Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Nóng chuyện sửa đổi dự thảo luật giáo dục

Đăng Nam –

Câu chuyện tiền lương cho giáo viên, tự chủ đại học lại một lần nữa làm nóng các cuộc thảo luận lấy ý kiến cho các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học.

Tăng lương, hạn chế tiêu cực

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ngày 12-12, với sự tham gia của các đại biểu từ 15 sở giáo dục các tỉnh phía Nam. Nhiều người tỏ ra vui mừng khi dự thảo xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp.

Đây là điều mong chờ của hàng triệu giáo viên hiện nay, bởi nâng lương là điều kiện quan trọng tạo động lực cho thầy cô và  quan trọng hơn là tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở.

Ông Phan Sỹ Quang, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Đăk Nông), cho rằng không chỉ giáo viên mà những người làm quản lý cũng nhẹ nhõm khi nghe dự thảo luật đề xuất tăng lương. Nếu đời sống của giáo viên được đảm bảo thì họ sẽ tập trung vào công tác chuyên môn tốt hơn, vị thế người thầy cũng nâng lên và các tiêu cực bên ngoài sẽ hạn chế.

Tuy nhiên, ông Quang đặt vấn đề tăng lương như thế nào, việc tăng lương liệu có đáp ứng đủ đời sống cho giáo viên và theo kịp thời giá thị trường hay không. Theo ông, hiện nay lương của giáo viên không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu vì tiền chưa ra khỏi túi thì giá cả đã tăng cao vọt lên trước.

“Bấy lâu nay, những người quản lý ở các trường phổ thông cũng rất đau đầu với lương. Giáo viên phải bươn chải thêm bên ngoài, phải dạy thêm mới có đủ thu nhập nuôi gia đình”, ông Quang chia sẻ. Theo vị hiệu trưởng này, nếu ngân sách đủ đáp ứng cho công tác giáo dục và trả tiền lương đủ sống cho giáo viên thì vị thế của nhà giáo sẽ được nâng lên rất nhiều.

Giáo viên trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong một tiết dạy. Ảnh: Đăng Nam

Cũng nói về vấn đề giáo viên, một số đại biểu tỏ ra băn khoăn, bởi nhiều người đang giảng dạy khi sang làm quản lý sẽ bị mất phụ cấp thâm niên, thu nhập giảm.

Ông Bùi Văn Hoàng, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (Đồng Nai), kể ông từng được đề bạt làm trưởng phòng đào tạo nhưng ông từ chối. Lý do là khi làm quản lý, chế độ phụ cấp thâm niên sẽ mất, thu nhập giảm bởi chế độ này chỉ áp dụng cho nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập.

Theo ông Hoàng, nhiều giáo viên giỏi ở các trường cũng có tâm lý này khi được cất nhắc lên làm chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, bởi ngoài yếu tố thu nhập họ còn bị khống chế thời gian làm việc. Chẳng hạn, giáo viên có thời gian nghỉ hè, trong khi chuyên viên chỉ được hưởng ngày nghỉ phép trong năm.

“Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên, Luật Giáo dục nên định nghĩa lại khái niệm nhà giáo, nhà giáo phải không chỉ là người đứng lớp mà phải gồm cả người làm chuyên viên, cán bộ quản lý cấp phòng giáo dục trở lên”, ông Hoàng đề nghị.

TS. Thái Thị Tuyết Dung (thành viên nhóm nghiên cứu Luật Giáo dục, Đại học Luật TPHCM) cho rằng đề xuất xếp lương giáo viên ở thang bậc cao nhất không phải là sự ngẫu nhiên mà chính sách rất hợp lý. Bởi lương khởi điểm của giáo viên hiện nay rất thấp, dẫn tới việc không thu hút được người tài vào nhà giáo.

Về giải pháp tăng lương, bà Dung cho rằng các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ tự chủ tài chính, do đó đội ngũ viên chức nhà giáo trong các đơn bị này trong không hưởng ngân sách nhà nước và nguồn ngân sách này sẽ chuyển về cho bậc phổ thông, tiểu học, mầm non.

Thêm nữa, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng nhiều phương thức giảng dạy với công nghệ tiên tiến sẽ làm số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục giảm. Điều này sẽ tiết kiệm được nhân sự, giảm biên chế trong các đơn vị.

[box] Box: Đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Tại hội thảo khoa học “Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Sư phạm TPHCM ngày 13-12, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chính sách trên vì nó không còn phù hợp sau hơn 20 năm thực hiện.

PGS.TS Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho rằng hiện các trường phải theo định hướng tự chủ để phát triển. Vấn đề tự chủ là chuyện sống còn, trong đó bao hàm cả tự chủ tài chính. “Nếu vẫn duy trì chính sách miễn học phí, các trường vẫn chờ ngân sách cấp bù sư phạm thì vẫn luẩn quẩn trong cơ chế xin – cho”, ông Tiến nói[/box]

Băn khoăn tự chủ đại học

Tại buổi hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng được tổ chức ngày 12-12, nhiều người đã băn khoăn về tính tự chủ đại học theo các quy định mới. PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng tự chủ là điều tiên quyết các trường đại học phải hướng đến trong quá trình phát triển và hội nhập.

“Dự thảo luật đưa ra lần này vẫn chưa nêu rõ các trường sẽ tự chủ đến đâu, tự chủ đến thang mức nào. Chính vì thế nhiều trường e dè, kêu ca vì họ chưa biết mức tự chủ của mình đến đâu”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, thực tế hệ thống giáo dục đại học của các trường đi theo lộ trình tự chủ đều phải qua nhiều nấc thang, gồm tự chủ về sự điều phối của Nhà nước; tự chủ về quản trị, học thuật và nghiên cứu khoa học; tính cạnh tranh của nhà trường; mức độ tự do của giảng viên. Ông Tuấn đề xuất Nhà nước chỉ nên tập chung vào ba vấn đề chính là nguồn nhân lực, cấp ngân sách, xây dựng quy chế đảm bảo chất lượng và tính giải trình. Tất cả các việc còn lại nên giao cho các trường toàn quyền tự chủ. Có như thế, việc tự chủ của các trường mới thật sự toàn diện và hiệu quả.

TS. Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Đại học Tài chính – Marketing, cũng cho rằng các quy định về tự chủ trong điều 32 của dự thảo này tuy đã bao quát mọi khía cạnh về quyền tự chủ của một cơ sở giáo dục đại học, nhưng vẫn cần phải mở rộng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, cần làm rõ quyền tự chủ về mở ngành, liên kết đào tạo quốc tế.

Cũng trong dự thảo này, điều khoản quy định về hội đồng trường đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo dự thảo, đây là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học. Hội đồng này có thể quyết định đường lối phát triển, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyết nghị chủ trương thu chi tài chính của nhà trường; được tổ chức bầu hiệu trưởng, hiệu phó và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đột xuất nếu cần thiết.

Hội đồng trường phải có ít nhất 17 người và là số lẻ. Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên… phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa – bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng vai trò của hội đồng trường rất quan trọng, là đối trọng với điều hành của ban giám hiệu trong quản lý hoạt động trường. Do đó, hiệu trưởng không nên là thành viên hội đồng trường.

“Hội đồng trường là cơ quan quyền lực, không phải cơ quan thực hiện nên sinh viên cũng không nên tham gia. Bởi vì ý kiến của sinh viên có thể chưa đủ chín chắn dễ dẫn tới sự có mặt thành phần này chỉ mang tính hình thức”, ông Dũng nói thêm. Trong khi đó, nhiều đại biểu khác nhấn mạnh vai trò quan trọng của hiệu trưởng và sinh viên trong hội đồng trường và cho rằng không thể bỏ hai thành viên này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gợi ý 4 kiểu trang điểm nhẹ nhàng đi chơi cuối...

0
(SGTT) - Cuối tuần là dịp mà nhiều cô nàng dành thời gian cho những cuộc hẹn hay xuống phố dạo chơi. Một chút...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Ghé ‘xứ Tiên’ thăm làng cổ Lộc Yên

0
(SGTT) - Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, gây ấn tượng với du khách bởi những...

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Kết nối