Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Chỗ làm việc chung ngày càng rộng

Vân Ly-Ngọc Ánh – 

Nhà cung cấp dịch vụ không gian làm việc chung lớn nhất thế giới WeWork (Mỹ) sẽ đầu tư 500 triệu đô la Mỹ vào Đông Nam Á và Hàn Quốc trong nỗ lực mở rộng ra thị trường toàn cầu. Thông tin này đã góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho mô hình kinh doanh mới, vốn đang thu hút cả nhà đầu tư bất động sản quy mô lớn lẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo hãng tin Bloomberg, WeWork sẽ mua lại Spacemob (Singapore), một công ty khởi nghiệp (startup) chuyên cung cấp dịch vụ không gian làm việc chung (co-working space) được thành lập bởi doanh nhân Turochas Fuad và được tài trợ bởi Vertex Ventures cùng Alpha JWC Ventures. WeWork từ chối tiết lộ giá trị của thương vụ, nhưng các nhà phân tích ước đoán tập đoàn này sẽ rót khoảng 500 triệu đô la vào Đông Nam Á và Hàn Quốc – những thị trường tiềm năng của mô hình kinh doanh co-working space.

Miền đất khởi nghiệp Đông Nam Á

co-workingMô hình co-working cung cấp thêm sự lựa chọn cho người có nhu cầu thuê văn phòng làm việc, nhất là những doanh nghiệp start-up. Ảnh: Cao Ban

Giám đốc điều hàng WeWork châu Á, Christian Lee, cho biết hãng sẽ tiếp nhận đội ngũ khoảng 20 người của Spacemob, đồng thời bổ nhiệm ông Fuad làm giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á. Việc mua lại Spacemob là động thái bành trướng mới nhất của WeWork tại châu Á. Trong những tuần gần đây, công ty này đã tuyên bố nhận được khoản đầu tư 500 triệu đô la từ SoftBank Group (Nhật Bản) và Hony Capital (Trung Quốc) để mở rộng kinh doanh tại cả hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Tuy nhiên, đà phát triển của WeWork tại Trung Quốc đang bị đe doạ bởi đối thủ địa phương UrWork. UrWork đã nhận được một khoản đầu tư mới trị giá 1,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 178 triệu đô la) từ một nhóm nhà đầu tư, trong đó có Beijing Capital Land và Xingpai Group. Trước đó, trong tháng 5, UrWork cũng đã gọi vốn được 58 triệu đô la.

Trong vòng ba năm tới, UrWork không chỉ đối đầu với WeWork tại Trung Quốc mà còn dự định mở 160 địa điểm tại 32 thành phố trên toàn thế giới. Và thị trường tiềm năng mà hai tập đoàn này đang cùng nhắm tới là Đông Nam Á, một khu vực có hơn 600 triệu dân, có chi phí sinh hoạt không đắt đỏ và lực lượng lao động kỹ thuật trẻ cùng mạng lưới công nghệ số đang trong giai đoạn bùng nổ.

Từ một không gian văn phòng chia sẻ vào năm 2009, Singapore hiện nay đã có hơn 30 văn phòng. Ở Việt Nam, theo cuộc thống kê của công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) hiện cũng đã có hơn 40 không gian làm việc chung, kể từ khi Start – một trong những dự án co-working space đầu tiên mở cửa vào năm 2012.

Trên thực tế, tại Đông Nam Á, co-working space đang rất phổ biến với hơn 10.000 không gian được thành lập, tính đến cuối năm 2016. Các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu như WeWork cũng đang bắt đầu xâm nhập vào thị trường này và được dự báo sẽ nhanh chóng phát triển. Tuy nhiên, các thương hiệu nội địa cũng rất nỗ lực để gia tăng sức cạnh tranh của họ.

Gần đây, The Hive đang nhắm đến Singapore là nơi tiếp theo trong danh sách tăng trưởng, trong khi đó Dreamplex của Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở rộng ra Hà Nội và Đà Nẵng sau các dự án tại TPHCM. Thương hiệu WOTSO của Úc gần đây cũng đã mở cửa co-working space ở Singapore.

