(SGTTO) – Trải nghiệm bằng cách nhìn tận mắt, leo lên miệng núi lửa ngắm nhìn và mường tượng cảnh núi lửa phun trào dung nham hàng triệu năm trước mới phần nào giúp tôi cảm nhận sự hùng vĩ của tự nhiên thay vì những bài học địa lý vỏ trái đất, kiến tạo của tự nhiên trong sách giáo khoa khô khan, khó hiểu lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp 5 miệng núi lửa tại Công viên địa chất Đắk Nông

Tour chưa từng khai thác: 3 ngày khám phá hang động núi lửa ở Đắk Nông

Những nơi có tiềm năng thành công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam

UNESCO chào mừng các công viên địa chất toàn cầu mới năm 2020, có 1 đại diện Việt Nam

5 hoạt động thú vị nên trải nghiệm ở Công viên địa chất Đắk Nông

Vài năm trở lại đây, những người yêu thích du lịch, dân phượt nói khá nhiều về Công viên địa chất Đắk Nông với điểm nhấn nổi bật là hình ảnh và những trải nghiệm của du khách, người đam mê khám phá 5 miệng núi lửa đã được phát hiện. Núi lửa Nam Kar hay Nâm Kar nằm trong số này và tôi chỉ mất chừng hơn 1 giờ đi xe ô tô, vượt qua hơn 30 km đường, băng qua nhiều đồi núi tự nhiên của huyện Đắk Glong, đến thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, nơi có miệng núi lửa Nâm Kar.

Khi xe còn trên đường lộ đoạn ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, nhìn phía tay phải thấy phần nổi cao của núi lửa bên dưới thung lũng, nhìn xa xa trông núi lửa như chiếc bát úp. Những hình ảnh đẹp đẽ của miệng núi lửa trên mạng, những giới thiệu khoa học về ngọn núi lửa này như bao nhiêu triệu năm, kỷ này kỷ kia nhưng khi vào sát chân núi lửa, cái bát úp ấy như bị ai vạt nham nhở  1 góc nhỏ.

Thì ra đó là mỏ đá của một doanh nghiệp có từ nhiều năm trước và năm ngoái, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã có công văn tạm ngưng khai thác mỏ đá này do lo ngại làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, địa mạo và có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng điểm di sản địa chất của Công viên địa chất Đắk Nông.

Vị trí công trình khai thác đá (vòng màu đỏ) tác động xấu tới môi trường và cảnh quan của núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Báo Đắk Nông

Không biết việc ngưng khai thác từ năm ngoái tới nay ra sao nhưng vết tích của nó để lại như 1 nhát cuốc xén mất 1 góc của cái bát úp khó có thể hồi phục trở lại nguyên trạng. Giờ thì không biết việc thác đá có còn hay không nhưng nhìn vào thì du khách nào cũng có thể biết nơi đây từng là một công trường đồ sộ.

Theo hướng dẫn của 1 nhà dân ở ngay chân núi, chúng tôi men theo triền núi có vết tích là 1 con đường đi của máy kéo, đi lên đỉnh chừng 300 mét, hai bên đường là rẫy bắp, rẫy đậu đen khá tươi tốt có lẽ nhờ đất bazan xen lẫn với đá là dung nham đã hóa thạch của núi lửa, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng.

Đường lên đỉnh núi lửa Nâm Kar với 2 bên đường là rẫy bấp tự phát của dân. Ảnh: Hồng Ngọc
Ngay dưới chân núi kéo dài lên đỉnh là rẫy bắp, rẫy đậu. Ảnh: Hồng Ngọc
“Cái phễu” trên đỉnh núi lửa cây cối tươi tốt mà theo lời người dân thì dân chỉ làm rẫy ven triền núi và trên đỉnh, không xuống dưới cái “phễu” vì khó vận chuyển nông sản. Ảnh: HN

Bà Hoàng Thị L, có nhà sát chân núi lửa thuộc thôn 4, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cho biết đa số dân xung quanh núi lửa làm rẫy và đất rẫy trồng bắp, đậu từ chân núi lên tới đỉnh là của dân tự trồng và không ai có giấy tờ gì.

