Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024

Mua nồi trúng tiền tỉ, đừng mơ!

CHÍNH PHONG -

Đặt tập “hồ sơ” trúng giải lên bàn, anh Phan Minh Xuân ở quận 10, TPHCM ngán ngẩm: “Đây là lần thứ ba họ gửi tập giấy này thúc giục tôi mua hàng để có cơ hội trúng giải”. “Hồ sơ” mà anh Xuân trưng ra gồm những loại giấy nghe là thấy xổn xoảng tiền bạc như chứng nhận siêu giải thưởng, chương trình buổi lễ trao giải cho người chiến thắng. Số tiền trúng giải là hơn 1 tỉ đồng dù để tham gia, anh Xuân chỉ phải mua vài món đồ như nồi, chảo...

Những lời chúc tụng

IMG_20151106_165658

Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, trong những giấy tờ, văn bản dưới tên gọi Bản tin của ban giám đốc B. in trên 4 trang giấy A4, ngay trang đầu là dòng chữ “Quyết định bởi ban giám đốc, Phan Minh Xuân được tuyên bố trở thành người chiến thắng và nhận giải thưởng lớn trị giá 1 tỉ đồng, xin chúc mừng”. Các trang còn lại, rất nhiều những lời chúc tụng y như thể ông Xuân là người trúng giải.

Đây là nội dung của chương trình bán hàng khuyến mãi của Công ty C. với thương hiệu B. Trên thực tế, từ năm 2014, chuyện này đã làm “rùm beng” đối với người tiêu dùng một thời gian và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã đề cập đến. Qua thời gian im ắng, hình thức bán hàng này lại tiếp tục.

Theo lời anh Xuân, anh đang làm tại một công trình bên quận 2 thì có nhân viên đi qua phát cho tờ giấy tráng bạc và nói nếu cào vào hai vị trí (trong tờ giấy) ra con số giống nhau thì có cơ hội trúng thưởng. Tò mò, anh cào ra và thấy hai con số trùng nhau. Gọi điện lên tổng đài, cô nhân viên xin số điện thoại và địa chỉ rồi sau đó ít ngày, nguyên bộ “hồ sơ” được gửi đến nhà anh. “Mới đầu tưởng trúng giải thật, bà con lối xóm qua đòi đãi tiệc, sau xem kỹ hóa ra không phải”, anh Xuân nói.

Giữa một rừng câu chữ chúc tụng “dành cho người chiến thắng” gây hoa mắt, trong các văn bản này có một hàng chữ nhỏ với nội dung “Nếu chúng tôi tuyên bố bạn là người chiến thắng chung cuộc, thông báo sẽ như sau…”. Theo anh Xuân, chỉ một chữ “nếu” rất nhỏ này, quảng cáo trở nên hợp pháp. Trong khi đó, thể lệ chương trình khuyến mãi thì được phía công ty trên in ở mặt bên trong của chiếc phong bì chứa tập “hồ sơ”. Theo ghi nhận, thể lệ này có cỡ chữ rất nhỏ và thậm chí các câu chữ không xuống hàng, rất khó đọc.

Giá cả chênh lệch lớn

Trên thực tế, trong những giấy tờ quảng cáo của B., để có cơ hội trúng các giải thưởng, người được gửi thư cần mua hàng do đơn vị này bán. Theo đó, khách chọn hàng qua catalogue có sẵn giá bán, tính tổng chi phí của đơn hàng cộng thêm 69.000 đồng. Sau đó, khách hàng thanh toán tiền cho công ty qua bưu điện hoặc các tài khoản ngân hàng của công ty. Rồi gửi mẫu đơn đặt hàng, bản sao chứng từ thanh toán và các tài liệu khác được yêu cầu gửi về Bưu điện trung tâm Sài Gòn (TPHCM). Hàng được chuyển đến địa chỉ của khách trong vòng 10 ngày làm việc. Nếu khi thấy hàng, khách không đồng ý nhận hàng và thanh toán thì sẽ mất phí 69.000 đồng. Đây được gọi là “phí xử lý và giao hàng”.

Danh sách những món hàng bán của B. lèo tèo vài món đồ đơn giản như bộ dao gọt thực phẩm, bộ bình ly nước thủy tinh, nồi đất nắp kính, chén bát không đề xuất xứ rõ ràng. Đối chiếu giá các sản phẩm trong catalogue của B. cho thấy có sự chênh lệch lớn. Ví dụ, bình đun nước nóng inox hiệu Fujishi họ bán 499.000 đồng/cái thì trên các trang bán hàng qua mạng như như Lazada, sieumuanhanh.com, AloBuy… chỉ bán với giá 160.000-180.000 đồng/cái; trong khi B. bán chiếc gối có các khoang chứa nước làm mát kích cỡ 25x35 cm giá 199.000 đồng/cái thì nhommua.com chỉ bán chiếc gối cỡ 29x49 cm giá 75.000 đồng/cái; một chiếc võng hai lớp vải dù họa tiết rằn ri được công ty này bán 399.000 đồng/cái thì cũng loại hàng này, tại Công ty WindTrip (đường Trần Quang Diệu, quận 3, TPHCM) bán với giá 150.000 đồng/chiếc.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia về thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét: “Hình thức bán hàng qua catalogue này có từ hơn 30 năm trước. Bây giờ truyền hình, Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử phát triển như vậy, còn người bán hàng kiểu này mới lạ”.

Theo các chuyên gia, mua hàng bây giờ chỉ cần quay số điện thoại là có chứ cần gì phải qua nhiều công đoạn như đăng ký, gửi thư. Tuy nhiên, cách bán hàng của B. vẫn đánh vào tâm lý muốn trúng giải thưởng của khách hàng. Muốn có “cơ hội trúng giải” thì điều kiện cần là phải mua hàng. Rồi cứ thế, khách hàng mua hàng với đơn hàng trị giá 200.000 đồng trở lên hoặc 1 triệu đồng trở lên là có “cơ hội trúng giải” ở các mức khác nhau. Tuy nhiên, thực tế không phải như những lời rao bóng bẩy, trong “ma trận” của những tờ quảng cáo này, “giải thưởng lớn trị giá 1 tỉ đồng” dành cho khách đạt doanh số mua hàng cao nhất, “siêu giải thưởng” trị giá 150 triệu đồng cho khách đạt doanh số mua hàng cao nhì. Và vấn đề nằm ở chỗ, không biết doanh số cao nhất là bao nhiêu và cao nhì là bao nhiêu vì không có khung cho giá trị này.

Khi chúng tôi gọi điện đến văn phòng công ty này theo số điện thoại in trên những tờ quảng cáo thì nhân viên cho biết công ty không trưng bày và bán hàng ở địa điểm ngoài đời thực, tất cả việc mua bán thực hiện qua bưu điện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối