Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Xin cho dài lâu!

NGUYỄN VINH –

Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM) được khai trương vào chiều 9-1-2016, thời điểm dễ chịu nhất trong năm: giao mùa đông-xuân. Như một ẩn dụ cho những nỗ lực của những người tâm huyết với sách thúc đẩy hoạt động này từ đầu năm 2015 đến nay đã có được bước đầu thành công.

20 gian hàng sách, là những ki-ốt được thiết kế khá đẹp mắt, có những khoảng trống cho cà phê, giao lưu, trình diễn, có chỗ cho triển lãm, sưu tập sách báo cũ. Không gian của con đường Nguyễn Văn Bình thường ngày bình lặng giữa hai hàng me xanh mướt nay thay đổi sống động hơn nhờ hoạt động buôn bán, sinh hoạt tri thức.

duongsach2

Dạo qua vài vòng, lại thấy cái được nữa của đường sách giữa Sài Gòn đó là có một sự kết nối lặng lẽ giữa quá khứ với hiện tại. Ở các gian sách cũ, có thể tìm gặp những tờ tạp chí học thuật, văn nghệ sáng giá của Sài Gòn trước năm 1975: Văn, Bách Khoa, Tư Tưởng… bên cạnh những tác phẩm, công trình nghiên cứu vì nhiều lý do, tưởng đã chìm khuất mãi mãi. Sự hiện diện trở lại của chúng đang minh chứng cho một điều: sự phát triển về giá trị mới phải đặt trong sự kế thừa và tiếp nối của lịch sử. Một độc giả ngoài sáu mươi tuổi lật những trang giáo khoa, cuốn Tâm lý học của Vĩnh Đễ, và nói với người bán sách cũ rằng: “Cái này tôi đã học từ năm đệ nhứt, lâu lắm rồi mới thấy lại đó nghe cô”. Ở một chỗ khác, mấy cô cậu trẻ mê chơi sách cũ săm soi bộ Nhà thơ nhà văn nhân loại của Phạm Công Thiện, Phạm Hoàng xuất bản…

Hiện tại kết nối với quá khứ thông qua sách. Sách cũ nằm cạnh sách mới thông qua con đường rất ngắn này. Bên cạnh yếu tố thị trường, ta gặp yếu tính văn hóa. Rồi dân mê đọc, dân làm sách sẽ phải tự hỏi: Tại sao có mấy tập truyện mới được giải thưởng cách đây vài năm thôi, đã nằm trên kệ sách đồng giá 29.000, 39.000 đồng? Tại sao một quyển cực mỏng in bởi Lá Bối, An Tiêm từ trước 1975 giá lại vài trăm ngàn đồng mà không đủ để bán (có người còn đề nghị chủ hàng mua bản photo với giá 50.000 đồng/ bản)? Sách rõ ràng là sản phẩm như bao sản phẩm khác, nhưng phía sau đó là suy tư về giá trị, về những gì kiến tạo nên thực tế vòng đời của một cuốn sách đứng được qua thời gian.

Phải có một con đường như thế được dựng nên. Phải có một không khí buôn bán đúng nghĩa thị trường được tạo ra, để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên, như một sân chơi, như một “keo”, “kèo” kinh doanh của các doanh nghiệp làm sách. Ở đó, các doanh nghiệp thi thố sự độc đáo và khác biệt, sự cạnh tranh giá, sản phẩm để hấp dẫn người mua.
Có thể thấy ngay từ ban đầu: Sách Phương Nam đưa ra một chương trình dài về những cuộc giao lưu tác giả tác phẩm, Trí Việt làm nổi bật thương hiệu Hạt giống tâm hồn, ngay trong buổi khai mạc đã có một chương trình trình diễn nghệ thuật âm nhạc ấm cúng nhẹ nhàng, Nhã Nam thế mạnh với chợ phiên sách cũ… Mỗi doanh nghiệp tư nhân, cổ phần trong ngành sách đều cố gắng trưng bày ra thế mạnh của mình trong cuộc chơi mà họ được đặt cạnh bình đẳng với các “ông anh quốc doanh” – các nhà xuất bản nhà nước.

Sách vở mới, cũ bình đẳng, doanh nghiệp quốc doanh, tư nhân bình đẳng, bạn đọc bình đẳng trong chọn lựa… Một không gian phố sách sẽ lý tưởng nếu sự vận động tự nhiên ấy được đảm bảo lâu bền trong bối cảnh ngành xuất bản đang gặp nhiều khó khăn và hội sách thì mọc lên như nấm, không gì ngoài mục đích giảm giá bán tống bán tháo sách cũ để đảm bảo vòng quay quy trình sản phẩm mới.

Đường sách đã là một sự kiện văn hóa, không chối cãi. Nhưng sự kiện ấy có trở thành một nếp sống văn hóa hay không, thì còn phải đợi thời gian kiểm định. Một con đường sách đứng được phải cộng hưởng nhiều yếu tố, trong đó, ý tưởng mới cho sinh hoạt văn hóa đọc là điều rất quan trọng trong bối cảnh sự kiện sách thường chìm dưới vô vàn những sự kiện giải trí nghe nhìn khác. Thậm chí, phải tích hợp cả nghệ thuật đường phố để tạo ra diện mạo văn hóa chung cho khu vực trung tâm một đại đô thị…

Tất cả là để đảm bảo sức thu hút người đọc tìm đến và chịu tiêu dùng sách khi sách chưa phải là mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt đời sống người Việt nói chung, người TPHCM nói riêng.

Trước ngày khai mạc, có doanh nghiệp sách đã mời thầy cúng về làm lễ cúng gian hàng của mình. Bỏ qua mọi phán xét lẫn những tương phản có thể hài hước được gợi ra từ hình ảnh đó, thì có thể thấy, doanh nghiệp đến đường sách là để chờ mong một cơ hội kinh doanh tốt, một sự cầu mong “xin cho dài lâu” chứ không phong trào ngày một ngày hai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bằng lăng nở tím phố phường Hà Nội

0
(SGTT) – Tháng 5 về, khắp các con phố ở Hà Nội lại được khoác lên mình sắc tím bằng lăng. Hoa giáng hương...

Hai cây cầu được người dân Nhà Bè mong ngóng sẽ...

0
(SGTT) - Cầu Phước Long và Rạch Đỉa đang triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra và dự kiến hoàn thành...

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Giá vé máy bay tăng cao do phải chịu hơn 20...

0
(SGTT) - Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị cùng bánh canh cua ăn...

0
(SGTT) – Ngoài bánh canh cua truyền thống, nhiều quán bánh canh đã có thêm sự biến tấu khi thêm bào ngư. Qua đó,...

Người trẻ ‘biến hình’ cho những dòng kênh đen

5
(SGTT) - Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn...

Kết nối