Bà Regina Lim, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu, thị trường vốn của hãng JLL, dự báo đến năm 2030, các dự án co-working space sẽ tăng từ 10% lên 15% trên tổng nguồn cung văn phòng ở Đông Nam Á, so với con số hiện nay chỉ từ 1-5%.

Không chỉ là nơi làm việc

Mặc dù nhiều co-working space được đặt trong nội đô các thành phố sầm uất, ví dụ như TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng ở Việt Nam, nhưng số lượng các dự án được thiết lập ở những nơi đặc biệt để đáp ứng nhu cầu cho những người thường di chuyển nhiều nơi và cần mạng Wi-Fi để làm việc đang tăng lên.

BeacHub ở Koh Phangan (Thái Lan) tạo ra một không gian làm việc chung ngay tại bãi biển, trong khi đó Hubud tại Bali (Indonesia) cho phép những nhà khởi nghiệp ngắm phong cảnh ruộng bậc thang ngay khi họ đang phát triển các ý tưởng kinh doanh của mình.

Tại các khu kinh tế lớn, cuộc cạnh tranh cung cấp co-working space đang ngày càng trở nên quyết liệt, nội thất, trang thiết bị hiện đại và cà phê ngon đã không còn đủ sức thu hút các nhà khởi nghiệp đến đây thuê chỗ mà phải dựa vào các yếu tố đặc biệt.

Chẳng hạn như The Outpost ở Singapore, Toong và UP ở Việt Nam sẵn sàng cung cấp cả chuyên gia cố vấn và nguồn nhân lực cho khách. Một số nơi khác thu hút khách hàng mới với thiết kế độc đáo, chẳng hạn như một khu vực của Refinery, không gian làm việc chung được thiết kế dành riêng cho thợ thủ công. Các tiện ích đi kèm như chăm sóc trẻ cũng đang là điểm thu hút của Trehaus tại Singapore hay Livit Spaces của Indonesia đưa co-working space lên một bước tiến mới: không gian sống chia sẻ (co-living space).

Không dừng lại ở việc hợp tác phát triển một không gian làm việc chung cho các startup, tại trung tâm thương mại The Oxygen, thuộc dự án The Vista (quận 2, TPHCM), vào tháng 2 vừa qua, CapitaLand Việt Nam đã ký kết bản thỏa thuận đối tác chiến lược với Toong nhằm phát triển một chuỗi không gian làm việc chung nằm bên trong các dự án bất động sản của CapitaLand ở Việt Nam trong tương lai.

Việc CapitaLand bắt tay với Toong cho thấy bước chuyển biến trong hoạt động phát triển mô hình trung tâm thương mại và các dự án văn phòng truyền thống. Việc tích hợp không gian làm việc kiểu mới vào không gian sống đang là xu hướng mạnh mẽ tại các thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao ở châu Á-Thái Bình Dương.

Toong là một trong những công ty khởi nghiệp tiên phong trong việc phát triển và điều hành một trong những chuỗi không gian làm việc chung lớn nhất ở Việt Nam, và mô hình đầu tiên đã được vận hành vào tháng 9-2015. Với địa điểm mới nhất tại The Oxygen mở cửa vào tháng 3 vừa qua, Toong có tổng cộng năm địa điểm trong toàn mạng lưới và trở thành chuỗi không gian làm việc chung đầu tiên phủ khắp cả nước.

Một trong những đối thủ mạnh của Toong ở Việt Nam là Công ty cổ phần phát triển UP. Sau khi mở không gian đầu tiên UP Co-working Space (Lương Yên, Hà Nội) vào tháng 3-2016, công ty này gần đây đã mở thêm một địa điểm mới là BKHUP Co-Working Space (Tạ Quang Bửu, Hà Nội)

Tập đoàn Trung Thủy, chủ đầu tư của DreamPlex 1 ở TPHCM, cho biết tỷ lệ thành viên đăng ký thuê chỗ tại dự án chiếm 90% tổng diện tích, kể từ khi dự án đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy, cho biết doanh nghiệp đang phát triển dự án DreamPlex 2 cũng ở  TPHCM và cũng đang chuẩn bị mở một văn phòng tương tự ở Hà Nội.

