(SGTT) – Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa.
- Tính chuyện đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác dân dụng
- Bổ sung hơn 966 tỉ đồng bồi thường đất dự án sân bay Long Thành
Baochinhphu.vn cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa. Nếu đề xuất này được phê duyệt, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 sân bay là sân bay dân sự Long Thành và sân bay lưỡng dụng quân sự – dân sự Biên Hòa.
Theo văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất định hướng huy động nguồn vốn đầu tư cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư và kiến nghị một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, tài sản công… làm cơ sở triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 154/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24/2022 của Bộ Chính trị đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.
Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cách sân bay Tân Sơn Nhất của TPHCM khoảng 30km. Sân bay Biên Hòa đã có sẵn hai đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đậu máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội để khai thác lưỡng dụng với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.