Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024

Tour Formosa và chuyện tiếp thị điểm đến

MINH DUY –   

Vài ngày trước, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững đã có buổi hội thảo giới thiệu ý tưởng tạo sản phẩm “Tour du lịch Formosa”, đưa du khách đến những điểm du lịch tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Trong đó, có nhiều điểm du lịch biển vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa môi trường Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra.

Theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, sẽ có bốn điểm du lịch chính trong tour, gồm đèo Con – khu công nghiệp Vũng Ánh tại Hà Tĩnh (nơi bắt nguồn của thảm họa môi trường – PV), bãi biển Hải Trạch của Quảng Bình, bãi biển Triệu An của Quảng Trị và bãi biển Lăng Cô ở Huế. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ thu hút du khách quay trở lại sau khi sụt giảm bởi sự cố Formosa. Trong buổi giới thiệu tại Hà Nội, đại diện của một số cơ quan quản lý du lịch địa phương đã ủng hộ ý tưởng thiết kế sản phẩm.

Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn cho rằng đây là một ý tưởng không thể triển khai vào thực tế và đi ngược với quy tắc tiếp thị nên không thể kéo khách đến.

“Việc dùng tên Formosa để gắn vào một sản phẩm du lịch với mong muốn tiếp thị, đưa khách đến là sai lầm. Mọi người đang rất sợ hãi với cái tên này, nay chúng ta lại gắn vào sản phẩm kỳ vọng thì sẽ phản tác dụng”, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, nói và cho rằng không thể vực dậy một điểm đến đang khủng hoảng bằng chính cái tên đã gây nên sự khủng hoảng đó.

Tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế nổi tiếng với bờ biển đẹp, hải sản phong phú và đang bắt đầu thu hút khách du lịch đến nhưng nay lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường do Formosa gây nên. Du khách không chỉ lo ngại về chuyện nước biển nhiễm độc, nhiều loại hải sản không thể ăn mà còn lo ngại những vấn đề liên quan khác như ô nhiễm nguồn nước, các loại rau, gia cầm để chế biến thực phẩm có an toàn hay không khi người dân vùng này dùng nguồn nước này để trồng, tỉa.

Với sự cố như thế này, những động thái phản ứng tức thì như kêu gọi du khách đến để ủng hộ du lịch biển, hay cố gắng chứng minh biển sạch, rau trái vẫn an toàn… là không có tác dụng bởi cơn khủng hoảng chưa qua, biển chưa thật sự sạch và tâm lý khách hàng chưa hết hoang mang.

Người đứng đầu một trong những công ty lữ hành lớn nhất Việt Nam (không muốn nêu tên) cho rằng sản phẩm gọi là “Tour du lịch Formosa” không thể bán được. “Người ta không thể vẫy vùng tuyệt vọng, bạ đâu vơ đó được”, ông nói.

Hồi tháng 5-2016, khoảng gần một tháng khi sự cố môi trường xảy ra, doanh nhân này đã đi Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, cùng làm việc với địa phương nhằm bàn cách thu hút du khách đến. Sau đó, các bên định phát động chương trình “Vì miền Trung” nhưng phải ngưng lại do biển vẫn không sạch, cá chết, du khách tẩy chay tour.

Theo ông, chắc chắn sản phẩm trên không thể giúp bốn tỉnh miền Trung vực dậy hình ảnh điểm đến ở thời điểm này và trong tương lai gần. Bản thân công ty ông cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường, không chỉ vì khách du lịch không mua tour mà khách sạn do công ty xây dựng ở đây cũng đang rất đìu hiu, lỗ nặng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà “làm đại” mọi chương trình có thể nghĩ ra.

Theo nhiều doanh nghiệp, vì những lý do trên sẽ không có bất cứ chương trình tiếp thị điểm đến nào có hiệu quả thực sự, có thể giúp khách hàng quên sự cố môi trường trầm trọng này để quay lại bốn điểm du lịch trên. Trong đó, du lịch biển sẽ là sản phẩm không nên nhắc đến trong giai đoạn hiện nay. “Cá nhân tôi chưa thấy chương trình nào có thể làm. Chúng ta không thể vội vã mà cần thời gian, chờ sự cố đi qua rồi mới có thể hành động”, ông Quỳnh của Furama nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần phải có những hành động khác, chuyển hướng phát triển dịch vụ, sản phẩm để có thể thu hút một số khách đến nhằm bù đắp phần nào sự sụt giảm của du lịch biển. Trong đó, sản phẩm hang động ở Quảng Bình, sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh ở Hà Tĩnh… là những sản phẩm đáng quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng thay vì quảng bá du lịch biển thì những người làm du lịch nên hướng du khách sang sản phẩm khác. Chẳng hạn, Hà Tĩnh còn dải phía tây có thể thu hút du khách, có sản phẩm du lịch đường mòn Hồ Chí Minh, có rừng quốc gia Pù Mát… “Vấn đề là phải có một nhạc trưởng, thấy được những sản phẩm còn có thể khai thác ở địa phương này để đi đúng hướng và có cách tiếp thị bài bản, có quy mô. Tôi thấy, cách mà Quảng Bình đang hướng du khách trải nghiệm du lịch hang động, giới thiệu các loại thực phẩm an toàn để thay thế như gà, cá sông… là có hiệu quả, nhưng không nên thực hiện đơn lẻ mà phải có sự hợp tác rộng lớn hơn”, bà nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Startup đo lường khí thải tìm kiếm cơ hội kinh doanh...

0
(SGTT) - Trong những năm tới, các cơ quan quản lý chứng khoán ở châu Á sẽ triển khai quy định bắt buộc công...

Nhiều dự án giao thông lớn sẽ được xây dựng tại...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự...

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày...

0
(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình...

Bằng lăng nở tím phố phường Hà Nội

0
(SGTT) – Tháng 5 về, khắp các con phố ở Hà Nội lại được khoác lên mình sắc tím bằng lăng. Hoa giáng hương...

Hai cây cầu được người dân Nhà Bè mong ngóng sẽ...

0
(SGTT) - Cầu Phước Long và Rạch Đỉa đang triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra và dự kiến hoàn thành...

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Kết nối