Những rẫy bắp, đậu trồng xung quanh và ven theo triền núi lửa phần lớn là của dân thôn 4, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, dù núi lửa thuộc xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Theo bà L, thì dân ở đây gọi là “núi lửa Quảng Phú”, ngay chân núi lửa có 1 đường, con đường này là ranh giới của huyện Đăk Glong và huyện Krông Nô.

Con đường men theo triền núi mà chúng tôi đi lên tới đỉnh được người dân cho biết đó là con đường mà máy kéo cỡ nhỏ (dân gọi là xe càng) tới mùa thu hoạch bắp, đỗ đã lên đó để thu hoạch, chở về.

Khi lên đỉnh núi, cảm nhận của tôi là núi lửa có hình nón cụt với phần chóp hình phễu, gờ miệng nổi cao hơn xung quanh trông như hình thoi với chu vi tôi ước chừng 600 mét, đường kính theo chiều dài và chiều rộng của hình thoi chừng 100 -150 mét. Cái hay là trên đỉnh có đất bằng bên cạnh cái phễu và dân trồng bắp, đậu nhưng bên trong cái phễu, dốc rất đứng cũng có thể đó là lý do dân không phá để làm rẫy, mà còn rừng tươi tốt, nhiều cây gỗ, cây lùm bụi và chuối.

Thắc mắc của tôi về chuối có phải do dân trồng, người dân ở đây cho biết đó là chuối rừng và người dân không xuống dưới đáy phễu canh tác làm gì vì đưa nông sản lên rất khó khăn, ngày trước khi còn gỗ nhiều, dân có xuống đó lựa khai thác gỗ tốt, nay thì không ai xuống.

Bà L., cho biết lâu lâu vẫn có du khách ở TPHCM và một số nơi đến tham quan núi lửa mà “họ leo lên đó nhưng không biết làm gì, có gì trên đó đâu mà tìm, toàn là rẫy bắp, cây cỏ thôi”, bà nói và cũng cho biết cũng có khi có người nước ngoài tới đây, thậm chí có người nước ngoài đi tới đây bằng xe đạp.

Đầu đường đi vào thì vết tích ngổn ngang công trình khai thác đá; từ chân núi, triền núi lửa cho tới đỉnh là rẫy của dân và dường như chưa có gì gọi là bảo tồn phục vụ nghiên cứu và thu hút du khách cho xứng với “núi lửa nón than đẹp và độc đáo nhất Tây Nguyên” mà các nhà khoa học đặt cho Nâm Kar.

Theo Ban quản lý Công viên địa chất Đăk Nông, hoạt động núi lửa Nâm Kar xảy ra cách đây 5,3 – 1,8 triệu năm, ứng với phụ giai đoạn thứ 2 (Pliocene – Pleistocene) thuộc giai đoạn thứ 3 của lịch sử phát triển địa chất Công viên Địa chất Đắk Nông.

Núi lửa có hình nón cụt, miệng hình phễu đặc trưng cho kiểu phun trào trung tâm. Thành phần chủ yếu là tro xỉ thủy tinh núi lửa lẫn dung nham basalt bị uốn dẻo và bom núi lửa đã chứng minh cho núi lửa này là một nón xỉ núi lửa đặc trưng, mang tính giáo khoa điển hình, thuộc loại độc đáo và hiếm gặp ở Việt Nam.
Các sản phẩm của núi lửa này là bộ giáo cụ trực quan sinh động, có thể lấy làm ví dụ tiêu biểu trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập về đặc điểm nhận dạng tro xỉ núi lửa, bom núi lửa cũng như cơ chế thành tạo núi lửa nón than cho các trường phổ thông và phổ biển kiến thức tới cộng đồng.

Hồng Ngọc

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây