Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

TPHCM sắp có căn hộ 300 triệu đồng

Cao Ban thực hiện –

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc làm nhà cho người có thu nhập thấp, cho rằng với quỹ đất không còn bao nhiêu và có giá đắt đỏ như hiện nay, TPHCM khó có thể xây căn hộ giá rẻ như những nơi khác đã làm. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về kế hoạch làm nhà ở xã hội, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết thành phố sẽ xây nhà giá rẻ từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng mỗi căn từ nay đến năm 2020.

Sài Gòn Tiếp Thị: Hiện nay nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ngày càng tăng. Xin ông cho biết dự án nhà giá 100 triệu đồng mà TPHCM thực hiện theo mô hình tỉnh Bình Dương hiện đã được triển khai đến đâu?

Ông Trần Trọng Tuấn: Làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của TPHCM suốt 40 năm qua. Việc tỉnh Bình Dương làm thành công mô hình nhà giá rẻ 100 triệu đồng/căn đã tạo động lực cho TPHCM tìm cách kéo giảm giá nhà ở xã hội xuống thấp. Hiện nay, Sở Xây dựng đang nỗ lực để hiện thực hóa câu chuyện nhà giá rẻ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Thời gian qua, thành phố đã xây dựng 36.000 căn hộ phục vụ việc di dời người dân sống trên và ven kênh rạch và 40.000 nhà lưu trú cho công nhân. Trong giai đoạn 2017-2020, thành phố sẽ cho triển khai 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 45.000 căn hộ, trong đó phấn đấu hoàn thành 20.000 căn.

Để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nhiều đối tượng, nhà ở xã hội sẽ được xây với diện tích nhỏ từ 25-77 mét vuông, với giá bán từ 300 triệu-1 tỉ đồng/căn.

Có nhiều ý kiến cho rằng TPHCM có thể làm được nhà giá 100 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, tại sao thành phố không xây dựng loại nhà này để phục vụ chỗ ở cho người thu nhập thấp, thưa ông?

Đối với các dự án nhà ở xã hội được thực hiện từ trước đến nay tại TPHCM, giá bán đều từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/căn. Trong 39 dự án nhà ở xã hội được thành phố triển khai thì chỉ 19 dự án có đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, hạ tầng tại các dự án này chưa có sẵn nên chủ đầu tư vẫn phải bỏ tiền ra làm. Tại nhiều dự án khác, chủ đầu tư còn phải bỏ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, nên các chi phí này đều được tính vào giá bán.

TPHCM hoàn toàn có thể làm được nhà giá từ 100-200 triệu đồng mỗi căn nếu thỏa mãn các điều kiện: căn hộ diện tích nhỏ (25-30 mét vuông), có quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, nhà đầu tư không phải bỏ các chi phí như bồi thường giải phóng mặt bằng và đã có sẵn hạ tầng đầy đủ.

Tuy nhiên, TPHCM không khuyến khích làm loại nhà này. Trước mắt, loại nhà này sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều người thu nhập thấp, nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị. Nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn là nơi sinh hoạt, vui chơi, phải đảm bảo chất lượng cuộc sống, gắn liền với các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Tại quận 12, có một dự án nhà ở xã hội quy mô 1.000 căn hộ bán với giá trên dưới 1 tỉ đồng đã có hơn 7.000 hồ sơ nộp xin mua. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ rất đa dạng, không nhất thiết phải 100 triệu đồng/căn.

TPHCM đã tìm được hai địa điểm phù hợp làm nhà giá từ 300 triệu đồng/căn là huyện nhà Bè và quận 12. Hiện thành phố đang làm việc với các nhà đầu tư để xây dựng dự án căn hộ này. Trong tương lai gần, người dân thành phố sẽ có thể tìm mua nhà giá 300 triệu đồng, 400 triệu đồng và 700 triệu đồng và 1 tỉ đồng mỗi căn.

Làm nhà giá rẻ phải có quỹ đất, vậy thành phố lấy đất ở đâu để làm một lượng lớn các căn hộ này, thưa ông?

Thành phố sẽ tiến hành rà soát quỹ đất hoặc điều chỉnh Quy hoạch phân khu 1/2000 để xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu đất dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận, huyện, đặc biệt là dự án nhà ở cho công nhân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, thành phố cũng cân đối, phân bố nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước như bổ sung nguồn vốn thu được từ các dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo phương thức nộp tiền để đầu tư. Thành phố cũng sẽ bố trí ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại các quỹ đất ở vùng ven, đặc biệt là đất nông trường, tạo nguồn quỹ đất sạch giao cho các chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Các chủ đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tiền sử dụng đất, chi phí vay vốn, thậm chí được đầu tư hạ tầng. Thành phố cũng đang triển khai thí điểm cơ chế “một cửa liên thông điện tử” trong công tác cấp giấy phép xây dựng giúp giảm 2/3 thời gian cấp phép xây dựng. Cuộc thi thiết kế điển hình nhà ở xã hội đang được triển khai sẽ tìm ra mẫu thiết kế chung cho các nhà đầu tư áp dụng, giúp giảm chi phí thiết kế và rút ngắn thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công và cấp phép xây dựng.

Nhu cầu nhà ở cho thuê tại TPHCM cũng rất cao, chính quyền thành phố có tính toán đến điều này không, thưa ông?

Thực tế thời gian qua, nhà ở cho công nhân làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ mới đáp ứng 15% nhu cầu, số còn lại phải thuê nhà trọ, không đảm bảo an ninh, chất lượng cuộc sống.

Trước đây, nhà ở xã hội cho thuê là một giải pháp mà thành phố chưa thực hiện, nhưng từ năm 2017 thành phố bắt đầu triển khai mô hình này. Trong 39 dự án nhà ở xã hội được triển khai trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ dành 20% số lượng căn hộ trong số các dự án này để cho thuê, không được bán.

Giá thuê sẽ được tính toán phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp, tránh tình trạng giá thuê cao, không ai thuê khiến chủ đầu tư phải xin bán như đã xảy ra tại Hà Nội.

Có hiện tượng nhà ở xã hội bị đầu cơ, không bán được đến tay người dân. Vậy Sở Xây dựng sẽ làm gì để hạn chế tình trạng này?

Để người dân nắm rõ thông tin, Sở Xây dựng sẽ công bố thông tin về các dự án nhà ở xã hội. Khi dự án bắt đầu xây dựng, chủ đầu tư sẽ nhận hồ sơ, xem xét đối tượng mua phù hợp theo quy định pháp luật. Sau đó, Sở Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại.

Theo quy định, người mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng căn hộ dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán. Khi người mua muốn chuyển nhượng lại căn hộ thì phải đóng cho ngân sách nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó. Điều này sẽ ngăn chặn chuyện đầu cơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngân hàng số Cake thêm tính năng mã khóa bảo vệ...

0
Nhằm tăng cường thêm độ bảo mật cho người gửi tiết kiệm, Ngân hàng số Cake by VPBank vừa thêm tính năng bảo mật...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Dòng người hối hả về quê, các cửa ngõ TPHCM bắt...

0
(SGTT) – Từ chiều 26-4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Kết nối