Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Thất nghiệp tự nguyện: lãng phí nguồn nhân lực

Thùy Dung-

Với những sinh viên mới ra trường, thất nghiệp tự nguyện giống như chấp nhận chưa có việc làm để tìm kiếm công việc có mức lương phù hợp. Nhưng nếu nhìn ở góc độ tuyển dụng và trên bình diện rộng của thị trường lao động, hiện tượng này đáng lo ngại vì nguồn nhân lực đang bị lãng phí.

Thất nghiệp tự nguyện phần nào cho thấy người lao động chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp để có mức lương như ý muốn, và thời gian chờ việc cũng không giúp ích cho việc phát triển kỹ năng cùng các phẩm chất lao động khác.

 Thanh-niên-tham-gia-ngày-hội-việc-làm-ở-TP-HCM-hồi-tháng-10-năm-2017.-Ảnh-Đăng-NamThanh niên tham gia ngày hội việc làm ở TPHCM hồi tháng 10 năm 2017.  Ảnh: Đăng Nam

Ở nhà chờ việc

Tốt nghiệp loại giỏi ngành chứng khoán, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tự tin với kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ, Nguyễn Hoàng Anh (Hà Nội) đặt mục tiêu khi ra trường phải làm việc ở công ty nước ngoài với mức lương khởi điểm 1.000 đô la Mỹ. “Nhưng hai năm nay chưa tìm được công việc phù hợp nên tôi quyết định ở nhà. Nếu vẫn chưa tìm được việc ưng ý, có thể tôi sẽ học tiếp cao học”, Hoàng Anh nói.

Tương tự, Đào Tuấn Trung (Hải Dương) sau khi tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, do không tìm được công việc ưng ý nên Trung về quê sống nhờ trợ cấp của cha mẹ, rồi mở một cửa hàng nước giải khát kinh doanh đến nay.

Người lao động thì cho rằng không tìm được công việc phù hợp nên chấp nhận thất nghiệp tự nguyện. Nhưng theo kinh nghiệm tuyển dụng của trưởng phòng nhân sự một ngân hàng tại Hà Nội, có tình trạng một số sinh viên mới ra trường quá tự tin với kiến thức và kỹ năng mình học được, đòi hỏi mức lương “trên trời” trong khi chưa có kinh nghiệm, chưa mang lại giá trị cho công ty.

Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quí 2-2017 – trùng với thời điểm sinh viên đồng loạt ra trường, cả nước có khoảng 1,08 triệu người thất nghiệp. Con số tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên tăng hơn 44.000 người so với quí 1-2017. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao nhất trong những nhóm lao động, trên 570.000 người.

Bàn về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết những năm gần đây tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên và người có trình độ đại học trở lên có xu hướng tăng. Những nhóm này mới ra trường, chưa nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ xã hội nên khả năng tìm việc khó hơn so với các nhóm khác.

 

Tốt hay xấu?

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTBXH, cho hay đây là hiện tượng bình thường ở Việt Nam cũng như các nước khác. Do tuổi còn trẻ, người mới ra trường và thanh niên có tư tưởng chờ đợi một công việc phù hợp chuyên ngành hoặc sẵn sàng nghỉ việc để tìm kiếm công việc tốt hơn.

Còn bà Mai Thúy Hằng, Giám đốc giải pháp nhân sự Công ty Navigos Search, cho biết gần đây thị trường việc làm sôi động hơn với các công việc thời vụ, thị trường lao động phi chính thức cũng tạo ra nhiều việc làm. Số thanh niên thất nghiệp cao phản ánh thực tế họ chưa muốn làm việc, có thể do việc làm chưa phù hợp, thu nhập chưa như kỳ vọng và họ vẫn có điều kiện để chờ đợi công việc như ý.

Theo ông Vinh, để tránh lãng phí thời gian khi phải lựa chọn thất nghiệp tự nguyện, ngay từ khi chưa ra trường, sinh viên nên tìm hiểu về thị trường lao động, công việc mình mong muốn. Sinh viên cũng nên biết về các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng, những kỹ năng cần thiết để tích lũy kiến thức.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần tăng cường kết nối thị trường lao động với doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Vinh cho biết kết quả ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa được như mong muốn.

Còn theo bà Hằng, với sự phát triển của thị trường lao động, nhiều loại hình việc làm ra đời nên có thêm lựa chọn cho lực lượng lao động trẻ. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần có cách thức truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, giúp sinh viên hiểu việc làm sẽ tạo ra giá trị cho mình và cho xã hội, là bước đệm hướng tới sự nghiệp lâu dài. Khi tư duy như vậy, sinh viên sẽ sẵn sàng nhấn nút ứng tuyển, dấn thân với những công việc đầu tiên để có kinh nghiệm làm việc lâu dài.

Cũng theo bà Hằng, đối với sinh viên, nguyên tắc cơ bản khi tìm việc là nghĩ về giá trị công việc. Các nhà tuyển dụng cần người lao động tạo ra giá trị, vì vậy việc làm nào sinh viên mới tốt nghiệp có thể đảm nhận thì nên thử sức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm

0
(SGTT) - Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh, Văn Miếu...

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Thủ tướng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm

0
(SGTT) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về...

Dấu xưa – Hồn phố: Thăm ngôi đình cổ hơn 170...

0
(SGTT) - Được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, phường 7, quận 8, nằm ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình...

Ghé quán ốc được Michelin gợi ý ở TPHCM

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong con hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng tiệm ốc Đào lại là điểm đến quen thuộc của...

Kết nối