Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Việc làm thêm để theo đuổi nghề chuyên nghiệp

Cẩm Anh –

Dẫn chương trình tại các buổi tiếp thị sản phẩm, dịch vụ của các nhãn hiệu (MC Promotion) đang được xem là một nghề khá thời thượng của các bạn trẻ có ngoại hình và kỹ năng giao tiếp hiện nay, bên cạnh công việc tiếp thị viên các sản phẩm, dịch vụ (PG-PB, Promotion Girl-Promotion Boy).

H_nh-2

Hình ảnh người dẫn chương trình tiếp thị trong một hoạt động được tổ chức tại trường học.

Hình ảnh các bạn trẻ năng động trong bộ trang phục thời trang, tay cầm micro chào mời khách hàng xem hoặc dùng thử sản phẩm, dịch vụ đang dần trở nên quen thuộc với những người hay đi tham quan, mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Đó là các MC tiếp thị, người có nhiệm vụ giới thiệu thông tin về hàng hóa, dịch vụ trong một chương trình tiếp thị hay quảng cáo.

Khởi đầu của giấc mơ MC

Thách thức về gia tăng doanh số bán hàng đã thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng hóa các hoạt động tiếp thị, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ trong ngành dịch vụ này. Và việc trở thành một MC tiếp thị, hay một PG, PB là cơ hội cho các sinh viên có thể kiếm thêm thu nhập, đồng thời cũng là môi trường làm việc thực tế giúp họ tích lũy những kinh nghiệm cần thiết cho một nghề nghiệp ổn định hơn sau này.

Không như những người dẫn chương trình chuyên nghiệp phải trải qua các khóa đào tạo kỹ năng một cách bài bản và được thể hiện năng lực bản thân nơi sân khấu truyền hình hoặc các sự kiện quan trọng, nghề MC tiếp thị thường được xem là công việc ngoài giờ dành cho những sinh viên có chất giọng và ngoại hình tốt, có kỹ năng giao tiếp và có khiếu hoạt náo.

Phần việc của một người dẫn chương trình tiếp thị cũng khá phong phú và đa dạng, có thể là giới thiệu sản phẩm mới, dẫn dắt các trò chơi cho chương trình hoạt náo, dẫn chương trình sự kiện, buổi tọa đàm, cuộc hội nghị hay đơn giản hơn là các cuộc giao lưu, trò chuyện trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh… Sau khi nhận được thông tin của chương trình, các MC phải tự viết lời dẫn, chuẩn bị nội dung trình bày, diễn tập… Ngoài những yêu cầu về ngoại hình, giọng nói tốt, hoạt náo sôi nổi, những người dẫn chương trình nghiệp dư này phải có kiến thức và sự linh hoạt khi ứng biến trong nhiều tình huống.

Hồng Ngọc, 19 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II, đến với công việc người dẫn chương trình tiếp thị bằng sự nghiêm túc vì cô xem đây là bước khởi đầu cho ước mơ trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp. Năm đầu tiên ở đại học, Hồng Ngọc xin được việc làm tại các chương trình tiếp thị nơi trường học, chợ. Sau một năm làm thêm, Ngọc nộp hồ sơ đăng ký phỏng vấn và được nhận vào làm người dẫn chương trình độc quyền cho các chương trình quảng cáo của các thương hiệu lớn như Vinamilk, Hitachi, Samsung, Panasonic… Vào mùa cao điểm, mỗi tuần Ngọc làm việc cho 4-5 chương trình, mỗi ca kéo dài khoảng sáu giờ đồng hồ, với mức thù lao từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng. “Công việc còn giúp mình trau dồi khả năng giao tiếp, tích lũy kinh nghiệm sống và quan trọng là mình không phải xin tiền bố mẹ cho việc học tập và sinh hoạt hàng ngày ”, Hồng Ngọc hào hứng chia sẻ.

Một người bạn học cùng lớp của Hồng Ngọc là Huệ Chi cũng đang chập chững bước vào nghề người dẫn chương trình tiếp thị. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ nên mức thù lao của Chi khá thấp, bây giờ mỗi ca sáu giờ cô được nhận thù lao từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng. “Từ khi đi làm, mình cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống, có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, xây dựng các mối quan hệ, tiền lương dùng để trang trải một phần trong sinh hoạt”, Chi kể.

Khác với Hồng Ngọc và Huệ Chi, Huỳnh Khương bắt đầu công việc của một nhân viên tiếp thị sản phẩm (PB) từ cách đây năm năm. Trong một chương trình tiếp thị của thương hiệu mì ăn liền Nissin, do nhà tổ chức thiếu người dẫn chương trình, Khương xin làm thử. Vì có niềm hứng thú với công việc này, Khương tự học hỏi và trau dồi kỹ năng, thử sức ở nhiều cuộc tuyển chọn để chính thưc trở thành một MC tiếp thị. “Đây là một nghề không dễ để theo đuổi. Ngoài khả năng thiên phú về chất giọng và khiếu ăn nói có duyên, cần có kiến thức và lòng đam mê với nghề. Muốn theo nghề lâu dài cần phải kiên trì, khó khăn không nản, lấy đam mê làm động lực để đi lên”, Khương chia sẻ.

Hiện nay, Khương đã chuyển qua làm người dẫn dắt cho các chương trình dành cho trẻ em vào dịp Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi hay các dịp lễ lớn. Bình quân một chương trình anh được nhận thù lao 3 triệu đồng.

Học hỏi để nâng cao tính chuyên nghiệp

Đằng sau những nụ cười tươi tắn, khuôn mặt rạng rỡ và trang phục thời trang là áp lực công việc, thu nhập và sức khỏe, sự căng kéo về thời gian dành cho công việc MC và việc học tập ở trường. Nhưng đó chưa phải là tất cả, thử thách còn đến từ việc mỗi MC nghiệp dư phải tự học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng, bên cạnh đó là việc xây dựng một phong cách riêng cho mình.

Ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản kỹ năng dẫn chương trình, các trung tâm đào tạo chủ yếu mở các khóa ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu và niềm đam mê của nhiều bạn trẻ.

Trung tâm hoạt động hướng tới cộng đồng (SECC) hiện đang có các khóa đào tạo người dẫn chương trình truyền hình với mức học phí trọn khóa là 1,5 triệu đồng. Nội dung chương trình đào tạo bao gồm kỹ thuật giúp người dẫn chương trình vượt qua các tình huống căng thẳng, kỹ năng xử lý những tình huống bất ngờ, kỹ năng chuyên môn dẫn chương trình, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật biểu diễn, biên tập chương trình, kỹ năng tìm kiếm ý tưởng và diễn đạt, kỹ thuật viết và biên tập lời dẫn, nghệ thuật sử dụng ngôn từ… Những nội dung này được những người có kinh nghiệm trong nghề giảng dạy như người dẫn chương trình Quang Bảo, đạo diễn Hạnh Thúy, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Đinh Thị Vũ Trinh…

Các khóa đào tạo tại Nhà văn hóa Thanh Niên có học phí thấp hơn, ở mức 690.000 đồng mỗi học viên trong vòng ba tháng. Cung văn hóa Lao động (TPHCM) và Đài Truyền hình TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo người dẫn chương trình với sự tham gia giảng dạy của các diễn viên, người dẫn chương trình nổi tiếng. Hãng Tây Nguyên Phim ở quận 5 đưa ra các khóa học có mức phí 3,5 triệu đồng trong khoảng thời gia ba tháng. Trong khi đó, trường John Robert Power (JRP) có học phí khá cao, ở mức 2.000 đô la Mỹ (khoảng 45 triệu đồng) cho mỗi học viên trong vòng ba tháng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ở khách sạn, đi du thuyền ngắm pháo hoa tại TPHCM...

0
(SGTT) – Lưu trú, ăn uống tại những khách sạn ở khu vực trung tâm hay đi du thuyền trên sông Sài Gòn... là...

Ngân hàng số Cake thêm tính năng mã khóa bảo vệ...

0
Nhằm tăng cường thêm độ bảo mật cho người gửi tiết kiệm, Ngân hàng số Cake by VPBank vừa thêm tính năng bảo mật...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Dòng người hối hả về quê, các cửa ngõ TPHCM bắt...

0
(SGTT) – Từ chiều 26-4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Kết nối