Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Dùng mã QR tra thông tin lịch sử phát triển Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, du lịch trong mục tiêu phát triển thành phố thông minh trong thời gian tới.

Ứng dụng thuyết minh thông qua quét QR Code đang được thực hiện tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Thuyết minh tự động tại bảo tàng

Gia đình ông Nguyễn Công Phúc mới đây đã đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng trong chuyến về quê sau hơn 30 năm sống ở thủ đô Hà Nội và rất ấn tượng với gian phòng trưng bày những hình ảnh và hiện vật Quảng Nam-Đà Nẵng xưa và nay. Ông được nhân viên bảo tàng giới thiệu những mẫu giấy QR Code (Mã phản hồi nhanh) được dán gần các bức tranh và hiện vật cũng như cách sử dụng để nghe về lịch sử phát triển Đà Nẵng. Sau đó, ông tải ứng dụng “Bao tang Da Nang” về máy và quét mã QR để đọc hoặc nghe về lịch sử phát triển của quê hương. “Rất hữu ích. Tôi muốn nghe cái gì cũng được, không cần phải có hướng dẫn viên”, ông nói.

Ứng dụng mà nhân viên bảo tàng giới thiệu cho ông Phúc nằm trong hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động mà Bảo tàng Đà Nẵng vừa ra mắt giữa tháng 1-2019 vừa qua. Theo đó, với chiếc điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành iOS hay Android, du khách làm theo các bước được hướng dẫn là có thể được đọc hoặc nghe thuyết minh về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng này.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết Bảo tàng Đà Nẵng được xem là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện ứng dụng này. “Dịch vụ mới này sẽ giúp thu hút khách tham quan đến bảo tàng nhiều hơn”, ông Thiện nói với SGTT. Hoạt động này nhằm thực hiện chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu điểm tham quan Bảo tàng Đà Nẵng và một số ứng dụng mới tại bảo tàng đến với công chúng và các cơ quan và đơn vị kinh doanh du lịch.

Là doanh nghiệp lữ hành đưa nhiều khách đến Bảo tàng Đà Nẵng hằng ngày, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours), nói ứng dụng này hữu ích cho học giả/khách tham quan trong bối cảnh Đà Nẵng ngày càng thu hút được nhiều du khách đến từ nhiều nơi. “Điều này đặc biệt phù hợp với xu hướng du khách tự khám phá không cần hướng dẫn viên và đặc biệt là tình trạng ngày càng nhiều trưởng đoàn hướng dẫn người nước ngoài thuyết minh xuyên tạc văn hoá, lịch sử, lãnh thổ, con người Việt Nam dù là vô tình hay cố ý nhằm làm vui lòng khách”, ông Tùng nói.

Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng), hệ thống này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc quản lý lữ hành bên cạnh những camera giám sát để phòng ngừa những sự cố không hay về xuyên tạc lịch sử đã từng xảy ra. “Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong tour văn hóa thành phố bên cạnh Nhà trưng bày Hoàng Sa hay đình làng Hải Châu. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cũng sẽ thúc đẩy loại hình tour này”, ông Trung nói.

Cần sự hiệu quả

Những dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế và các ngành khác, vào đời sống kinh tế – xã hội nằm trong mục tiêu dài hạn xây dựng thành phố thông minh thông của Đà Nẵng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững tại thành phố miền Trung này.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, du lịch thì các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng cho rằng những dự án đang thực hiện cũng cần phải làm một cách hiệu quả.

Năm 2018, Bảo tàng Đà Nẵng đón 275.571 lượt khách tham quan, trong đó có 240.911 lượt khách nước ngoài (khách Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm phần lớn). Con số thống kê này cho thấy, đa số khách đến bảo tàng là người nước ngoài còn khách Việt chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Theo ghi nhận thực tế, vào những ngày cuối tuần, Bảo tàng Đà Nẵng thu hút rất nhiều đoàn khách tham quan nhưng chủ yếu là khách Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy được gọi là hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động nhưng hệ thống này mới chỉ có tiếng Việt. Ông Thiện cho biết đây là dự án do bảo tàng phối hợp với Đại học Đà Nẵng thực hiện và trước mắt chỉ có tiếng Việt và các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Hàn và Trung sẽ được thêm vào trong thời gian sắp tới.

Nói về sự hạn chế ngôn ngữ trong hệ thống trên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Omega Tours, cho biết đây là một trong những điểm bất cập của hệ thống này vì phần lớn đối tượng của bảo tàng hiện nay là người nước ngoài. Hơn nữa, hệ thống chưa thể hỗ trợ được nhiều hay thậm chí là thay thế hướng dẫn viên được. Đặc thù của khách du lịch là muốn nghe lời giới thiệu đầy truyền cảm từ hướng dẫn viên du lịch chứ không muốn nghe hay đọc tự động một cách nhàm chán. Vì vậy, Bảo tàng Đà Nẵng cần đầu tư nhiều hơn cho hệ thống này để hiệu quả hơn, ông Anh nói.

Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã giới thiệu Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Đây là dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, ghi chép di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, tổ chức biên tập thành sản phẩm lưu trữ tại trạm để giới thiệu đến công chúng; phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, trao đổi văn hóa… Trạm vệ tinh phục vụ công chúng tại Bảo tàng Đà Nẵng vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hằng tuần.Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng lưu trữ 3.368 tư liệu về văn hóa phi vật thể của thành phố Đà Nẵng. Dữ liệu gồm 248 tư liệu ghi chép ở dạng bài viết, 3.043 tư liệu hình ảnh, 64 tư liệu phim, 13 tư liệu ghi âm và sưu tầm một số tư liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Startup đo lường khí thải tìm kiếm cơ hội kinh doanh...

0
(SGTT) - Trong những năm tới, các cơ quan quản lý chứng khoán ở châu Á sẽ triển khai quy định bắt buộc công...

Nhiều dự án giao thông lớn sẽ được xây dựng tại...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự...

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày...

0
(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình...

Bằng lăng nở tím phố phường Hà Nội

0
(SGTT) – Tháng 5 về, khắp các con phố ở Hà Nội lại được khoác lên mình sắc tím bằng lăng. Hoa giáng hương...

Hai cây cầu được người dân Nhà Bè mong ngóng sẽ...

0
(SGTT) - Cầu Phước Long và Rạch Đỉa đang triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra và dự kiến hoàn thành...

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Kết nối