Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

May áo dài cho khách Tây

Mỹ Huyền

Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài, các nhà may ở khu vực gần chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM đã cung cấp dịch vụ may đo trong vòng 24 giờ.

Khách du lịch đến đặt may do biết thông tin các cửa hàng từ các trang du lịch như City Guide, Tripadvisors, hoặc được giới thiệu theo chương trình tour. Các hiệu may còn đưa nhân viên đến khách sạn lấy số đo của khách. Có khách sau khi về nước còn gửi email số đo cơ thể cho các cửa hàng để đặt may.

Chuộng kiểu truyền thống

Không khí ở các hiệu may trên đường Mạc Thị Bưởi, Đồng Khởi, Pasteur… ban ngày khá sôi động do khách du lịch ghé vào nhiều. Chị NiKi vừa chọn vải áo ở cửa tiệm trên đường Đồng Khởi vừa gọi điện thoại phát trực tiếp cho người bạn ở Úc: “Nhìn này, tớ vừa tậu được mảnh lụa tuyệt vời. Cậu phải sờ tay lên mới cảm giác được, hoa văn thì rất độc đáo”. Theo nữ du khách này, chị rất thích có một bộ áo dài Việt Nam nên đã nán lại để đặt may.

Áo dài là mặt hàng chính du khách chọn may, nhất là các kiểu áo dài truyền thống. Những khách hàng trẻ trung thường chọn áo dài cách tân không tay, không cổ hoặc phối hợp các màu khác nhau. Hoa văn truyền thống hầu như luôn đắt hàng, đặc biệt là loại vải thêu hoa sen, chim hạc…

Theo đó, áo dài lụa thêu hoặc vẽ tay có giá 1,8-3 triệu đồng/bộ, các loại vải gấm hoặc phi bóng giá khoảng 700.000 đồng/bộ cả vải và tiền công may. Những cửa hàng này cập nhật mẫu mới rất nhanh, hầu như các ý tưởng của du khách đều được người may hiện thực hóa. Ngoài áo dài nữ, cũng có một số khách hàng đặt may áo dài nam, chủ yếu để mặc ra mắt gia đình bạn gái người Việt.

Chủ một số hiệu may áo dài cho biết, mỗi ngày có khoảng 10-20 lượt khách đến đặt may. “Lượng khách cũng phụ thuộc vào mùa du lịch, có hôm chỉ có người đến xem vải thôi. Các khách hay đặt may nhất là khách đi theo đoàn công tác, hoặc khách trên tàu du lịch cao cấp, họ cũng thường ghé vào mấy hiệu may để tìm hiểu về áo dài”, chị Dâng, chủ cửa hàng DYP nói.

 Một-số-mẫu-áo-dài-tại-một-cửa-hàng-ở-trung-tâm-quận-1Một số mẫu áo dài tại một cửa hàng ở trung tâm quận 1.  Ảnh: Mỹ Huyền

Nhân viên “quốc tế”

Nhân viên các cửa hàng này thường giao tiếp với khách bằng tiếng Anh hoặc Nhật. Nhưng ngoại ngữ không phải vấn đề lớn, vì các cửa hàng đã có mặt ở các khu phố ít nhất 5-6 năm nên có cách truyền đạt để khách và chủ hiểu nhau, chủ yếu ở cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Chẳng hạn, nếu gặp khách Hàn Quốc, nhân viên sẽ vẽ trên giấy để mô tả các yêu cầu của hai bên.

Để đáp ứng việc may đo nhanh chóng và đôi khi lượng khách đổ về rất lớn, các cửa hàng còn đặt một số thợ may phụ bên ngoài. Và nếu gặp trường hợp không kịp giờ lấy, các chủ cửa hàng sẽ trả lại tiền cho khách nếu không thuyết phục được khách cho phép gửi về địa chỉ ở nước ngoài.

Nhìn chung, các cửa hàng này có nguyên tắc phục vụ tốt nhất có thể, bởi khách hàng sẽ chấm điểm dịch vụ trên các trang du lịch. Theo ghi nhận, các cửa hàng còn có hình thức hậu mãi khá tốt, ví dụ khách hàng khi về nước có thể gửi áo dài ngược trở lại để chỉnh sửa mà không tính phí.

 

Thị hiếu đa dạng

Ngoài các loại áo dài, khu vực gần chợ Bến Thành có những cửa hàng chuyên may các trang phục cho du khách đến từ Malaysia, Indonesia. Anh Jay, người Indonesia, cho biết kiểu dáng trang phục ở các tiệm này tương tự ở nước anh nên rất dễ mặc. “Tôi thấy chất lượng vải cotton hoặc linen khá tốt, dịch vụ và giá cả của các hiệu may này hợp lý”, anh nói.

Một số nhà may còn chuyên nhận may trang phục hiện đại. Anh Bill, chủ cửa hàng may mặc Mangrove trên đường Mạc Thị Bưởi 20 năm nay, cho biết khách Tây và khách Nhật ghé cửa hàng khá nhiều. Khách Tây ngoài áo dài thường chọn may áo sơ mi, đồ vest. Du khách Nhật thường chuộng những kiểu đầm xòe hoa văn nhỏ theo mẫu mà họ cung cấp.

Theo một số du khách, đặc biệt là khách nam, họ chọn may vest vì giá rẻ và thời gian may nhanh hơn so với mức ở nước họ. Vợ chồng chị Nada, người Úc, đã chi hơn 5 triệu đồng để đặt may hai bộ vest, cũng nhận xét như vậy và tỏ ra hài lòng.

[box] Niềm vui của nghề

Việc may áo dài cho du khách không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà qua quá trình tiếp xúc, các hiệu may cũng tiếp cận những kiểu may đo hiện đại, hiểu về văn hóa các nước để phục vụ tốt hơn về kiểu dáng, chất liệu vải. Bên cạnh đó, một vài điều ngộ nghĩnh của các cửa tiệm này cũng là điểm thu hút du khách, như cách trang trí, không gian… Dù thuộc khu mua sắm sầm uất của Sài Gòn nhưng có những cửa hàng nép trong hẻm nhỏ với nét xưa cũ đặc trưng. Hoặc một số tiệm may có cửa ra vào chỉ đủ cho một người, nhưng bên trong lại khá thoáng đãng với không gian bày nhiều loại vải lụa tạo cho du khách cảm giác thích thú khám phá. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

800 mẫu Áo dài được trình diễn trong ‘Lễ hội Áo...

0
(SGTT) - Tối 7-3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM), Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 10 năm 2024 với...

Nhiều hoạt động tại lễ hội áo dài TPHCM năm 2024

0
(SGTT) - Năm nay, lễ hội áo dài TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 17-3-2024. Người dân và du khách có thể...

Những mẫu áo dài Tết đang thịnh hành trước thềm năm...

0
(SGTT) - Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, mà đã dần trở thành thiết kế được giới trẻ ưa chuộng khi...

Áo dài in 3D, thêu tay được ưa chuộng mùa Tết...

1
(SGTT) - Cuối năm, nhiều cửa hàng trên địa bàn TPHCM lại tất bật cho ra mắt những bộ sưu tập áo dài Tết...

Bảo tàng Áo Dài – gìn giữ văn hóa cổ truyền...

0
(SGTT) – Cách trung tâm thành phố khoảng 30km, tọa lạc trên cù lao phường Long Phước, TP Thủ Đức, trong quần thể không...

Cửa hàng áo dài 0 đồng: ‘Ai thừa đến cho, ai...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, có một cửa hàng áo dài rất đặc biệt, chỉ có giá 0 đồng. Hằng ngày, nơi đây sẽ nhận...

Kết nối