không đáp ứng yêu cầu về giới hạn Methanol trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định. Theo một số cơ quan y tế, chất Methanol trong các sản phẩm dung dịch rửa tay nếu sử dụng lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thu hồi sản phẩm dung dịch rửa tay Green Cross

Theo trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, ngày 1-11, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như Công ty TNHH Green Cross Việt Nam về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi lô mỹ phẩm “Dung dịch rửa tay Green Cross hương tự nhiên – 100 ml” (Số lô: 3F2921320; hạn dùng: 090624; Số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm: 187/19/CBMP-BD) do công ty TNHH Green Cross Việt Nam sản xuất.

Căn cứ theo công văn ký ngày 4-10 của Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM gửi kèm Phiếu Kiểm nghiệm đề ngày 30-9 và kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thử mỹ phẩm trên do Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM lấy tại siêu thị MM Mega Market Bình Phú (đường Bình Phú, phường 11, quận 6, TPHCM) không đáp ứng yêu cầu về giới hạn Methanol trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN.

Sản phẩm Dung dịch rửa tay Green Cross hương tự nhiên của Công ty TNHH Green Cross Việt Nam.
Mối nguy hại khi sử dụng sản phẩm sát khuẩn chứa methanol

Hiện nay, các sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn dạng gel hay xịt là một lựa chọn không thể thiếu của nhiều người trong đại Covid-19.

Một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 là rửa tay bằng xà phòng. Trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo nên sử dụng nước rửa tay có cồn chứa ít nhất 60% ethanol (còn được gọi là cồn etylic). Khác với ethanol, cồn methanol không tốt cho cơ thể người.

Theo trang thông tin của Bộ Y tế, cồn ethanol là một trong những thành phần chính của dung dịch rửa tay khô, giúp việc sát khuẩn nhanh và tiện lợi. Tuy nhiên, việc dùng cồn methanol hay cồn metylic, còn được gọi là cồn gỗ vào thành phần dung dịch thay cho ethanol sẽ gây tác dụng ngược, thậm chí nguy hiểm cho người dùng.

Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic – acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Dù nồng độ methanol trong các sản phẩm dung dịch rửa tay không quá lớn nhưng nếu sử dụng về lâu dài cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước đây, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) Mỹ đã từng nhiều lần đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng về tác hại của các sản phẩm nước sát khuẩn tay không đảm bảo chất lượng, trong đó có chứa cồn methanol.

Theo FDA, có rất nhiều loại cồn nhưng chỉ cồn etylic và cồn isopropyl (còn được gọi là 2-propanol) là những loại cồn được chấp nhận trong nước rửa tay diệt khuẩn. Các loại cồn khác, bao gồm methanol và 1-propanol, không được chấp thuận vì chúng có thể gây độc hại cho người.

Dung dịch sát khuẩn chứa cồn được bày bán rất nhiều với nhiều kích thước, màu sắc, hương liệu khác nhau với các thành phần cũng khác nhau. Vì vậy, với dung dịch sát khuẩn cần chọn loai có nồng độ cồn tối thiểu là 60% (thường được liệt kê trên nhãn với tên gọi là ethanol, cồn ethyl, isopropanol, hoặc 2-propanol).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng với dung dịch sát khuẩn chứa từ 60% – 95% cồn sẽ có hiệu quả diệt virus cao hơn so với các loại có nồng độ cồn thấp hơn. Nếu như nồng độ cồn dưới 60%, dung dịch chỉ có tác dụng giảm sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt được chúng một cách triệt để.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối