Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Nan giải bài toán xuất khẩu thịt heo

Thuỳ Dung-

Sau thời gian dài bùng nổ sản xuất, sản lượng thịt heo đã vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ nội địa, và xuất khẩu là một giải pháp cấp bách lúc này. Thế nhưng những người trong ngành cho rằng, việc xuất khẩu không hề đơn giản khi vấn đề an toàn dịch bệnh và giá thành sản xuất đang là một thách thức.

Điểm nghẽn dịch bệnh, giá thành

Là một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu heo sữa sang thị trường Hồng Kông và Malaysia gần 20 năm, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi, cho rằng muốn xuất khẩu thịt heo cần phải đảm bảo hai yếu tố tiên quyết, đó là vùng an toàn dịch bệnh và điều kiện vệ sinh nhà máy.

Về điều kiện nhà máy, theo ông Hoàng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thường xuyên cử đoàn giám sát cấp cao về kiểm tra, nếu không đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh, đơn hàng lập tức sẽ bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, trong khi đó đây lại là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi trong nước.

Ông Hoàng kể một kinh nghiệm “xương máu” khi ông bỏ công sức và tiền bạc để sang Singapore và Hàn Quốc tiếp thị sản phẩm heo sữa. Khi đối tác hai bên đã thống nhất hợp đồng và xin giấy phép của Thú y Singapore thì nhận được một câu rất ngắn gọn: Chúng tôi không xem xét hồ sơ này vì Việt Nam vẫn còn dịch lở mồm long móng.

“Do đó, nếu thú y hai nước không làm việc và có thoả thuận chung thì mọi cố gắng xúc tiến thương mại của doanh nghiệp là vô ích”, ông Hoàng nói tại buổi hội thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) bàn về giải pháp xuất khẩu thịt diễn ra tuần rồi tại Hà Nội.

Cũng tại hội thảo, giám đốc của một công xuất khẩu thịt heo tại Nam Định cho hay, trước kia doanh nghiệp này cũng đã xuất khẩu thịt heo sang Liên bang Nga. Nhưng theo thời gian, điều kiện nhà máy xuống cấp, cộng với dịch lở mồm long móng hoành hành nên phía đối tác đã dừng nhập khẩu của công ty. Để có được đơn đặt hàng xuất khẩu, công ty này đã đầu tư xây dựng nhà máy mới với công nghệ của Hàn Quốc, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2017 với công suất giết mổ và chế biến 250-300 con heo/giờ.

“Đây là chủ trương của toàn bộ lãnh đạo công ty, nhưng chúng tôi xác định sẽ còn muôn vàn khó khăn, đặc biệt là về công tác đảm bảo dịch bệnh”, vị giám đốc này nói và kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng vùng chăn nuôi an toàn.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho hay để xuất khẩu thịt heo, doanh nghiệp phải xây dựng đề án sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, tới thương phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp phải phối hợp với Cục Thú y để tìm khách hàng nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, yêu cầu xuất khẩu rất cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn. Nghĩa là, doanh nghiệp phải có hệ thống dây chuyền khép kín, có hệ thống bảo quản làm mát 2-6 độ C, có hệ thống cấp đông nhiệt độ -45 độ C, có hệ thống kho bảo quản -20 độ C, khu giết mổ, chế biến…

Điều này còn chưa tính đến yếu tố giá thành. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi, thuộc Bộ NN&PTNT, ngoài yêu cầu khắt khe 100% phải sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh thì giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn cao hơn thế giới do đó, phải làm sao giảm được chi phí trung gian, giảm được giá thành sản xuất mới mong xuất khẩu được.

