Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Cho con trẻ biết việc nhà nông

Minh Duy

Hiện nay, các chương trình du lịch nông trại đang thu hút nhiều gia đình ở TPHCM đưa con trẻ đi trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu về công việc của nhà nông. Các trường học cũng đang đưa loại hình này vào chương trình ngoại khóa.

Gieo mầm yêu thiên nhiên

Năm ngoái, trường mầm non Ngôi Nhà Ong ở quận 1, TPHCM đã đưa học sinh đi dã ngoại ở một nông trại nhỏ ở quận 2. tại đây, các bé đã có một ngày đi dạo trong vườn, ngồi bệt xuống ruộng khoai tìm củ, chạm tay vào những luống rau, xem con cá bơi lội trong ao, thưởng thức vị ngọt của những trái bắp mới nấu và ngủ trưa trên chõng tre. Khi ra về, mỗi em có thêm phần quà là một chiếc ly chứa chiếc mầm cây xinh xinh mà bé nào cũng thích thú, cứ ôm chặt, nâng niu mãi cho đến lúc về nhà.

Năm nay, trường cho đi xa hơn một chút, đến khu du lịch The BCR ở quận 9 để tham quan khu nông trại rộng lớn hơn. Tại đây, các bé không chỉ được tiếp xúc trực tiếp với cây cỏ mà còn biết nhiều chuyện khác của nông nghiệp như quy trình làm ra hạt gạo, từ lúc ươm mầm cho đến khi gặt hái, xay xát, xem cách giã gạo bằng cối đá, các nghề thủ công truyền thống…

Kiểu đi dã ngoại kết hợp vừa học vừa chơi để tìm hiểu về tự nhiên, về nông nghiệp như trường mầm non Ngôi Nhà Ong tổ chức hiện được nhiều trường chọn lựa cho các chương trình học ngoại khóa. Các trường mầm non thường chọn những nông trang nhỏ ở quận 2, quận 7 để đi vì gần, tiện cho các bé còn nhỏ tuổi. Những trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thường đi xa hơn, đến những nông trại rộng lớn hơn hay Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi.

Để tham gia các chương trình ở các điểm đến gần, mỗi học sinh đóng khoảng 150.000-200.000 đồng cho một ngày vui chơi và ăn uống, đi xa hơn một chút thì đóng nhiều tiền hơn, khoảng 250.000-350.000 đồng/người. Có những nông trang xa trung tâm như Hoa Lúa tại Củ Chi còn tổ chức xe đưa đón cho học sinh. Mỗi nơi tìm một điểm nhấn để tạo sự khác biệt.

Ông Bùi Hữu Tú, Trưởng phòng du lịch của Hoa Lúa, cho biết hầu hết khách đến khu nông trang rộng 5 ha này là học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các đoàn thường đi với số lượng lớn rồi chia nhỏ ra từng tốp để tham quan các mô hình trồng cây, cấy lúa, nuôi gà, chăn vịt, học đan lát, làm hoa giấy…

Mỗi nhóm có một quản trò, là nhân viên được nông trang đào tạo các kiến thức về nông nghiệp. Những người này vừa có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nghề nông vừa có kỹ năng dẫn dắt, làm trò vui để tạo hứng khởi học tập cho các em. “Chúng tôi mới hoạt động được một năm. Lượng khách đến khá khả quan, trung bình khoảng 2.000 lượt mỗi tháng”, ông Tú cho biết.

Một trang trại khác, Nông Trang Xanh, cũng ở Củ Chi thì tận dụng lợi thế diện tích rộng, số lượng cây trồng, vật nuôi và một số dịch vụ hỗ trợ phong phú hơn để đưa ra nhiều gói sản phẩm hơn cho khách. Chẳng hạn, trẻ con sẽ được biết quá trình để tạo nên một ly sữa, từ khi con bê nhỏ được nuôi lớn lên thành bò mẹ sinh con, cho sữa. Các em sẽ được học cách vắt sữa, xem quy trình chế biến ra một ly sữa tươi và uống thử tại chỗ. Nông trại có nhà máy chế biến sữa tiêu chuẩn châu Âu để vừa làm sữa bán ra thị trường vừa phục vụ cho quá trình tham quan, học tập của khách.

Ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao thì lại có những phòng họp lớn cho học sinh sinh hoạt trước khi tham quan. Nhà trường có thể chọn những bài học trong bộ môn sinh học để thảo luận với học sinh tại đây, để các báo cáo viên, kỹ sư của khu này tham gia trao đổi.

