Ngày càng có nhiều người tham gia vào những chuyến đi bộ đường dài (trekking) để rèn luyện sức khỏe, thưởng lãm cảnh đẹp và có được nhiều sự trải nghiệm thú vị. Hiện nay, có nhiều cung đường dành cho những người yêu thích hoạt động này lựa chọn.

Theo dấu Yersin – khoảng 60km (Bình Thuận, Lâm Đồng): Cách đây 127 năm, từ làng Kalon (độ cao 130 mét) nằm sát chân núi dãy Nam Trường Sơn (nay là xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), bác sĩ Alexandre Yersin đã băng rừng thực hiện cuộc thám hiểm đầu tiên tìm ra cao nguyên Di Linh (năm 1891). Gần đây, nhiều người đã tham gia chuyến đi theo dấu bác sĩ Yersin dưới sự hướng dẫn của anh Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic, đơn vị tổ chức cuộc hành trình này. Người tham gia phải chinh phục nhiều con dốc cao, băng rừng, lội suối, nhưng bù lại họ có nhiều cơ hội thưởng lãm cảnh đẹp, tắm trong những dòng suối trong mát. Bài viết có sử dụng video minh họa cung đường Theo dấu Yersin của Ban Thể thao – Đài Truyền hình TPHCM.

Đoàn chuẩn bị xuất phát tại làng cũ Phan Sơn (làng Kalon ngày xưa), ở độ cao 130 mét so với với mặt nước biển. Làng Kalon nằm sát chân núi dãy Nam Trường Sơn (nay là xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Hoàng Phương
Cả đoàn bắt đầu chinh phục con dốc đầu tiên từ làng cũ Phan Sơn theo hành trình Yersin. Ảnh: Phú Đức
Dốc đá từ làng cũ Phan Sơn đến suối Giáp. Con đường này mới có từ những năm 1980 do xe chở gỗ chạy. Ảnh: Phú Đức
Các thành viên của đoàn ăn sáng trước khi nhổ trại tại khu suối Giáp. Khu vực cắm trại sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, tất cả rác đều được gom lại, đốt hoặc chuyển ra khỏi rừng bằng ngựa. Ảnh: Phú Đức
Đoàn băng qua suối Giáp, đoạn hai con suối nhỏ giao nhau. Ảnh: Phú Đức
Các thành viên của đoàn lội suối, băng rừng đi theo dấu vết Yersin ở làng cũ Tali, dốc Tali hướng về hồ Kala. Ảnh: Hoàng Phương
Những phút nghỉ ngơi của các thành viên trong đoàn. Khi đi trekking trong rừng, bạn nên lựa những đoạn bằng phẳng, khô ráo để nghỉ chân. Những nơi như vậy sẽ ít côn trùng và an toàn cho bạn. Ảnh: Phú Đức
Đường dẫn lên đường đèo Braian. Đỉnh núi Braian là đỉnh cao nhất cao nguyên Di Linh (cao 1.196m). Ảnh: Hoàng Phương
Nhóm đã lên đến đoạn cao nhất của đường đèo Braian, chỉ còn vượt qua thung lũng suối Da Riam là đến bến đò qua lòng hồ Da Riam ngày xưa (bây giờ là hồ Kala) về thị trấn Di Linh. Đây cũng là điểm cuối của hành trình Yersin tìm ra cao nguyên Di Linh. Ảnh: Hoàng Phương

Bác sĩ Alexandre Emile John Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại Thụy Sĩ. Từ năm 1886, ông làm việc tại Viện Pasteur Paris và cộng tác với bác sĩ Roux tìm ra độc tố vi khuẩn bạch hầu. Năm 1895, Yersin thành lập Viện Pasteur ở Nha Trang và điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch.Yersin còn được biết đến là một nhà thám hiểm. Tháng 7-1891, ông thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên tìm ra cao nguyên Di Linh và tiếp theo là cao nguyên Lang Bian (1893). Cuộc đời của Yersin đã gắn bó với Việt Nam, người dân Việt Nam gọi ông bằng cái tên thân thiện là “ông Năm”. Ông mất ngày 1-3-1943 và an nghỉ tại Suối Dầu, thành phố Nha Trang.

Các vật dụng phải có khi đi trekking trong mùa mưa

  • Ba lô có bao trùm chống nước
  • Túi rút chống nước hay bao ni-lông đựng quần áo trước khi cho vào ba lô
  • Áo đi mưa loại gọn và nhẹ
  • Túi chống nước bảo vệ máy ảnh, giấy tờ, điện thoại
  • Vớ dự phòng
  • Thuốc chống vắt
  • Đèn pin chống nước
  • Áo khoác chống nước và giữ ấm
  • Dây thừng để băng qua suối nước chảy an toàn
  • Gậy trekking hỗ trợ qua đoạn đường dốc lầy lội
  • Lều trại chống nước

(Tư vấn của anh Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic)

Tà Năng-Phan Dũng – khoảng 60km (Lâm Đồng, Bình Thuận): Được ví là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam vì người tham gia có cơ hội khám phá cảnh đẹp của nhiều loại rừng trong 2-3 ngày. Nhưng, nó cũng được xếp vào danh sách những cung trekking nguy hiểm vì có nhiều suối, đồi núi cao và lối mòn nên người tham gia có khả năng bị lạc rất cao nếu đi lần đầu.

Núi Bà Đen (Tây Ninh): Là một trong những điểm trekking thu hút nhiều người, một phần vì giao thông thuận tiện (cách TPHCM khoảng 100 km) và ở đây có nhiều cung đường từ dễ đến khó. Ngoài hai đường từ chân núi lên đỉnh theo cột điện và đường chùa, còn có ít nhất năm hướng đi từ chân núi như cung Ma Thiên Lãnh, cung ba núi, cung núi Phụng… Người tham gia phải có sức bền vì phải leo qua các hòn đá lớn hoặc chui xuống dưới những tảng đá trong hành trình.

Núi Chứa Chan (Đồng Nai): Đây là ngọn núi cao khoảng 800 m so với mực nước biển ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Người tham gia cung đường này đi theo đường chùa và sau đó men theo đường mòn lên núi và trở lại điểm xuất phát trong ngày. Tuy nhiên, những người leo núi vẫn có thể ở lại qua đêm để giao lưu, kết bạn với thành viên của những nhóm khác.

Núi Chúa (Ninh Thuận): Dù ở gần biển nhưng cung trekking này được xếp vào loại khó do thời tiết nắng nóng ở vùng núi thuộc miền Trung này. Tuy nhiên, cung này có nhiều cảnh đẹp và đa dạng vì người tham gia đi qua nhiều loại địa hình đồi, núi, suối…

Núi Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu): Cung này khá nhẹ nhàng và phù hợp với dân văn phòng thích vận động vào cuối tuần vì người tham gia chỉ cần đi theo các lối mòn, những bậc thang lên núi.

Ngọc Hùng – Phú Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây