Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Sau sự cố Formosa: Hỗ trợ ngư dân tiếp tục làm nghề biển

TRÚC DIỄM –  

Theo dự thảo “Quyết định về một số chính sách hỗ trợ người dân, khôi phục, phát triển sản xuất tại bốn tỉnh miền Trung” đang được lấy ý kiến các địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, người dân được tạo điều kiện để đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, với người làm nghề đánh bắt cá, nếu có nhu cầu sẽ được hỗ trợ để làm công việc tương tự ở các nước, khi biển miền Trung được khôi phục thì sẽ quay về.

Làm nghề biển tại Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc

danh-bat-ca-o-Dai-Loan-cong-ty-xkld-Labcoop-(1)Theo dự thảo trên, những gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển vừa qua sẽ được ưu tiên đi lao động ở nước ngoài và được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với hạn mức 80% chi phí và hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ theo quy định. Ngoài ra, những hộ bị ảnh hưởng còn được đào tạo nghề với chi phí hỗ trợ không quá 3 triệu đồng/người/khóa và được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp cho hay Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có trách nhiệm mời các doanh nghiệp uy tín để hỗ trợ người lao động đi nước ngoài làm việc, trong đó có chương trình đưa lao động đi Hàn Quốc và Đài Loan làm việc trên tàu đánh bắt cá gần bờ.

Theo ông Diệp, bộ sẽ giao cho Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Đài Loan đàm phán với đối tác tăng hạn ngạch đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại đây nếu người lao động đáp ứng các điều kiện về mặt sức khỏe và có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Thái Lan thông báo từ ngày 1-7-2016 sẽ chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam nghề cá đánh bắt gần bờ và nghề xây dựng, trước khi mở rộng sang ngành nghề khác. Thuận lợi khi lao động làm việc tại Thái Lan là địa điểm không xa Việt Nam, chi phí tiêu dùng thấp.

Như vậy, hầu như các chương trình mà doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc đều liên quan tới lĩnh vực đánh bắt cá và nghề biển. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng ngư dân phải sống được nhờ biển, việc chuyển đổi sang nghề khác có lẽ không khả thi và cũng không nên làm.

“Có thể trước mắt, trong một vài năm, người dân đi làm công việc tương tự tại vùng biển khác, đến khi nào vùng biển miền Trung trở lại bình thường thì họ quay trở lại sống bám biển trên vùng biển của mình”, ông Diệp nói.

Ngoài ra, hiện nay Bộ LĐTBXH còn đang quản lý các chương trình liên quan, như đưa lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS mới ký kết lại từ đầu tháng 5-2016 với chỉ tiêu 3.500 lao động trong năm nay; chương trình đào tạo, đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật và đưa điều dưỡng viên đi Đức.

Với các chương trình này, theo ông Diệp, bộ sẽ ưu tiên dành cho các địa phương bị ảnh hưởng nói trên.

Hỗ trợ vốn đánh bắt xa bờ

danh-bat-ca-o-Dai-Loan-cong-ty-xkld-Labcoop

Nếu không phù hợp với các chương trình xuất khẩu lao động, người dân sẽ được tạo việc làm tại chỗ hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi để đánh bắt xa bờ.

Theo dự thảo trên, Nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương cho việc trồng lại san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, xây dựng các bãi cá nhân tạo và làm sạch môi trường biển tại vùng biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường biển.

Dự kiến, tổng số tiền cho hoạt động này là 40 tỉ đồng và thực hiện trong vòng 10 năm, từ năm 2017 đến 2027. Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn nên bộ đề xuất đưa lao động của các hộ gia đình bị ảnh hưởng tham gia dự án này.

Bên cạnh đó, ông Tám cho hay, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất tạo điều kiện để ngư dân các tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển vừa qua chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt vùng biển xa bờ.

Theo dự thảo được Bộ NN&PTNT xây dựng trình Chính phủ, các tàu cá không lắp máy hoặc lắp máy dưới 90 CV được vay vốn tại ngân hàng thương mại nhà nước để đóng mới tàu cá có tổng công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV phục vụ khai thác hải sản, làm dịch vụ hậu cần; mua ngư cụ, mua trang thiết bị… Theo đó, ngư dân có thể được vay tới 90% giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó chủ tàu cá đóng 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6% lãi suất còn lại. Thời hạn vay lên tới 15 năm.

Ngoài việc đóng mới tàu để chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, dự thảo còn cho vay với những hộ bị ảnh hưởng chuyển đổi nghề nghiệp sang phát triển sản xuất. Theo đó, những hộ dân khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối sẽ được vay vốn để chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm các nghề khác.

Theo dự thảo, các hộ trên sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất vay sẽ bằng lãi suất vay với các hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ. Hiện nay, mức thấp nhất mà Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo vay là 3,3%, tùy theo chương trình vay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Đổi vị cùng bánh canh cua ăn...

0
(SGTT) – Ngoài bánh canh cua truyền thống, nhiều quán bánh canh đã có thêm sự biến tấu khi thêm bào ngư. Qua đó,...

Người trẻ ‘biến hình’ cho những dòng kênh đen

3
(SGTT) - Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn...

Ngắm nhà thờ tốn hơn 500 năm xây dựng ở Milan,...

0
(SGTT) – Nằm ở trung tâm thành phố Milan của Ý, nhà thờ chính toà Milano (Duomo di Milano) là điểm đến hấp dẫn...

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm

0
(SGTT) - Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh, Văn Miếu...

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Kết nối