Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

TPHCM tính cách ‘sống chung’ với Covid-19 trong năm 2022-2023 ra sao?

Tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đã tạm yên nhưng trong 2 năm 2022 – 2023, thành phố vẫn duy trì bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, 14, 16 với số giường điều trị Covid-19 là 10.000 giường và sẵn sàng kích hoạt trở lại các bệnh viện dã chiến đã tạm ngưng hoạt động nếu dịch bùng phát.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM.

Để đảm bảo tài chính, hậu cần cho việc phòng chống dịch Covid-19, TPHCM sẽ bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng và thành lập quỹ phòng chống dịch Covid-19 trên cơ sở quỹ vắc-xin phòng Covid-19.

Phủ vắc-xin, nâng cao năng lực điều trị

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình phòng chống Covid-19 trên địa bàn TPHCM năm 2022-2023.

Trong đó, thành phố đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong, sẵn sàng kịch bản ứng phó với dịch.

Thành phố cũng đặt mục tiêu thực hiện hài hòa các biện pháp chống dịch với biện pháp khôi phục kinh tế – xã hội và năm 2022-2023 sẽ khống chế ca tử vong xuống dưới 1/100.000 dân/tuần.

Để đạt được những mục tiêu trên, TPHCM sẽ tăng cường bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân. Trong đó, sẽ tăng cường truyền thông, thuyết phục để tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ tiêm vắc-xin.

Nâng cao năng lực của hệ thống y tế bằng nhiều cách như hình thành mạng lưới trạm y tế – trạm y tế lưu động – tổ y tế lưu động khu phố – tổ Covid-19 cộng đồng; thí điểm cho phép bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại trạm y tế cơ sở, sau đó thực hành 6 tháng tại bệnh viện. Với hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật viên mới tốt nghiệp, thời gian thực hành tại y tế cơ sở là 9 tháng…

Khi dịch bùng phát, thành phố sẽ huy động lực lượng y tế ngoài công lập tham gia phòng chống dịch; có chính sách phân bổ nhân lực hợp lý cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề 100% với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở…

Tăng cường năng lực khám, chữa bệnh bằng việc đổi mới cấu trúc và quy trình hoạt động của bệnh viện để bệnh viện có thể đảm bảo 2 chức năng, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám chữa bệnh thông thường.

Sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị Covi-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh; thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát thuốc để người bệnh được điều trị kịp thời.

TPHCM duy trì bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, 14, 16 với số giường điều trị Covid-19 là 10.000 giường, trong đó, có 1.000 giường hồi sức tích cực. Khi dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện dã chiến đã tạm ngưng hoạt động sẽ được kích hoạt trở lại…

Lập quỹ phòng chống dịch Covid-19

Về tài chính, hậu cần cho việc phòng chống dịch trong 2 năm 2022-2023, UBND TPHCM đặt mục tiêu đảm bảo đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị… Với một số loại thuốc và vật tư thiết yếu, thành phố phải có cơ số dự phòng đủ cho tình huống xấu nhất và bổ sung vào danh mục dữ trự quốc gia.

Thành phố bảo đảm nguồn tài chính chi cho phòng, chống dịch trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực của thành phố, bảo đảm bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.

Tiếp tục vận động đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; vận động người mắc Covid-19 tự nguyện chi trả khi khám, điều trị theo yêu cầu.

TPHCM cũng thành lập Quỹ phòng chống Covid-19 trên cơ sở Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Kinh phí thực hiện chương trình phòng chống dịch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác như kinh phí trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, quỹ bảo hiểm y tế…

Minh Duy

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối