Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024

Cải lương khởi động với nhiều nỗi lo

HUY TUẤN –

Dù không có nhiều chương trình biểu diễn vào dịp Tết Bính Thân như các lĩnh vực nghệ thuật khác, nhưng ở thời điểm này cải lương đã bắt đầu nhộn nhịp với những kế hoạch tập luyện đáng chú ý.

Dựng lại Mộng Hoa Vương

VH_2Vở Mộng Hoa Vương trên sân khấu thập niên 50 của thế kỷ 20. Ảnh tư liệu

Trong xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa sân khấu và các chương trình truyền hình thực tế, các loại hình nghệ thuật khác, nếu sân khấu kịch gặp khó một thì cải lương khó đến mười bởi rất nhiều lý do từ bị động về nhà hát đến nghệ sĩ và các đối tượng khán giả… Nhưng khá bất ngờ, những kế hoạch đầu tiên trong năm Bính Thân của cải lương không nhỏ lẻ mà là những chương trình, vở diễn khá “dài hơi”.

Tối ngày 28-2 tới, chương trình cải lương Ba thế hệ do Câu lạc bộ Cải lương Hội Ái hữu nghệ sĩ và Công ty Giải trí Kim Tử Long phối hợp tổ chức sẽ có buổi biểu diễn thứ hai với chủ đề Về lại cội nguồn. Với đêm diễn này, những lo lắng về tính thường xuyên của chương trình sau đêm ra mắt câu lạc bộ ngày 15-1 trước đây ít nhiều được gỡ bỏ để thắp sáng kỳ vọng chương trình sẽ diễn ra định kỳ vào tối thứ Sáu của tuần lễ thứ ba mỗi tháng tại Rạp Công Nhân (quận 1, TPHCM) theo đúng dự định của những người tổ chức.

Những chương trình đầu tiên sẽ tập trung dàn dựng các trích đoạn cải lương nổi tiếng với sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương như NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Tú Sương, NSƯT Trường Sơn, NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Thy Trang, Trinh Trinh, bé Hồng Quyên, Tứ Quyên, Kim Thư, Gia Bảo… Khi hoạt động đi vào ổn định sẽ tiến tới dàn dựng các vở cải lương nguyên tuồng.

Sau đợt biểu diễn phục vụ Tết Bính Thân, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng bắt tay dàn dựng hai vở cải lương Mộng Hoa Vương của cố soạn giả Trần Hữu Trang và Vòng xoáy (tác giả-nhà văn Bích Ngân, chuyển thể Hoàng Song Việt).

Khá bất ngờ khi đạo diễn – nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết Mộng Hoa Vương là vở diễn đầu tiên của cố soạn giả Trần Hữu Trang được dàn dựng trên sân khấu của nhà hát mang tên ông kể từ ngày nhà hát được thành lập. Mộng Hoa Vương là một trong những vở cải lương nổi tiếng của cố soạn giả Trần Hữu Trang vào thập niên 50 của thế kỷ 20. Nội dung kịch bản xoay quanh mối tình giữa nữ vương Mộng Hoa với sứ thần và một võ tướng. Trái tim của nữ vương đã trao trọn cho sứ thần, điều này làm tan nát trái tim của một võ tướng và là nguồn cơn của những biến cố trong cuộc đời người phụ nữ đầy quyền uy.

Trước khi tái dựng, kịch bản gốc sẽ được soạn giả Việt Thường – con trai út của cố soạn giả Trần Hữu Trang chỉnh lý, biên tập lại để gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại và nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Ở bản dựng mới này sẽ có mặt những nghệ sĩ trẻ của đoàn ba – Nhà hát Trần Hữu Trang: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm… Đạo diễn Quỳnh Mai – Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết: “Kịch bản Mộng Hoa Vương có rất nhiều bài bản hay, không dễ gì còn tìm lại được trong những vở cải lương sáng tác trong thời gian gần đây. Tuy nhiên đây lại là những bài bản rất khó, đòi hỏi mỗi diễn viên phải tập trung cao độ và tập luyện nghiêm túc. Do vậy, dù rất hào hứng với vở diễn đầu tiên của cố soạn giả Trần Hữu Trang trên sân khấu của nhà hát mang tên ông, nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều áp lực phải vượt qua”.

Bên cạnh đó vở Vòng xoáy (tác giả Bích Ngân, chuyển thể Hoàng Song Việt) cũng đã được “khởi công” dàn dựng. Đây là vở diễn từng được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch TPHCM với tên gọi Vòng xoáy nghiệt ngã. Sau đó, ở Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra vào tháng 11-2015, Đoàn cải lương Hương Tràm đã giới thiệu lại một phiên bản cải lương với nhiều chỉnh lý từ tình huống kịch đến tuyến nhân vật… Nội dung vở diễn đặt một góc nhìn khá mới về cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong cuộc sống hiện đại của những người lính năm xưa. Vòng xoáy đã mang về chiếc Huy chương Vàng – giải tác phẩm – khá thuyết phục. Với thành công đã có, lần này được dàn dựng với một ê-kíp mới, Vòng xoáy đang là một “ẩn số” của cả giới làm nghề lẫn những khán giả đã từng được xem Vòng xoáy của Đoàn Hương Tràm. Liệu Vòng xoáy ở nhà hát cải lương lớn nhất của các tỉnh phía Nam có làm nên điều khác biệt?

