Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Thay thế hơn là tái chế

Càng ngày con người càng nhận ra một điều cực kỳ quan trọng với môi trường. Đó là tái chế, tái sử dụng không phải là con đường tốt đối với rác thải nhựa, nhất là loại rác thải nhựa dùng một lần.
Mỗi năm thế giới có khoảng 200 triệu tấn chất thải nhựa tương đương 523.000 tỉ ống hút nhựa thải ra môi trường.

Rác thải nhựa đang đe dọa sự tồn vong của trái đất, nhân loại và mỗi quốc gia. Hàng ngày, dường như ai trong chúng ta cũng sử dụng nó, như túi nylon, ống hút nhựa, ly nhựa, chén nhựa, dĩa nhựa, chai pet đựng chất lỏng, và ai cũng nhìn thấy nó ở dạng phế thải ở khắp nơi, nhiều nhất là ở các bãi biển, kênh rạch, chợ truyền thống, bến tàu, bến xe. Mỗi năm thế giới có khoảng 200 triệu tấn chất thải nhựa tương đương 523.000 tỉ ống hút nhựa thải ra môi trường.

Con số trên được đưa ra trong báo cáo “Nhựa: Chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế” của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) năm 2021. Nếu số ống hút nhựa nói trên được xếp nối tiếp nhau theo chiều dài thì có thể quấn quanh thế giới khoảng 2,8 triệu lần. Còn tính riêng ở Việt Nam, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 72% là các loại sản phẩm nhựa dùng một lần.

Sản phẩm nhựa là loại sản phẩm khó phân hủy nhất, phải mất 500-700 năm may ra mới phân hủy hoàn toàn.

Nó gây ra tác hại kinh hoàng và đang làm rối loạn đời sống, làm mất cân bằng sinh thái.

Một thời người ta tưởng xử lý nó dễ dàng, chỉ cần thu gom lại rồi nấu lên làm ra sản phẩm mới là ổn. Thực tế cho đến nay người ta mới thu gom, xử lý được 7-12% sản phẩm sau khi vứt bỏ đi, nhưng những sản phẩm tái chế ra phục vụ cho tuyên truyền là chủ yếu chứ không mấy ai dùng.

Quy trình của nó là thu gom, nghiền nát, nấu lên tạo hạt rồi làm ra sản phẩm mới. Thật ra thì loại nhựa này hoàn toàn có thể làm ra các vật dụng phổ thông như tô, dĩa, chén, ly, thau chậu, ống hút, dép, đồ chơi trẻ em… nhưng hầu như không ai làm vì không ai dám sử dụng, do nó rất bẩn và có thể gây độc hại vì nhiều chất phụ gia được thêm vào trong quá trình xử lý. Nó thường chỉ được tái chế để làm ra túi rác, dây buộc đồ, và những đồ ở nơi mà con người không tiếp xúc.

Ở châu Phi người ta đã tái chế nhựa rồi làm đường đi, nhưng chỉ được mấy mùa mưa, nắng là vỡ vụn, phải bỏ vì không chịu được thời tiết.

Một ý tưởng khác đã được hiện thực hóa hơn 10 năm nay là chế tạo loại sản phẩm nhựa tự hủy sau một thời gian bỏ đi. Nhưng khổ nỗi các túi nylon, ly, chén nhựa được cho thêm chất phụ gia để có khả năng tự hủy thì nó không biến mất hay thành đất theo quy luật ngũ hành mà thành các mảnh vụn li ti, có mảnh bằng hạt tấm chui vào ống thở, có mảnh to chừng đầu ngón tay bay khắp nơi, như thế còn tệ hơn là cứ để mảnh lớn thu gom dễ hơn. Những ai từng quên một cái túi nylon tự hủy ở trong tủ quần áo thì vài tháng sau là biết nó biến thành cái gì “kinh khủng” ngay!

Chính vì điều này mà mấy năm gần đây, các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường, các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế đều ý thức được rằng nên hạn chế đầu vào, giảm dần cho đến lúc triệt tiêu loại sản phẩm nhựa dùng một lần. Đó là phương cách tốt nhất để cứu trái đất. Nhưng ý kiến này vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà tài phiệt khai thác dầu mỏ vì như thế là làm mất đi một khoản lợi nhuận khổng lồ. Ngoài ra, có một thực tế là con người ta rất khó bỏ thói quen dùng sản phẩm nhựa một lần, cho nên không ít người phản ứng lại với việc bài trừ sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trước bài toán nan giải này, các nhà khoa học quay trở lại với nguyên lý thay thế, có nghĩa là muốn bỏ cái này thì phải có cái khác thay thế và cái khác ấy tương đương về giá trị sử dụng, giá thành, quy trình sản xuất. Ấn Độ được coi là nước đầu tiên làm chuyện này với quy mô lớn. Cách nay hơn 10 năm, người Ấn Độ đã tìm ra loại lá chuối có bản to, mềm để làm tô, dĩa sử dụng một lần. Họ lấy loại lá này cho vào khuôn dập nóng thế là có một cái tô đựng thức ăn đường phố, sau này họ tìm thêm loại lá giống như lá bàng để dập các dụng cụ ăn uống đường phố. Hiện nay, ai đến Ấn Độ du lịch vẫn gặp những sản phẩm này được sử dụng phổ biến ngoài đường phố.

Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện khuynh hướng sử dụng các vật liệu tự nhiên thay thế đồ nhựa dùng một lần như ống hút, tô, khay từ năm 2018. Cho đến năm 2022, có bốn cơ sở sản xuất ống hút từ thân cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa. Qua các công đoạn chọn lựa, cắt, vệ sinh, sấy khô, các cơ sở này đã thành công. Nhưng loại ống hút này rất ít xuất hiện trên thị trường Việt Nam, kể cả ở TPHCM. Các chủ quán cà phê, nhà hàng giải thích rằng giá thành của nó khá cao so với ống hút nhựa. Giá bán của ống hút nhựa hiện nay, một gói 80 cái giá 8.000 đồng, tính ra là 100 đồng/cái.

Trong khi đó, giá ống hút bằng cỏ bàng là 600.000 đồng cho một túi 500 cái, khoảng 1.100 đồng/cái, đắt hơn gấp 10 lần so với ống hút nhựa. Đó là chưa kể ống hút nhựa vất lăn lóc đâu đó vài năm sau lôi ra vẫn dùng được, còn ống hút cỏ bàng có tuổi thọ ngắn – bảo quản kỹ sẽ được sáu tháng, nếu mốc là phải bỏ.

Tại sao giá thành ống hút bằng cỏ bàng cao thế? Câu trả lời là nguyên liệu đầu vào không có nhiều, chưa có vùng nguyên liệu, chưa có máy móc chuyên dụng. Cỏ bàng là loại cỏ mọc hoang ngoài tự nhiên nên sản phẩm không đồng đều, và có mùa có có mùa không, do vậy mà năng suất rất thấp. Ba trên bốn cơ sở nói trên mỗi ngày sản xuất ra được khoảng 17.000 ống hút bằng cỏ bàng, trong khi đó các nhà khoa học ước tính mỗi ngày người Việt Nam thải ra môi trường hàng trăm triệu ống hút nhựa. 17.000 so với hàng trăm triệu thì quả thật là cuộc chiến bất đối xứng.

Một ví dụ khác cần nói đến đó là anh Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã biến mo cau thành chén, dĩa. Năm 2019 anh nhập máy làm tô, chén, dĩa, thìa, muỗng… từ mo cau của Ấn Độ, thuê nhân công thu gom mo cau, xử lý thô rồi đưa vào khuôn ép nhiệt khoảng 40 giây, sau đó người thợ dùng dao cắt theo đường viền, tạo hình cho sản phẩm. Mỗi ngày, xưởng anh Tuyến cho ra nhiều nhất khoảng 5.000 sản phẩm. Tuy nhiên sản phẩm không tiêu thụ được trong nước mà chủ yếu xuất khẩu sang Ba Lan, Mỹ… vì giá thành khá cao. Mỗi cái chén, dĩa mo cau được bán với giá 3.000-5.000 đồng, loại lớn có thể đến hơn 10.000 đồng, đắt hơn nhiều lần so với tô, chén, dĩa nhựa.

Hai câu chuyện ống hút cỏ bàng và chén, dĩa mo cau trên đây cho thấy một điều là phải làm sao để sản xuất với số lượng lớn hơn, giá thành rẻ hơn. Một khi giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt, vệ sinh thì chắc chắn sẽ được người dân đón nhận.

Để làm được điều này Nhà nước phải vào cuộc. Trước hết là cùng với các doanh nghiệp mở ra vùng trồng nguyên liệu với quy mô lớn và năng suất cao. Người Việt Nam xưa nay vốn trồng cau để ăn, cung cấp cho đám cưới cho nên muốn có hàng triệu cái mo cau thì phải quy hoạch vùng trồng cau và nghiên cứu cho ra loại giống cau tạo nhiều mo trong thời gian ngắn, có bản rộng, mỏng, dai, trắng. Tương tự như thế với cỏ bàng, phải làm sao để có được loại cỏ thân dài, khỏe, dai, đồng đều về kích cỡ, không mùi, không độc tố. Tiếp sau đó là đầu tư lớn không chỉ tài chính (cho vay lãi suất ưu đãi) mà còn đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, công nghệ kỹ thuật…

Việt Nam cam kết phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Nếu nhận thức đúng và hành động đúng thì rõ ràng đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần mang lại lợi ích kép không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho quốc gia, hơn nữa nó là một thị trường đầy tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh tầm quốc tế.

TS. Nguyễn Minh Hòa

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối