Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024

Trổ tài đầu bếp làm hai món bánh không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ

(SGTT) – Bánh bá trạng và bánh ú tro là hai loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch) hằng năm. Nếu bạn muốn tự tay chọn lựa nguyên liệu để làm nên những chiếc bánh ưng ý trong ngày này thì có thể tham khảo công thức sau.

Theo đó, thành viên Vành Khuyên Lê và Ngọc Ái đã chia sẻ công thức làm hai món bánh này trên hội nhóm ẩm thực Yêu Bếp. Công thức thực hiện chi tiết cùng nguyên liệu dễ tìm kiếm sẽ là thế mạnh để bất kỳ người nội trợ nào cũng trổ tài đầu bếp thành công.

Nguyên liệu

  • 200g đậu xanh cà vỏ
  • 200g hạt sen
  • 900g nếp dẻo
  • 8 cái nấm đông cô khô
  • 100g lạp xưởng
  • 250g thịt ba rọi heo
  • 10 cái trứng muối
  • 50g tôm khô
  • 1 muỗng canh hành tím
  • 500g lá chuối
  • 1/4 muỗng cà phê bột ngũ vị hương
  • 4,5 muỗng canh dầu ăn
  • Gia vị 1 ít: muối, đường, hạt nêm, tiêu, dầu hào
  • Rượu trắng 1 ít để rửa trắng muối

Cách làm

  • Nấu hạt sen: Đầu tiên, rửa sạch hạt sen và tách bỏ phần tim sen. Bắc nồi lên bếp, cho vào hạt sen, 1 ít nước vừa đủ ngập mặt hạt, 1/2 muỗng cà phê muối. Đậy nắp kín và nấu hạt sen trên lửa vừa khoảng 15 phút đến khi hơi mềm.
  • Sơ chế và ướp thịt ba chỉ: Rửa sạch ba rọi, cắt thành nhiều khúc vừa ăn. Cho vào tô phần thịt vừa cắt, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước tương, 1 ít tiêu, 1/4 muỗng cà phê bột ngũ vị hương. Trộn đều cho thịt thấm đều gia vị và ướp 30 phút.
  • Sơ chế các nguyên liệu còn lại: Ngâm tôm khô trong nước ấm 15 phút cho mềm. Tương tự, ngâm nấm đông cô trong nước ấm 60 độ đến khi tai nấm nở mềm rồi rửa sạch lại. Sau khi rửa sạch nấm, dùng tay bóp nấm thật mạnh để tai nấm được khô ráo rồi cắt đôi. Kế tiếp, cắt lạp xưởng thành nhiều miếng có độ dày khoảng 1/2 lóng tay nhỏ. Trứng muối rửa sơ với rượu để khử mùi tanh, sau đó rửa sạch lại rồi để ráo nước.
  • Chuẩn bị đậu xanh: Ngâm mềm đậu xanh từ 2 – 3 giờ cho mềm, sau đó rửa sạch lại rồi để ráo nước. Tiếp theo, cho vào tô đậu 1 muỗng cà phê hạt nêm rồi trộn đều. Bọc kín tô bằng màng bọc thực phẩm, quay nóng trong lò vi sóng 2 phút. Sau 2 phút, trộn đều đậu với 2 muỗng canh dầu ăn và ướp 5 phút.
  • Xào các nguyên liệu: Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng canh hành tím. Khi hành bắt đầu hơi vàng, cho vào thêm tôm khô, 1/2 muỗng cà phê đường, 1 ít tiêu. Đảo đều trên lửa vừa khoảng 2 phút, sau đó trút tôm ra tô để riêng. Tiếp tục cho vào chảo 1 muỗng canh dầu ăn, phần thịt đã ướp. Chiên thịt trên lửa nhỏ, trở đều mặt đến khi chín đều, trút thịt ra tô để riêng. Kế đến, cho phần hạt sen luộc vào chảo, 1/3 muỗng cà phê hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê đường. Đảo hạt sen trên lửa nhỏ đến khi hạt sen thấm đều gia vị, trút ra tô. Tiếp theo, cho vào chảo 1/2 muỗng canh dầu ăn, phần nấm đã sơ chế, 1/2 muỗng canh dầu hào, 1 ít tiêu. Xào đến khi nấm chín, thấm đều gia vị.
  • Chuẩn bị nếp: Vo sạch gạo nếp, sau đó ngâm trong nước ấm 60 độ 30 phút hoặc để qua đêm cho mềm. Chắt bỏ nước ngâm và để ráo nếp. Sau đó, cho nếp vào chảo cùng 500ml nước, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường. Trộn đều hỗn hợp nếp trên lửa vừa đến khi nước cạn thì tắt bếp.
  • Chuẩn bị lá chuối: Rửa sạch từng lá chuối rồi hơ nóng trên bếp cho khô và mềm lá. Kế đến, cắt lá thành nhiều miếng với kích thước 30 x 30cm.
  • Gói bánh: Xếp chồng 2 miếng lá chuối lên nhau, 2 mặt bóng quay ra ngoài. Sau đó, gấp xéo lá chuối lại thành hình tam giác, gấp 2 mép bên lại để tạo thành hình cái phễu. Kế đến, dàn đều khoảng 2 muỗng canh nếp vào bên trong lá, chừa 1 lỗ nhỏ ở giữa để cho nhân vào. Tiếp theo, cho vào thêm 1 muỗng canh đậu xanh, 1 muỗng canh hạt sen, 1 miếng nấm đông cô, 1 miếng thịt, vài con tôm khô, 1 ít lạp xưởng, 1 quả trứng muối. Kế tiếp, dàn lên trên 1 muỗng canh hạt sen, 1 muỗng canh đậu xanh và 1 muỗng canh nếp. Cuối cùng, phủ lên mặt 2 miếng lá chuối nhỏ, sau đó gấp kín mép bánh rồi dùng dây cói cột chặt.
  • Luộc bánh: Xếp phần lá chuối dư vào nồi áp suất, xếp bánh ú lên trên rồi đổ nước vào vừa đủ ngập mặt bánh. Tiếp theo, luộc bánh ở lửa nhỏ nhất trong 2 giờ. Sau 2 giờ, mở nắp nồi, châm thêm nước sôi và tiếp tục luộc bánh thêm 1 giờ nữa. Sau đó tắt bếp, ủ bánh trong nồi thêm 30 phút và vớt ra để nguội, ráo nước là có mẻ bánh bá trạng.

