(SGTTO) – Một người đi du lịch hoài thì làm sao có được những tấm ảnh mới lạ, suy nghĩ không cũ mòn để còn “đấu láo” trên Facebook quốc dân? Có nhiều cách chứ, như anh chàng cận thị viết bài này, sau khi tỉ mẩn sắp xếp mớ hình ảnh chuyến đi Ấn Độ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

…Chuyến đi Ấn Độ của tôi trọn bảy ngày, qua ba thành phố ở phía Bắc Ấn Độ: thủ đô New Delhi, thành phố hồng Jaipur và Arga – nơi có cung điện Taj Mahal. Đến khi về Việt Nam, đổ hơn một ngàn tấm hình ra máy tính, tôi mới tình cờ phát hiện mình đã chụp rất nhiều ảnh những mái vòm ở Ấn Độ.

Những mái vòm ở Taj Mahal – lăng mộ vị vua si tình
Dãy hành lang bên cạnh lăng Taj Mahal, dẫn ra một sân rộng để ngắm sông Yamuna. Ảnh: Gia Tiến

Trước chuyến đi, thật khó để tôi trả lời câu hỏi: “Đi thăm những đâu ở Ấn Độ?”, bởi ở tiểu lục địa này có quá nhiều nơi nên đến. Vì thời gian có hạn, hành trình của tôi chủ yếu thăm những công trình kiến trúc tồn tại hàng ngàn năm của Ấn Độ, mà điểm nhấn là Taj Mahal. Taj Mahal như nhiều người đã biết, là biểu tượng của đất nước này, nơi mà tôi đã mơ ước được chiêm ngưỡng từ lúc nhỏ, khi đọc những trang sử thi Ấn.

Những cổng vòm được đôi tay khéo léo của các nghệ nhân tạo nên ở Taj Mahal. Ảnh: Gia Tiến

Đến nơi rồi mới thấy, những công trình kiến trúc Ấn Độ hầu như lưu giữ nguyên vẹn mọi thứ, là một bảo tàng sống động với những tác phẩm điêu khắc tinh vi mà theo tôi xứng đáng xếp vào bậc nhất.

Trong 3 địa điểm nêu ở đầu bài này, tôi ưu tiên cho nơi chốn mà bất cứ du khách nào cũng nên ghé qua: cung điện Taj Mahal ở thành phố Agra.

Tuy kiến trúc là cung điện, nhưng thực tế Taj Mahal lại là một lăng mộ. Hoàng đế si tình Shah Jahan đã mất đến 23 năm (từ 1631 đến 1653) với 20.000 nhân công để xây dựng lăng mộ cho hoàng hậu Mumtaz Mahal yêu quý.

Khi quan sát, thật sự tôi nhận thấy những con phố quanh Taj Mahal không xứng với mức độ hoành tráng của cung điện. Không phải tôi than phiền, nhưng quanh đó là những con phố nhỏ, đông người bán hàng dạo, còn cò mồi mua vé bám theo du khách nữa chứ. Nhưng đó không đáng bận tâm so với khung cảnh tuyệt diệu của công trình Taj Mahal.

Qua khỏi ba lớp cổng kiểm soát bằng chiếc vé 1.200 rupee dành cho người nước ngoài (khoảng 400.000 đồng), khách du lịch như tôi mới cảm thấy ngỡ ngàng với độ lộng lẫy của lăng mộ, thấy được sức mạnh ghê gớm của tình yêu mù quáng.

Với chiều cao gần 80m, xung quanh là 4 vòm tròn và bốn góc là tháp nhọn, Taj Mahal tượng trưng cho sự thiêng liêng và bất diệt. Quanh đó là những bức tường nhiều cửa hình vòm cuốn chạm khắc, những mái vòm tinh xảo. Bên trong lăng lại càng cuốn hút với những tấm thảm khảm đá quý, cẩm thạch tạo nên tổng thể trang nhã.

