(SGTT) – Tổng nhu cầu vốn đầu tư sân bay theo quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 khoảng hơn 420.000 tỉ đồng. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép huy động nguồn vốn đầu tư theo phương thức PPP đối với các sân bay mới.
- Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành 80% phần thô sau hơn 1 năm xây dựng
- Đầu tư hơn 200 tỉ đồng mở rộng sân bay Vinh
TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, để thực hiện quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2021-2030 ước khoảng 420.472 tỉ đồng. Mức vốn này chưa bao gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư.
Cùng với việc cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không theo quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các cảng hàng không mới.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang tổng hợp hoàn thiện đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quí 2-2024. Đề án này sẽ là cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý trong việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Để cụ thể hóa quy hoạch và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động lên kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu trong hai năm tới phải hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 sân bay gồm:14 sân bay quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.16 sân bay quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.