Nỗi lo muôn năm cũ

VH_1Chương trình cải lương thiếu nhi của nhóm Bầu Trời Xanh hay và ý nghĩa nhưng khó tổ chức biểu diễn vì không có sân khấu riêng. Ảnh: T.B.

Những kế hoạch dàn dựng các vở diễn, chương trình cải lương dẫu đang tiếp diễn nhưng vẫn không thể “xóa mờ” nỗi lo cải lương ở TPHCM rồi đây sẽ ra sao? Nỗi niềm đó của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương khiến những ai quan tâm đều khó tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Những người làm nghề phải làm sao đây khi cứ mãi phải loay hoay với cảnh “không nhà” và cứ mãi loay hoay chạy tìm điểm diễn? Cải lương dù đang rất khó nhưng khó khăn vẫn không thể “thui chột” đam mê, khát khao được đứng dưới ánh đèn sân khấu của người nghệ sĩ. Nhưng để được ca diễn, được bay bổng với giấc mơ của mình, người nghệ sĩ cần phải có một nhà hát, một sân khấu.

“Nhà hát cho cải lương ở TPHCM vào thời điểm này ư? Ước mơ đang ở quá xa tầm với người nghệ sĩ”, đó không chỉ là tâm trạng của riêng NSƯT Kim Tử Long mà là nỗi niềm chung của hầu hết những nghệ sĩ cải lương hiện nay.

Khởi động những dự án mới, nhưng những người làm cải lương vẫn đang canh cánh nỗi lo về điểm diễn. NSƯT Kim Tử Long – chủ nhiệm chương trình Ba thế hệ, cho biết anh vẫn chưa dám tính toán gì nhiều cho các kế hoạch lớn do không thể làm chủ sân khấu, việc bị động với những kế hoạch của Nhà hát Kịch Thành Phố là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi đó, Nhà hát Trần Hữu Trang càng ở vào “thế khó” hơn khi nhà hát mới xây vẫn đóng cửa và đang trong giai đoạn bị thanh tra. Giám đốc – NSND Trần Ngọc Giàu băn khoăn: “Cảnh trí của hai vở diễn mới nên thiết kế theo sân khấu rạp Thủ Đô hay sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang mới? Nếu thực hiện theo rạp Thủ Đô thì khi về nhà hát mới, cảnh trí sẽ phải làm lại toàn bộ. Nhưng nếu làm theo sân khấu của nhà hát mới mà khi vở diễn hoàn tất chúng tôi vẫn chưa được bàn giao “nhà” thì toàn bộ cảnh trí sẽ lọt thỏm ở sân khấu rạp Thủ Đô”.
“Nghịch lý ở chỗ chủ trương phải bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, nhưng những người nghệ sĩ của nghệ thuật dân tộc lại không có một nơi biểu diễn để đưa nghệ thuật cải lương đến gần với công chúng”, NSƯT Trường Sơn không giấu được nỗi buồn.

Nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương cho biết họ đang sống, đang làm nghề chỉ bằng niềm tin và khát vọng giữ cho sân khấu cải lương không mai một trong tâm trí người xem. Bỏ vốn đầu tư ban đầu, bỏ công sức đã đành, đằng này, đa phần các chương trình cải lương được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, cứ mỗi đêm sáng đèn là phải chuẩn bị tiền dằn túi để bù lỗ. Bao nhiêu người có đủ sức theo đuổi khát vọng của mình?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dấu xưa – Hồn phố: Dạo quanh ‘chợ Thủ Đô’ giữa...

0
(SGTT) - Nằm trên địa bàn quận 5, chợ Phùng Hưng là một trong những ngôi chợ lâu đời, sầm uất tại khu vực...

Mâm tiệc vùng miền có gỏi, bánh khọt, nem nướng và...

0
(SGTT) – Một trưa cuối tuần lại đến, Trưa nay ăn gì chọn giới thiệu một mâm tiệc với những món ăn dân dã,...

Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi...

0
(SGTT) -  Bước vào mùa hè 2024, giá vé máy bay nội địa ghi nhận vẫn còn mức cao ảnh hưởng nhiều đến kế...

Chi tiết giá vé các chương trình tại Festival nghệ thuật...

0
Giá vé các chương trình nghệ thuật, ẩm thực cung đình tại tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 dao động từ...

Bữa sáng Sài Gòn: Nhất vị món bún riêu anh Thái...

0
(SGTT) - Chọn phần nước dùng món bún riêu hầm từ giò heo và chả viên tôm, tiệm bún riêu anh Thái là điểm...

Bao giờ đường Tân Kỳ Tân Quý hoàn thành?

0
(SGTT) - Sau hơn 1 năm thi công, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) đã đạt 50%...

Kết nối