Pháo đài đỏ

Cũng tại thành phố Agra, cách Taj Mahal khoảng 3km là pháo đài Arga, hay còn gọi là pháo đài đỏ vì được xây dựng bằng đá cát đỏ. Bên trong pháo đài có nhiều công trình như cung điện Jahangir và Khas Mahal, hai nhà thờ Hồi giáo và hội trường lớn.

Một trong hàng trăm cổng vòm được chạm khắc tinh xảo ở pháo đài Agra. Ảnh: Gia Tiến
Một sảnh rộng với hàng chục cây cột và mái vòm lớn ở Agra Fort. Ảnh: Gia Tiến
Một tòa nhà bên trong Agra Fort. Ảnh: Gia Tiến

Nơi tôi thích nhất là khu vườn lớn, có khán đài để mọi người ngồi ngắm hoàng hôn, ở giữa là những luống hoa đủ màu, vài cây cổ thụ xòe tán lớn phủ bóng mát lên khu vườn.

Sảnh lớn bên trong Agra Fort với hàng cột lớn và mái vòm rộng. Ảnh: Gia Tiến
Thành phố hồng
Những thanh niên Ấn Độ ở pháo đài Amber. Ảnh: Gia Tiến
Lối vào cung điện nước ở thành phố Jaipur. Ảnh: Gia Tiến

Tiếp theo, tôi đến Jaipur – còn được gọi là Pink City – thành phố hồng, cách thủ đô New Delhi 262 km. Những lâu dài, cung điện, chợ búa và cả nhà dân – tất cả đều được sơn một màu hồng tươi tắn.

Tôi đã dành cả một buổi chiều chỉ để đi loanh quanh khu trung tâm thành phố, ngắm những công trình kiến trúc màu hồng chìm dưới ánh hoàng hôn đỏ rực. Và buổi dạo chơi kết thúc bằng ly cà phê tại một quán trên cao đối diện với Wind Palace – cung điện gió – cũng là biểu tượng của thành phố này.

Khung cửa để ngắm toàn cảnh từ tầng cao nhất của Amber Fort. Ảnh: Gia Tiến

Ở Jaipur cũng có pháo đài với tên gọi Amber. Amber Fort nằm trên một quả đồi cao, có đường nhựa dành cho ô tô lên tận đỉnh của pháo đài, bao quanh phía dưới là hồ nước xanh.

Khu vực ngắm hồ nước nằm men theo dãy núi ở tầng 3 Amber Fort. Ảnh: Gia Tiến
Người Ấn Độ và cả du khách nước ngoài ngắm những kiến trúc đầy tính nghệ thuật ở Amber Fort. Ảnh: Gia Tiến
Tầng đầu tiên của Amber Fort du khách được ra vào tự do. Ảnh: Gia Tiến

Pháo đài Amber có 4 tầng gồm nhiều công trình kiến trúc được xây dựng bao quanh sườn đồi. Nhưng để lên tầng cao nhất, du khách phải mua vé với giá 500 rupee, và tôi đã không tiếc nuối gì số tiền ấy khi được chiêm ngưỡng tòa lâu đài được chạm trổ tinh xảo. Rồi những góc nhìn toàn cảnh từ trên đỉnh đồi cao qua những vòm cửa được dát vàng nữa chứ. Ai đó có thể nói là họ đang lịm người đi vì khung cảnh thì cũng không ngoa chút nào.

Tòa lâu đài ở vị trí cao nhất của Amber Fort thu hút nhiều du khách chiêm ngưỡng. Ảnh: Gia Tiến

Bảy ngày qua nhanh như cơn gió. Về nhà bình an khỏe mạnh, mở hình ra xem lại mà tôi cứ ngỡ như hôm qua. Ấn Độ không chỉ có biểu tượng Taj Mahal cổ kính, thành phố hồng với cung điện gió và những pháo đài đồ sộ, mà còn những điểm đến hấp dẫn để tôi và những du khách khác khám phá ở lần sau, lần sau nữa…

Gia Tiến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây