(SGTTO) - Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên Giải đua xe đạp thực tế ảo “Niềm tin chiến thắng” do Đài truyền hình TPHCM tổ chức đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của cộng đồng hâm mộ môn thể thao tốc độ này. Không như đua trên đường trường các vận động viên có thể sợ tai nạn dẫn đến chấn thương, đua qua mạng tốn sức gấp đôi và điều gây sợ hãi nhất là... mất kết nối.

Như mọi năm, Đài truyền hình TPHCM thường tổ chức giải đua xe đạp nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng năm nay, giải đấu được thực hiện theo hình thức đua thực tế ảo nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là dịp để các vận động viên làm quen với hình thức đua mới vốn đã rất phổ biến ở nước ngoài.

Đội Quân khu 7 đang thi đấu giải đua xe đạp thực tế ảo. Ảnh: Trần Linh
Lần đầu ứng dụng công nghệ vào giải đua xe đạp

Có tổng cộng năm đội tranh tài, mỗi đội gồm ba vận động viên sẽ thi đấu ở một địa điểm gọi là đầu cầu truyền hình. Thay vì chạy đường trường, các đội đua sẽ kết nối với Ban tổ chức giải qua internet, cùng tranh tài thông qua một phần mềm giả lập hiện trường đua do Ban tổ chức quy định.

Mỗi tay đua được trang bị một màn hình máy tính, xe đạp, roller điện tử, giá nâng bánh trước để giúp vận động viên có cảm giác như đang leo dốc hoặc đổ đèo…

Tất cả thiết bị được đồng bộ thông qua kết nối bluetooth. Theo đó, mọi thông số của vận động viên như tốc độ, chiến thuật… đều được roller điện tử ghi nhận và mô phỏng trên màn hình thông qua phần mềm quản lý giả lập ZWIFT.

Nỗi sợ mang tên trục trặc kỹ thuật

Sau năm chặng tranh tài hết sức sôi nổi, gây cấn, phần lớn các vận động viên tham gia đều nhận xét rằng đua thực tế ảo hoàn toàn khác với đua đường trường và tốn sức rất nhiều so với cách đua truyền thống.

Theo ông Trần Thôi, huấn luyện viên trưởng đội Quân khu 7, vận động viên nào đã tập luyện quen với phần mềm này sẽ biết cách tạo lợi thế cho mình vì không thể đua theo cách truyền thống được. Một số đội chỉ mới làm quen với cách đua này khoảng hai tuần nên chưa kịp thích nghi. Nhưng dù thi theo cách nào thì sức bền của vận động viên vẫn quyết định thành tích cuối cùng. Ông Thôi cho biết đạp qua phần mềm thực tế ảo sẽ tốn sức của vận động viên gần gấp đôi so với khi đạp thực tế.

Cũng theo ông Trần Thôi, điều mà vận động viên lo ngại nhất là tình trạng bị lỗi mạng internet hoặc mất kết nối bluetooth… Lúc đó vận động viên sẽ “mất trắng” trong khi họ đã nỗ lực thi đấu.

Lường trước điều này, Ban tổ chức đã trang bị cho năm địa điểm thi đấu mỗi nơi hai nguồn điện, ba nguồn wifi nhưng chuyện không may vẫn xảy ra cho các vận động viên tranh áo vàng.

Cụ thể, ở chặng đua thứ ba, tay đua đang giữ áo vàng Trần Nguyễn Minh Trí thuộc đội Dược Domesco Đồng Tháp bị lỗi không thể kết nối bluetooth nên không thể tiếp tục cuộc đua và mất áo vàng về tay Trần Lê Minh Tuấn thuộc đội Bike Life Đồng Nai.

Nếu đua thật ngoài đường vận động viên dễ gặp tại nạn hay bị bể bánh xe thì đua thực tế ảo sợ nhất là gặp trục trặc kỹ thuật.

Tham dự giải đua xe đạp này có năm đội, thi đấu tại năm điểm cầu truyền hình gồm: Đội Mega Market TPHCM tại điểm cầu TPHCM, Bike Life Đồng Nai với điểm cầu ở thành phố Biên Hòa, Dược Domesco Đồng Tháp ở điểm cầu Cao Lãnh, đội Quân khu 7 điểm cầu ở nhà thi đấu Quân khu 7 và đội Lộc Trời An Giang với điểm cầu tại TP Nha Trang. Cuộc đua diễn ra liên tục trong sáu chặng với tổng lộ trình 250 km, diễn ra trong sáu ngày (từ 24 đến 29-4). Ngày 29-4 diễn ra chặng cuối quyết định kết quả thi đấu của các đội và cá nhân.

Quỳnh Châu - Trần Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây