Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Thái Lan: Áo thun từ vảy cá, nội thất từ gỗ vụn bỏ đi… liệu bạn đã nghe qua?

(SGTT) - Gom vảy cá làm chất liệu may áo thun, thu thập những chiếc áo khoác da cũ để thiết kế giày hay túi xách mới… - đây là những ý tưởng được thực hiện bởi các doanh nghiệp thời trang và nội thất tại Thái Lan. Một vài ý tưởng sản xuất đã giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đặc trưng, trở thành mặt hàng chủ lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 

Trong khuôn khổ sự kiện Style Bangkok 2024 diễn ra từ ngày 20 đến ngày 24-3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit, Thái Lan vừa qua, hơn 500 công ty với 820 gian hàng đã có dịp quảng bá sản phẩm, các mặt hàng thuộc lĩnh vực thời trang và phong cách sống đến đông đảo khách hàng cùng du khách trong và ngoài nước. 

Mỗi thương hiệu mang đến sự kiện dấu ấn riêng. Trong đó, có nhiều mặt hàng gây sự chú ý bởi sử dụng các nguyên liệu ấn tượng cùng với công nghệ sản xuất giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Dưới đây, mời bạn đọc cùng Sài Gòn Tiếp Thị “tham quan" một vài gian hàng, khám phá các ý tưởng sản xuất của người Thái tại triển lãm Style Bangkok 2024

Áo thun làm từ vảy cá cùng công nghệ ReDeFi

Áo thun filagen của Thumbinthai. Ảnh: Thumbinthai

Thương hiệu áo thun Thumbinthai có ý tưởng sử dụng peptide collagen trong vảy cá để tạo nên chức năng dưỡng ẩm da cho sản phẩm áo thun của mình. Thiết kế áo thun của Thumbinthai sử dụng filagen – chất liệu có thể phân hủy sinh học làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên như sợi cellulose gỗ và peptide collagen từ vảy của các loài cá biển như cá măng. Chất liệu filagen có khả năng tạo độ ẩm cho da cao gấp 13 lần so với vải cotton thông thường.

Bà Nitcharee Ujjin, CO-CEO của Thumbinthai chia sẻ, sản phẩm filagen T-Shirt sử dụng 30% là peptide collagen từ vảy cá, các peptide collagen trong filagen hoạt động như một chất khử mùi tự nhiên để ngăn chặn mùi cơ thể. Đặc biệt, chức năng khử mùi này vẫn duy trì sau 100 lần giặt. Về giá cả, 1 chiếc áo thun filagen có giá 490 baht tương đương khoảng 13 đô la Mỹ.

Ngoài ra, thương hiệu này còn ứng dụng công nghệ ReDeFi chứa các chất phụ gia có nguồn gốc từ thiên nhiên để tăng cường khả năng phân hủy sinh học của vải polyester tái chế (PET). Công nghệ này giúp giảm thời gian phân hủy của vải polyester thông thường từ 450 năm xuống dưới 4 năm trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn và hiệu suất bền của polyester. 

Áo thun được làm từ vải polyester tái chế sử dụng công nghệ ReDeFi. Ảnh: Thumbinthai

Dùng rơm rạ, lá sen, vỏ thân chuối… làm túi xách

Dấu ấn của thương hiệu De Bua là không sử dụng chất hoá học trong quá trình sản xuất. Thương hiệu khai thác 5 loại chất liệu tự nhiên, bao gồm: lá Chamchuri (chamcha), lá sen, rơm rạ, lá tre, vỏ thân cây chuối.

Bộ sưu tập túi xách làm từ lá chamcha. Ảnh: Trúc Nhã

Lá Chamchuri (chamcha) là loại lá nhỏ và có nhiều màu sắc, lá cây chuyển từ màu xanh khi còn non đến nâu khi lá già và sắp rụng. Doanh nghiệp tận dụng chất liệu này bằng cách lên men với nước để làm mềm và dàn đều lên bề mặt vải, từ đó các hoa văn chồng lên nhau và mang lại màu sắc đa dạng.

Đối với quá trình sản xuất túi từ rơm bắt đầu bằng việc xay rơm rạ thành sợi mịn. Sau đó, ngâm sợi rơm trong nước cho mềm rồi trải thành từng tấm lên vải để tạo thành sản phẩm. Tương tự như quá trình sản xuất từ nguyên liệu rơm rạ và lá chamcha, 3 nguyên liệu là lá sen, lá tre và vỏ thân chuối cũng được lên men và tạo hình thành tấm vải có màu sắc tự nhiên. 

Đại diện thương hiệu (bên phải) đang giới thiệu về nguyên liệu làm sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Trúc Nhã

Theo nhà sản xuất, các sản phẩm này có độ bền khoảng 4-5 năm, mỗi sản phẩm có đặc điểm và hoa văn riêng, không thể trùng lắp. Ý tưởng sử dụng chất liệu tự nhiên này của De Bua có thể giúp tận dụng chất thải sinh học, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng. 

Sản phẩm được bán ra ở cả thị trường trong và ngoài nước với mức giá từ 1800 - 3500 baht/sản phẩm tương đương khoảng 50-95 đô la Mỹ/sản phẩm tùy theo kích cỡ. 