Chính vì những khó khăn trên nên số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thịt chỉ tính trên đầu ngón tay. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện nay thịt heo chủ yếu được xuất khẩu chính ngạch sang hai thị trường là Hồng Kông, Malaysia với hai loại sản phẩm là thịt heo sữa và thịt heo choai đông lạnh. Cả nước, chỉ có tám cơ sở giết mổ xuất khẩu. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thịt heo chỉ đạt 100 triệu đô la Mỹ, con số quá nhỏ bé so với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là hơn 30 tỉ đô la Mỹ.

xuatkhauthitheo2Muốn xuất khẩu thịt heo, doanh nghiệp phải chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, tới thương phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Ảnh: Thùy Dung

Tìm giải pháp tháo gỡ

Để giải quyết vấn đề dịch bệnh, tháng 2-2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh heo tại Thái Bình, Nam Định nhưng các địa phương và cơ sở chăn nuôi không có kinh phí để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Trong khi một số mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành nhiều trong đàn vật nuôi và môi trường, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ảnh hưởng đến việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xuất khẩu.

Ông Vân cho hay, các nước tới Việt Nam đều nói sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam rất ngon nhưng bảo nhập thì không ai dám nhập vì sợ dịch bệnh. “Mỗi nước có một hệ thống thú y khác nhau, nhưng cơ bản đều có đặc điểm chung là sợ dịch bệnh. Do đó điều kiện tiên quyết nếu muốn xuất khẩu là phải đảm bảo vùng an toàn dịch”, ông Vân nói. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là, các địa phương muốn xuất khẩu nhưng không ai muốn bỏ ra đồng xu nào để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Học, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dabaco, cho rằng với đặc điểm ngành chăn nuôi là nhỏ lẻ, phân tán thì việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Do đó, ông Học đề xuất không nên làm vùng an toàn dịch bệnh theo tỉnh mà theo cơ sở. Tức là, hiện nay nhiều tỉnh có diện tích rộng, có một doanh nghiệp sản xuất trên quy mô lớn, khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh thì nên hỗ trợ áp dụng an toàn dịch bệnh cho khu vực đó.

“Nếu muốn xuất khẩu nhanh, giải quyết khó khăn trước mắt cho ngành chăn nuôi thì nên thực hiện giải pháp này”, ông học nói. Hiện nay, Dabaco đang đề xuất UBND Bắc Ninh xây dựng nhà máy giết mổ heo có công suất 250 con/giờ với kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng để phục vụ xuất khẩu.

Về giá thành, ông Hoàng Thanh Vân cho hay, Viện chăn nuôi đã phân tích rất rõ về diễn biến giá thành con heo từ lúc nuôi tới lúc bán, ai hưởng bao nhiêu có hết. Do đó, nếu triệt tiêu hết khâu trung gian thì có thể không thua kém gì sản phẩm chăn nuôi của các nước. Nếu cố gắng hơn nữa thì hoàn toàn có thể xuất khẩu được với mức giá cạnh tranh. “Tôi tin rằng doanh nghiệp làm được”, ông Vân nói.

Tại hội thảo, đại diện Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM đang quy hoạch hệ thống giết mổ, và hy vọng sẽ xoá bỏ được các cơ sở giết mổ thủ công trong năm 2018. Dự kiến cuối năm nay, 3 trên 7 cơ sở giết mổ theo quy hoạch sẽ đi vào hoạt động. Những cơ sở này được xây dựng theo tiêu chuẩn tiên tiến, có khả năng xuất khẩu và hoạt động với công suất 12.000-17.000 con/ngày. Đồng thời có thể tăng công suất nếu có hợp đồng xuất khẩu hoặc có bảo lãnh cấp đông.

“Chúng tôi đang chuẩn bị thành lập công ty cổ phần, bao gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất an toàn. Đồng thời những doanh nghiệp nào muốn liên kết sản xuất theo chuỗi cũng có thể liên kết với các cơ sở giết mổ trên”, đại diện Sở NN&PTNT TPHCM cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngân hàng số Cake thêm tính năng mã khóa bảo vệ...

0
Nhằm tăng cường thêm độ bảo mật cho người gửi tiết kiệm, Ngân hàng số Cake by VPBank vừa thêm tính năng bảo mật...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Dòng người hối hả về quê, các cửa ngõ TPHCM bắt...

0
(SGTT) – Từ chiều 26-4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Kết nối