Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Xanh vui, đỏ buồn!

Văn Nam –

Không chỉ nhà đầu tư chứng khoán mới có cảm giác vui buồn theo sắc xanh sắc đỏ trên bảng điện tử tại các sàn giao dịch mà gần đây, nhiều người dân TPHCM khi lưu thông trên đường cũng nếm trải cái cảm xúc này sau khi hàng loạt bảng điện tử giao thông có thêm chức năng thể hiện các chỉ số ô nhiễm môi trường nước, không khí với hai sắc chủ đạo: màu xanh chỉ môi trường an toàn, màu đỏ chỉ môi trường bị ô nhiễm.

Thấy thông tin

chatluongnuocBảng điện tử về chất lượng không khí, nước được chụp sau 30 giây tại đoạn đường Quang Trung, quận Gò Vấp sáng ngày 3-5.      Ảnh: Văn Nam

Tính đến nay đã tròn một tháng kể từ khi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố thông tin môi trường trên 48 bảng điện tử, đan xen trên đó là thông tin về giao thông nhiều tuyến đường.

Các thông tin môi trường chủ yếu là các chỉ số về ô nhiễm tiếng ồn, chất lượng không khí, chất lượng nước trên kênh rạch với thời gian hiển thị khoảng 30 giây mỗi tin. Lý thuyết mà nói, nhìn vào bảng thông tin này, người dân sẽ biết được chất lượng môi trường tốt hay xấu.

Ghi nhận thực tế một buổi sáng đầu tháng 5-2017, trong dòng người đông đúc tham gia lưu thông trên đường Quang Trung, đoạn qua chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), có lẽ không nhiều người để ý hay có đủ thời gian ngước mắt lên nhìn một bảng điện tử băng ngang đường với dòng chữ: chất lượng nước tại khu vực cầu An Lộc: Ph 6,87, DO (mg/l) 0,93, BOD5 (mg/l) 35, COD (mg/l) 35.

Điều đáng chú ý là trong số các chỉ số đó, chỉ có chỉ số Ph mang sắc xanh lá cây, còn lại đều màu đỏ. Các chỉ số trên được đo đạc từ hồi tháng 3-2017. Khoảng 30 giây sau, bảng điện tử này hiển thị chất lượng không khí ở khu vực ngã 6 Gò Vấp với hai chỉ số CO và NO màu xanh cho thấy sự an toàn, còn chỉ số bụi tổng và tiếng ồn thì màu đỏ. Điều này có nghĩa hai chỉ số này đang vượt ngưỡng cho phép.

Rồi sao nữa?

Chưa bàn đến việc liệu có bao nhiêu người đang điều khiển phương tiện giao thông trong dòng người đông đặc chịu dừng lại đọc các chỉ số môi trường nói trên, chỉ riêng thời gian thể hiện trên bảng điện tử đã cho thấy những số liệu trên được đo trước đó đã lâu. Có nghĩa là khi người dân biết chỉ được các hiện trạng môi trường khu vực quanh mình sinh sống qua những số liệu cũ, kết quả quan trắc hơn một tháng trước đó.

Theo giải thích của một cán bộ ngành môi trường thành phố với báo chí, do hiện nay việc quan trắc chất lượng môi trường được thực hiện thủ công, chưa có trạm quan trắc tự động kết nối phổ biến nên chưa thể thông tin ngay lập tức được.

Một điều nữa cần phải bàn đến chính là hiệu quả của những thông số ô nhiễm trên các bảng điện tử đối với đời sống hàng ngày của người dân. Bởi xét về công năng, các bảng điện tử trên đường chỉ được người dân quan tâm khi nó thể hiện các chỉ số như tình hình kẹt xe hay ngập nước đang diễn ra phía trước hướng lưu thông để họ biết đường tránh. Hoặc giả nếu có bảng điện tử về môi trường cũng chỉ phù hợp khi được chúng lắp đặt thể hiện các thông số được quan trắc trực tiếp ngay tại các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường để cảnh báo người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khu vực đó.

Theo một chuyên gia về môi trường tại TPHCM, vấn đề quan trọng nhất chính là cho dù người dân chịu dừng lại đọc, hiểu hết các thông số môi trường trên các bảng điện tử thì vấn đề cốt lõi nhất chính là việc giải quyết, xử lý tình trạng ô nhiễm để các chỉ số màu xanh nhiều hơn màu đỏ mới là điều được người dân quan tâm nhất.

Chẳng hạn, với chất lượng nước tại khu vực cầu An Lộc được quan trắc hồi tháng 3 và bị ô nhiễm với các thông số hiển thị màu đỏ như DO, BOD5, COD hay chỉ số bụi tổng và tiếng ồn tại khu vực ngã 6 Vấp đã vượt ngưỡng cho phép, vẫn còn đó nhiều câu hỏi được người dân quan tâm đặt ra như làm thế nào để xử lý triệt để nguồn nước ô nhiễm? Đến khi nào dòng nước kênh khu vực cầu An Lộc này hết ô nhiễm? Chừng nào tiếng ồn hay lượng bụi bặm khu vực ngã 6 Gò Vấp không còn đe dọa đến sức khỏe người dân?

Cũng theo nhận định của chuyên gia môi trường nói trên, cảnh báo xong phải có ngay hành động kịp thời, có giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông rạch hay đưa ra giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí căn cơ, lâu dài để môi trường sống được trong lành hơn. Đó chính là điều người dân trông đợi nhất chứ không chỉ dừng lại ở việc cập nhật các số liệu quan trắc cũ kỹ, để biết, rồi buồn vui theo hai sắc thái đỏ-xanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du khách trải nghiệm không gian văn hoá ẩm thực làng...

0
(SGTT) – Nằm trong chương trình kích cầu du lịch 2024 “Quảng Nam – Miền xanh di sản”, tối 26-4, lễ hội văn hoá...

Bữa trưa ngày đầu nghỉ lễ với lẩu tự chọn cùng...

0
(SGTT) - Trong buổi trưa ngày đầu nghỉ lễ, "Trưa nay ăn gì" gợi ý nồi lẩu với bốn vị nước dùng, cùng chín...

TPHCM: tàu metro số 1 chạy thử toàn tuyến hết 30...

0
(SGTT) - Sáng 26-4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tổ chức chạy thử nghiệm tự động tuyến metro số 1 (Bến...

Chèo xuồng, đạp xe khám phá cù lao Tam Hiệp

0
(SGTT) – Đi xuồng chèo trong rạch dừa nước, đạp xe dưới vườn nhãn xanh mát, khám phá vườn lá sâm hay nghỉ dưỡng...

Bữa sáng Sài Gòn: Mới lạ tô phở Cường Ký nấu...

0
(SGTT) - Ngoài hương vị phở miền Nam hay Bắc, món phở còn được một số người Hoa bày bán với những thức ăn...

Ở khách sạn, đi du thuyền ngắm pháo hoa tại TPHCM...

0
(SGTT) – Lưu trú, ăn uống tại những khách sạn ở khu vực trung tâm hay đi du thuyền trên sông Sài Gòn... là...

Kết nối