Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Doanh nghiệp công nghệ hướng mạnh ra nước ngoài

Vân Ly-Ngọc Ánh –

Tái cơ cấu và mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài được xem là xu hướng phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin-viễn thông trong năm 2017. Nhiều doanh nghiệp đang gặt hái kết quả tốt tại thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Theo các chuyên gia công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) và xu hướng Internet cho mọi thứ (IoT) đang tạo ra những cơ hội đáng giá cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam, các công ty lớn nhỏ trong nước có thể tham dự vào chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu.

Thay đổi để tăng năng lực cạnh tranh

FPT-SoftwareFPT Software – công ty sẽ dành 200 triệu đô la Mỹ cho việc mua bán và sáp nhập các công ty khác để nhanh chóng đạt quy mô 30.000 người vào năm 2020.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết ngoài các mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông và dịch vụ CNTT, Viettel đang nghiên cứu và phát triển (R&D) các giải pháp an toàn thông tin. Ông nói thêm rằng Viettel không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao.

Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2018 các thiết bị mạng quan trọng trong mạng lưới của Viettel sẽ do hãng nghiên cứu và sản xuất. Đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do hãng làm chủ hoạt động nghiên cứu và phát triển thiết kế, sản xuất, bao gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp.

Hiện tại, Viettel đã sản xuất và đưa vào vận hành trong mạng lưới của mình hệ thống quản lý khách thuê bao, hệ thống tổng đài chuyển mạch 3G, hệ thống tổng đài tin nhắn kết hợp với hệ thống chặn và lọc tin nhắn rác. Đối với thiết bị trạm thu-phát vô tuyến 4G eNodeB, Viettel đã sản xuất thử nghiệm thành công, thiết bị mạng lõi 4G EPC và thiết bị truyền dẫn Site Router đang được nghiên cứu.

Tại Tập đoàn VNPT, Tổng giám đốc Phạm Đức Long cho biết năm 2016 VNPT đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để tổ chức lại mạng lưới, thay đổi mô hình kinh doanh, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Năm 2016 cũng là năm thứ ba liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%, năng suất lao động bình quân tăng gấp ba lần.

Đối với mạng viễn thông MobiFone, năm 2016 vừa qua là năm đầu tiên doanh nghiệp này hoạt động độc lập sau khi tách ra từ VNPT. MobiFone đã phát triển mới gần 10.000 trạm thu phát sóng (BTS), triển khai xong đường trục cáp quang Bắc Nam, đang triển khai tiếp mạng cáp quang đến các tỉnh. Nhà mạng này cũng đầu tư hệ thống quản lý bán hàng, hệ thống tính cước mới, thử nghiệm thành công công nghệ viễn thông 4G tại ba tỉnh và chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ trên diện rộng.

Tập đoàn Công nghệ CMC vào tuần qua cũng đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới và công bố chiến lược mới sau 23 năm hoạt động. Theo đó, trong thời gian tới, CMC tập trung phát triển các giải pháp công nghệ chuyên biệt tới từng nhóm khách hàng, nhằm đón đầu xu hướng IoT và nhằm tạo ra các sản phẩm khác biệt cho thị trường. Trong lĩnh vực viễn thông, CMC hướng tới việc tích hợp công nghệ thông tin vào dịch vụ để mang đến cho khách hàng những sản phẩm có giá trị cộng thêm.

Toàn cầu hóa là tương lai

Ở góc nhìn của một chuyên gia, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA), cho rằng năng lực của nhiều công ty công nghệ trong nước đã được khẳng định, song các doanh nghiệp này còn có thể đi nhanh hơn nữa nếu vươn ra thị trường quốc tế. Trên thực tế, theo ông Bình, số lượng doanh nghiệp có niềm tin vươn ra thế giới vẫn còn rất ít, mà cơ hội lại rất nhiều.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ở cương vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ FPT, ông Bình nói rằng định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT trong năm 2017 này. Qua 11 tháng đầu năm 2016, chỉ riêng thị trường nước ngoài của FPT đã đạt 5.500 ngàn tỉ đồng doanh thu, tăng 31% và 806 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước đó.

Hiện tại, FPT đã nâng số quốc gia mà doanh nghiệp này có sự hiện diện lên con số 20. Theo đó, FPT vừa chính thức nhận được giấy phép hoạt động cho FPT Korea. FPT Korea sẽ trực thuộc FPT Nhật Bản với nhiệm vụ tập trung vào mảng bán hàng, tìm kiếm, khai thác và mở rộng nguồn khách hàng ủy thác dịch vụ CNTT ở thị trường Hàn Quốc trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, truyền thông và giải trí.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, cho biết sau 10 năm đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp này nay đã xuất hiện ở 10 quốc gia. Cụ thể, Viettel đã đầu tư vào Campuchia, Lào, Timor Leste và Myanmar ở châu Á, Mozambique, Cameroon, Burundi và Tanzania ở châu Phi, Haiti và Peru ở châu Mỹ. Số lượng khách thuê bao của Viettel tại nước ngoài hiện đã vượt qua con số 35 triệu, tạo ra lượng việc làm cho hơn 10.000 người.

Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, cho biết đã đưa phần mềm ứng dụng gọi điện thoại miễn phí (OTT) Zalo sang Myanmar. Zalo vào thị trường Myanmar sau các ứng dụng OTT của Viber, Facebook, Line, Kakao Talk… song đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sắp đạt được mục tiêu 4 triệu lượt người sử dụng. Ông Khải cho hay, với quyết định đưa Zalo ra nước ngoài doanh nghiệp phải làm hai việc cùng một lúc, đó là vừa tăng tính cạnh tranh và đẩy mạnh việc phát triển ứng dụng ở thị trường trong nước, vừa phải thâm nhập thị trường mới.

Theo ghi nhận của VINASA, các doanh nghiệp CNTT trong nước đang vươn mạnh ra thị trường quốc tế cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT và những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến như DolSoft và MK Group. Hiện tại, Nhật Bản là thị trường thu hút sự tham gia sôi động nhất của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thành lập công ty ở Nhật Bản như FPT Software, TMA, Luvina, VietSoftware Intenational, Tinh Van Outsourcing…

Theo số liệu của JETRO, trong các ngành công nghiệp đầu tư vào Nhật Bản từ Việt Nam, số lượng nhiều nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, với chín doanh nghiệp trong năm năm vừa qua. Trong tương lai gần, sẽ còn nhiều công ty phần mềm nhỏ và vừa trong nước tiến hành thành lập công ty hoặc văn phòng ở Nhật Bản. Đây là xu hướng và là cách đầu tư hiệu quả cao cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam muốn phát triển kinh doanh với các đối tác Nhật Bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Nha Trang sẽ bắn pháo hoa ba đêm cuối tuần đến...

0
Bắt đầu từ ngày 3-5, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà sẽ bắn pháo hoa tầm thấp vào 3 đêm cuối tuần tại...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Singapore thu hồi ba loại thực phẩm có xuất xứ từ...

0
Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn...

Kết nối