Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Sân khấu thử nghiệm: Mơ ước và kỳ vọng

Quỳnh Nga –

Sau mười năm gián đọan, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 3-2016 vừa diễn ra khá thành công tại Hà Nội với sự góp mặt của 16 vở diễn thuộc 8 quốc gia gồm Đức, Panama, Nhật Bản, Hy Lạp, Trung Quốc, Pháp, Philippines và nước chủ nhà Việt Nam.

Đa dạng sắc màu, ngôn ngữ

tac-pham-hamlet-cua-nha-hat-kich-viet-namTác phẩm Hamlet của Nhà hát kịch Việt Nam.

Sau mười năm tạm dừng kể từ cuộc liên hoan lần thứ 2-2006 thì liên hoan lần này có sự chuyển mình đáng kể về cả ngôn ngữ dàn dựng lẫn không gian sân khấu và diễn xuất của các nghệ sĩ. Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận xét: “Hầu hết những vở diễn tham gia liên hoan là sự kết hợp của nhiều hình thức, mở ra một không gian sân khấu đa chiều, tiếp cận gần hơn đến khán giả. Đó là sự chọn lọc, súc tích của từng câu thoại,  người nghệ sĩ biểu diễn không chỉ chuyển tải nội dung, thông điệp vở diễn bằng lời thoại, giọng hát mà còn rất đa năng và khéo léo trong việc sử dụng kết hợp ngôn ngữ hình thể, với âm nhạc, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng… để mang lại hiệu ứng cao nhất cho vở diễn và chạm vào cảm xúc của người xem. Bên cạnh đó, những tiến bộ về kỹ thuật, trang thiết bị hỗ trợ cho sân khấu như màn hình LED, kỹ thuật 3D… cũng đa dạng hơn, đáp ứng tối đa cả về thính giác lẫn thị giác cho khán giả”.

Trong số tám tác phẩm của các nước tham dự liên hoan, Hải âu của Nhật Bản được đánh giá là một trong số những tác phẩm mang tính thử nghiệm độc đáo nhất và để lại nhiều ấn tượng nhất cho người xem. Kịch bản của tác giả Tchekhov (Nga) viết từ thế kỷ 19 đã được tác giả, đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi chuyển thể, lấy bối cảnh tại Nhật và kể lại bằng ngôn ngữ hiện đại, đầy ắp hơi thở của cuộc sống đương đại. Không còn là một nước Nga rầu rĩ, buồn chán của thế kỷ 19 mà là bối cảnh chính của vở là nước Nhật trẻ trung, sinh động của thế kỷ 21, nhưng không vì thế mà làm mất đi những đặc trưng rất riêng của kịch Tchekhov.

Tình yêu trong sáng của Philippines được viết lại dựa trên tác phẩm nổi tiếng Romeo và Juliet của đại văn hào William Shakespeare như một bức tranh tuyệt đẹp về sự giao thoa giữa các nền văn hóa Á-Âu. Vở kịch được đạo diễn Ricardo Abad đặt trong bối cảnh của một cộng đồng Hồi giáo để khéo léo kết hợp với những âm thanh, giai điệu, trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama-Bajau ở miền Nam của Philippines. Không chỉ được chìm đắm với những cảm xúc theo diễn tiến của câu chuyện và số phận các nhân vật, người xem còn như được mở một cánh cửa để hiểu một phần đời sống, văn hóa, phong tục của đất nước và con người Philippines.

Khách sạn thiên đường (Đức) cũng là một trong những thử nghiệm được những người làm nghề đánh giá rất cao. Tác phẩm chỉ có bốn diễn viên, nhưng đảm nhận hơn mười vai diễn khác nhau và chỉ kể câu chuyện, phác họa tính cách nhân vật thông qua những chiếc mặt nạ và động tác hình thể. Với cách xử lý tinh tế của đạo diễn, tài năng của nghệ sĩ, vở diễn dù không thoại nhưng vẫn đầy những xung đột kịch và cả sự dí dỏm, hài hước, mang lại cho người xem những ấn tượng thú vị.

Việt Nam có tám vở được chọn tham dự liên hoan lần này gồm Dưới nước là cát (Nhà hát kịch Quân đội), Nguyễn Du với Kiều (Nhà hát Tuổi Trẻ), Hamlet (Nhà hát kịch Việt Nam), Hồn Trương Ba – da hàng thịt (Nhà hát múa rối Thăng Long), Bão (Đoàn kịch nói Công an Nhân dân), Chương trình Nghệ thuật giải trí Ionah (Nhà hát Star Galaxy), Giấc mơ (Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ TPHCM) và Medea (trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM).

Dưới cát là nước, vở đoạt Huy chương Vàng được đánh giá tốt về những sáng tạo từ kịch bản đến thủ pháp dàn dựng, âm nhạc và trang trí sân khấu. Một số thử nghiệm đáng chú ý khác của các đoàn Việt Nam có thể nhắc đến là cách kể lại những tác phẩm kinh điển thế giới gần gũi hơn với số đông công chúng Việt Nam như Hamlet và Medea. Đặc biệt sự kết hợp trò diễn dân gian Việt Nam vào tác phẩm Hamlet của đạo diễn Nguyễn Anh Tú.

Trông người mà ngẫm đến ta

tac-pham-khach-san-thien-duong-cua-ducTác phẩm Khách sạn thiên đường của Đức.

Liên hoan một lần nữa đặt ra những suy nghĩ, trăn trở của những người làm nghề trong nước trước khoảng cách khá xa so với sự phát triển của các nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển trên thế giới. Không phủ nhận, những vở diễn tham gia liên hoan của các đoàn Việt Nam đều ít nhiều đáp ứng được tiêu chí thử nghiệm liên hoan đặt ra, nhưng những thử nghiệm mang tính đột phá thì… vẫn đang phải mỏi mắt kiếm tìm.

tac-pham-tinh-yeu-trong-sang-cua-philippinesTác phẩm Tình yêu trong sáng của Philippines.

 

Năm 2015, một trại sáng tác kịch bản là tiền đề cho liên hoan sân khấu thử nghiệm với hơn mười kịch bản được đánh giá tốt, nhưng tất cả đều chưa được dàn dựng để tham gia liên hoan năm nay vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do không có kinh phí dàn dựng. Khi sân khấu các nước đã có nhiều thử nghiệm khác nhau trong cách chuyển tải nội dung, thông điệp đến cho khán giả thì đa phần các vở diễn Việt nam được đánh giá vẫn rất nặng về lời thoại.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan, đạo diễn-nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc cho rằng sân khấu Việt Nam vẫn đang bị lệ thuộc nhiều vào các quan niệm dàn dựng xưa cũ. Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ cũng nhận xét sân khấu Việt Nam đang lỗi nhịp, không chỉ đi sau rất xa về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật mà ngay cả suy nghĩ, quan điểm về sự phát triển, những thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật mới của những người làm nghề ở Việt Nam còn rất xưa cũ. Có vẻ như một bộ phận làm nghề thích chọn lựa lối đi cũ cho an toàn hơn là dám mạo hiểm và chấp nhận thử thách khi tìm kiếm những phương thức dàn dựng, cách kể, lối diễn xuất mới.

Khi sân khấu đang trong giai đoạn loay hoay đi tìm cái mới, loay hoay tìm cách chinh phục khán giả thì Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 3-2016 càng mang nhiều ý nghĩa hơn bao giờ hết. Những tác phẩm nghệ thuật đa văn hóa, đa sắc màu, sự phát triển và thử nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế là bài học quý cho những người làm nghề ở Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Kết nối