Với những tiết học về cấy mô, những mô cấy sau khi lưu giữ khoảng một tháng ở phòng thí nghiệm sẽ được khu chuyển về trường cho học sinh. Tương tự, học sinh tham gia các tiết học về trồng lan, rau mầm, nấm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ được đem những thành phẩm về nhà để cùng gia đình nhìn ngắm và thưởng thức nông sản sạch từ những chuyến đi đó.

 vuonrauKiểu đi dã ngoại kết hợp vừa học vừa chơi để tìm hiểu về tự nhiên, về nông nghiệp đang được nhiều trường chọn lựa cho các chương trình học ngoại khóa.  Ảnh: Minh Duy

Tiết học ngoài nhà trường

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho rằng, xu hướng tìm hiểu về tự nhiên, về nông nghiệp sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Vì thế, doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh hơn cho dịch vụ, tạo thêm nhiều sản phẩm mới theo kiểu “tiết học ngoài nhà trường” và hợp tác với ngành giáo dục để tổ chức chương trình học tập – dã ngoại định kỳ như cách mà nhiều nước đã thực hiện.

Bà Trần Thị Kim Hằng, Phó giám đốc Trung tâm khai thác hạ tầng thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho biết khu này hợp tác với Sở Giáo dục TPHCM thúc đẩy các chương trình học tập trải nghiệm, trong đó có “Tiết học ngoài nhà trường”, đưa học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học đến Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM để tìm hiểu về nông nghiệp. Với chương trình này, lượng khách đến đây có thể lên đến 50.000 lượt/năm thay vì khoảng 14.000-15.000 lượt như hiện nay.

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng việc gia tăng lượng khách chỉ là một trong những mục tiêu của chương trình, điều quan trọng mà khu này muốn nhắm đến là hướng nghiệp cho giới trẻ có tình yêu với nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp kỹ thuật cao, một mô hình phù hợp với điều kiện nông nghiệp tại TPHCM.

“Hình ảnh về bác nông dân trong tưởng tưởng của các em là những người chân lấm tay bùn. Thế nên khi đến đây, nhiều em tròn mắt ngạc nhiên khi thấy “bác nông dân” ở đây lại có thể đi giày thể thao đi làm. Có em cứ nâng niu từng giọt nước chảy ra từ vòi tưới nhỏ giọt rồi lật từng chiếc lá xem cây sống sao bằng những giọt nước đó. Có đứa cứ ngẩn ngơ khi thấy rau không cần đất mà vẫn sống được… Sự ngạc nhiên, trầm trồ, thích thú của các em là những tín hiệu tốt đẹp về nông nghiệp công nghệ cao mà chúng tôi muốn giới thiệu cho các em”, bà Hằng nói.

Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cũng là một trong những điều quan trọng mà nông trại Hoa Lúa muốn nhắm đến. Theo ông Tú, trong thời gian tới, Hoa Lúa sẽ không chỉ đơn thuần cho học sinh thấy cây trồng, vật nuôi lớn như thế nào mà truyền đạt thêm những kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp. “Chúng tôi muốn trẻ em thấy làm sao người ta có thể làm được điều đó và khi áp dụng kỹ thuật vào thì sẽ tạo nên sự khác biệt như thế nào. Chúng tôi cũng đang cho trẻ em tìm hiểu thêm về những kỹ thuật khác như kỹ thuật làm ra điện”, ông Tú nói.

Ở trường mầm non Ngôi Nhà Ong, sau khi đi dã ngoại ở nông trang, các giáo viên kêu gọi phụ huynh đưa thêm các chậu cây vào lớp để làm tươi mới góc học tập. Cô và trò còn ươm thêm những chậu rau mầm mới rồi cùng nhau chăm sóc, nhìn ngắm mỗi ngày. Những bài học về tự nhiên, tình thương với cây có đã được các cô gieo vào lòng con trẻ một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất.

[box] Hình ảnh về bác nông dân trong tưởng tưởng của các em là những người chân lấm tay bùn. Thế nên khi đến đây, nhiều em tròn mắt ngạc nhiên khi thấy “bác nông dân” ở đây lại có thể đi giày thể thao đi làm… Có đứa cứ ngẩn ngơ khi thấy rau không cần đất mà vẫn sống được. Sự ngạc nhiên, trầm trồ, thích thú của các em là những tín hiệu tốt đẹp về nông nghiệp công nghệ cao mà chúng tôi muốn giới thiệu cho các em.

Bà Trần Thị Kim Hằng, Phó giám đốc Trung tâm khai thác hạ tầng thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngân hàng số Cake thêm tính năng mã khóa bảo vệ...

0
Nhằm tăng cường thêm độ bảo mật cho người gửi tiết kiệm, Ngân hàng số Cake by VPBank vừa thêm tính năng bảo mật...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Dòng người hối hả về quê, các cửa ngõ TPHCM bắt...

0
(SGTT) – Từ chiều 26-4, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ...

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Kết nối