Ngoài những tên tuổi nêu trên, hiện tại ở Việt Nam còn có nhiều thương hiệu cung cấp không gian làm việc chung như Start, WORK Saigon, Citihub, TheVentures, iHouse, Coffice, HanoiHub, Clickspace.

Cần thêm lực đẩy

Không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp Đông Nam Á tìm được sự tiện ích từ co-working space mà các thành phố cũng đang hưởng lợi từ việc các tòa nhà được lấp đầy các không gian bị bỏ trống.

Ở Singapore, dự án co-working space không được phép đặt trong khu dân cư, vì vậy phần lớn không gian này tập trung ở khu vực văn phòng thương mại, mặc dù nó chiếm dưới 5% trong tổng số văn phòng, ông Chua Yang Liang, Giám đốc Nghiên cứu của JLL Đông Nam Á chia sẻ.

Trên khắp Indonesia, Ke:Kini, một co-working space cho doanh nghiệp bản địa, tọa lạc trong một tòa nhà cũ vì người sáng lập muốn giúp bảo tồn các tòa nhà cổ ở Jakarta và “mang đời sống văn hóa trở lại với Cikini”.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á ngày càng cho thấy co-working space là một cách khuyến khích tinh thần kinh doanh giữa các doanh nghiệp nội địa. Chương trình Doanh nhân Toàn cầu Indonesia (GEPI), một phần của sáng kiến hỗ trợ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trên toàn thế giới, cung cấp không gian làm việc cho các nhà khởi nghiệp trong khi chính phủ Jakarta cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng hai dự án theo mô hình này để hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ trong khu vực.

Theo ông Chua của JLL, chính phủ Singapore đã rất năng động trong việc nâng cao năng lực công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Trọng tâm của chính phủ là phát triển một hệ sinh thái sáng tạo có thể làm tăng nhu cầu về không gian làm việc phi truyền thống như co-working space. Sự phát triển gần đây của các dự án không gian làm việc chung cho thấy sự tin tưởng của chính phủ đối với nhu cầu về không gian làm việc trong tương lai, ông Chua giải thích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du khách trải nghiệm không gian văn hoá ẩm thực làng...

0
(SGTT) – Nằm trong chương trình kích cầu du lịch 2024 “Quảng Nam – Miền xanh di sản”, tối 26-4, lễ hội văn hoá...

Bữa trưa ngày đầu nghỉ lễ với lẩu tự chọn cùng...

0
(SGTT) - Trong buổi trưa ngày đầu nghỉ lễ, "Trưa nay ăn gì" gợi ý nồi lẩu với bốn vị nước dùng, cùng chín...

TPHCM: tàu metro số 1 chạy thử toàn tuyến hết 30...

0
(SGTT) - Sáng 26-4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tổ chức chạy thử nghiệm tự động tuyến metro số 1 (Bến...

Chèo xuồng, đạp xe khám phá cù lao Tam Hiệp

0
(SGTT) – Đi xuồng chèo trong rạch dừa nước, đạp xe dưới vườn nhãn xanh mát, khám phá vườn lá sâm hay nghỉ dưỡng...

Bữa sáng Sài Gòn: Mới lạ tô phở Cường Ký nấu...

0
(SGTT) - Ngoài hương vị phở miền Nam hay Bắc, món phở còn được một số người Hoa bày bán với những thức ăn...

Ở khách sạn, đi du thuyền ngắm pháo hoa tại TPHCM...

0
(SGTT) – Lưu trú, ăn uống tại những khách sạn ở khu vực trung tâm hay đi du thuyền trên sông Sài Gòn... là...

Kết nối