Nguyên liệu

  • 600g gạo nếp
  • 200g đậu xanh đãi vỏ
  • 1 cái vỏ bông gòn
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • Lá tre, dây gói bánh
  • Nước
  • Nước sôi
  • Đường

Cách làm

  • Làm nước tro: Đốt cháy vỏ bông gòn cho thành tro mịn màu đen. Sau đó, cho vào 1 chén đã chứa nước, để yên khoảng 1 giờ cho tro lắng hết xuống. Chắt lấy phần nước trong trên bề mặt và lọc qua rây vài lần cho đến khi nước tro không còn cặn.
  • Vo gạo: Gạo nếp vo sạch rồi cho vào nước tro, ngâm khoảng 16 giờ. Sau đó, chắt bỏ nước tro, vo nếp lại với nước vài lần cho sạch và để ráo. Cho vào 1 muỗng canh dầu ăn và xóc đều lên để tạo độ bóng và tăng độ dẻo mềm cho gạo nếp.
  • Nhân bánh: Bắc nồi lên bếp, cho đậu xanh vào luộc chín mềm với một ít nước. Sau đó, thêm vào nồi khoảng 3 muỗng đường hoặc hơn nếu muốn nhân ngọt nhiều, đảo nhanh tay để hạt đỗ nát mịn. Đổ đậu xanh ra chảo, sên trên lửa nhỏ đến khi đỗ se khô lại, đảo đều. Tiếp theo, cho 3 muỗng đường vào đậu, lượng đường tùy vào khẩu vị, tắt bếp và để nguội. Chia nhân bánh thành nhiều phần nhỏ, vo tròn và để riêng ra đĩa.

  • Vỏ bánh: Rửa sạch lá tre, cho vào nồi nước đun sôi chần sơ qua, để ráo nước. Bước này sẽ giúp lá mềm và dễ gói hơn. Lấy 2 lá tre xếp chồng lên nhau nhưng để 2 lá lệch nhau một chút, từ từ cuốn đầu lá tre thành hình chiếc phễu, phần dưới đuôi lá thì giữa kín chặt. Múc khoảng 2 muỗng gạo nếp đổ vào lá được gói hình phễu, cho 1 – 2 viên nhân vào trong rồi đổ thêm nếp vào để che phủ nhân, dùng muỗng ép xuống thật chặt. Gấp hết các góc còn lại của lá thật kín, buộc lại bằng dây lạt. Tiếp tục gói bánh đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị, cột bánh lại thành từng chùm.
  • Cách nấu bánh: Đổ nước sao cho nước ngập mặt bánh khoảng 1 gang tay, đun sôi rồi thả từng chùm bánh vào luộc từ 1.5 – 2 giờ.
  • Lưu ý: Trong quá trình làm bánh ú tro, cần phải chú ý lượng nước trong lúc nấu, thỉnh thoảng thêm nước sôi vào để không bị cạn nước, không thêm nước lọc vì sẽ làm nếp bị sượng. Khi bánh chín, vớt bánh ra khỏi nồi, xả qua nước lạnh và treo lên, để ráo nước.

Theo các tài liệu ẩm thực, trong ngày Tết Đoan Ngọ, người Việt thường chế biến món bánh ú tro để cúng và thưởng thức. Trong khi đó, với người Trung Quốc, họ lại ưa chuộng món bánh bá trạng.

Gia Hân tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Làm mới mâm tiệc gia đình từ thực phẩm nhập khẩu...

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ Giao lưu đầu bếp Kỳ 14 do Sài Gòn Tiếp Thị vừa tổ chức sáng 21-4 tại Meizan, quận...

Trổ tài đầu bếp làm món ăn Việt lọt top 100...

0
(SGTT) - Mới đây, chuyên trang ẩm thực thế giới – Taste Atlas – đưa ra danh sách 100 món ăn vặt ngon nhất...

Nâng cấp mâm tiệc gia đình với hai món ăn từ...

0
(SGTT) - Trong nhóm thực phẩm nhập khẩu, bào ngư Hàn Quốc, ốc Bulot và sò điệp Nhật là những mặt hàng giá trị....

Bỏ túi 2 công thức món ăn giao thoa ẩm thực...

0
Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu đầu bếp số 12 do Sài Gòn Tiếp Thị vừa tổ chức, anh Nguyễn Minh Nhanh, Giảng...

Công thức hai món ăn giao thoa ẩm thực vùng miền...

0
(SGTT) - Thịt bò là thực phẩm thường được các đầu bếp ứng dụng trong nhiều món ăn, từ phong cách ẩm thực vùng...

Quản trị viên nhóm Ăn ngon nấu khéo bày cách làm...

0
(SGTT) - Những ngày gần đây, không khí TPHCM trở lạnh vào mỗi giấc sáng hay tối, báo hiệu mùa Giáng sinh cận kề....

Kết nối