Túi làm từ rơm (bên trái) và ví làm từ lá sen (bên phải). Ảnh: De Bua

Dùng mảnh da từ áo da cũ để thiết kế giày và túi xách 

Tại Remaker, thay vì làm đồ da với chất liệu da mới, thương hiệu lại chọn sử dụng da tái chế từ áo khoác da cũ. Remaker chọn lọc những chiếc áo khoác da đã qua sử dụng nhưng chất lượng da vẫn còn mềm và chắc chắn, sau đó mang đi giặt, xử lý, cuối cùng là chế tạo túi hoặc giày bằng hình thức thủ công để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà thương hiệu đặt ra. 

Nhận thức được tác hại của thời trang nhanh, Remaker đã nghĩ ra ý tưởng tái chế những chiếc áo khoác da cũ để làm túi xách, giày và một vài phụ kiện nhỏ. Ảnh: Trúc Nhã
Mẫu giày được gia công từ chất liệu da từ chiếc áo khoác cũ. Ảnh: Trúc Nhã
Ngoài giày, balo thì túi xách là một trong những sản phẩm chính của Remaker. Ảnh: Remaker

Ông Yuttana, người sáng lập Remaker chia sẻ “Bằng cách chọn lọc và thiết kế thủ công, chúng tôi có thể đảm bảo rằng các sản phẩm của mình được sản xuất theo tiêu chuẩn cao, mềm mại nhưng chắc chắn và không chứa hóa chất”. Một sản phẩm túi xách của thương hiệu dao động khoảng 2000 baht trở lên, tương đương khoảng 55 đô la Mỹ.

Gỗ vụn là “vàng bạc" đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất nội thất

Deesawat, doanh nghiệp chuyên về gỗ tếch từ năm 1972 đã có ý tưởng sử dụng các chất liệu từ bề mặt sần sùi của gỗ và da (những chất liệu thường được mài đi nhằm tạo nên độ nhẵn mịn cho bề mặt sản phẩm) để giảm thiểu lượng gỗ bị bỏ đi, đồng thời làm nên nét đặc trưng của thương hiệu. Bên cạnh đó, Deesawat sử dụng gỗ vụn, các loại gỗ thường không thể sử dụng nữa để sản xuất đồ nội thất. 

Vỏ gỗ được giữ nguyên trong các thiết kế nhằm tránh lãng phí gỗ. Ảnh: Thế Kỳ
Sản phẩm nội thất của Deesawat. Ảnh: Deesawat

Tương tự với ý tưởng của Deesawat, thương hiệu đèn gỗ O'thentique sử dụng 100% các loại gỗ thô, gỗ thừa để chế tạo sản phẩm. O'thentique xử lý những nguyên liệu thô bằng cách rửa, chà nhám, đẽo gọt nhằm để lộ ra kết cấu và vẻ đẹp tự nhiên của gỗ. Sau đó, các mảnh gỗ được ghép lại với nhau để tạo ra những chiếc đèn bàn, đèn sàn và đèn chùm với thiết kế độc đáo.

Các thiết đèn gỗ của thương hiệu O'thentique. Ảnh: Trúc Nhã
Những miếng gỗ tưởng chừng chỉ có thể vứt đi đã được O'thentique tạo tác thành một món đồ trang trí mang đậm chất riêng của thương hiệu. Ảnh: Trúc Nhã
Sản phẩm làm từ rễ cây của O'thentique. Ảnh: O'thentique

Đại diện doanh nghiệp cho biết, đèn gỗ O'thentique được lấy cảm hứng từ thiên nhiên nhiệt đới Châu Á. Thiết kế này lại được ưa chuộng bởi khách hàng Châu Âu và Mỹ với 90% sản phẩm của thương hiệu này được xuất khẩu sang 2 thị trường nêu trên.

Dùng màu tự nhiên để vẽ lên áo

Mỗi năm cho ra mắt một bộ sưu tập mới, nét đặc trưng của thương hiệu Homrak không chỉ thể hiện qua mẫu mã thiết kế mà còn ở nguyên liệu và quá trình sản xuất.

Các thiết kế của Homrak tại Style Bangkok 2024. Ảnh: Trúc Nhã
Các thiết kế của Homrak dao động từ 1000-3000 baht, tương đương 28-82 đô la Mỹ tuỳ vào loại vải và mẫu vẽ. Ảnh: Homrak

Theo đại diện thương hiệu, Homrak sử dụng thuốc nhuộm màu tràm tự nhiên (thuốc nhuộm màu chàm là một trong các loại thuốc nhuộm cổ nhất được sử dụng để nhuộm màu trong công nghiệp dệt vải và in ấn). Từ việc sử dụng thuốc nhuộm màu tràm truyền thống đã có từ lâu, Homrak kết hợp cùng các kỹ thuật nhuộm khác do thương hiệu sáng tạo nên để làm cho tone màu trở nên ấm hơn và hoa văn độc đáo hơn mà vẫn có thể giữ được phong cách tie dye (loang màu) nguyên bản.  

Bên cạnh những sản phẩm được nhuộm trực tiếp với màu tràm tự nhiên, Homrak còn cho ra đời các thiết kế được vẽ tay thủ công và sử dụng màu mực vẽ làm từ lá cây. Những trang phục thời trang này được gia công bởi đội ngũ may đo từ cộng đồng địa phương có hơn 30 năm kinh nghiệm.

Đối với những sản phẩm vẽ tay, mỗi tháng thương hiệu chỉ sản xuất 50 sản phẩm. Còn đối với các sản phẩm sử dụng thuốc nhuộm màu tràm sẽ dao động trên dưới 500 sản phẩm/tháng. Ảnh: Homrak
Trúc Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối