Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Môi giới bất động sản lay lắt trụ lại với nghề

(SGTT) – Môi giới bất động sản có lẽ là nghề có số lượng nhân sự giảm rất nhiều trong thời gian vừa qua. Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến tháng 6 vừa qua, số nhân lực làm nghề này giảm chỉ còn 30-40% so với cuối năm 2022. Rất nhiều nhân viên môi giới bất động sản đã bỏ nghề, chuyển nghề, chỉ còn lại một số ít đang trụ lại với nghề…. 
Nhân viên môi giới bất động sản muốn trụ lại với nghề có người phải làm thêm như chạy ô tô công nghệ. Ảnh minh họa: DNCC

Vật lộn mưu sinh, giữ nghề

Vẫn làm nghề lái xe ô tô công nghệ (Grab car, Be car) nhưng anh Thanh Hưng, sinh sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, còn làm cả nghề môi giới bất động sản.

Vừa lái xe trên đường, anh Hưng kể trước anh có nhiều năm làm việc tại một ngân hàng lớn. Tuy nhiên do tái cơ cấu nên phòng của anh bị giải thể cách đây vài năm. Đang ở vị trí trưởng phòng, nhưng do giải thể, ngân hàng này cho anh sang làm nhân viên của bộ phận khác.

Không hứng thú với công việc đó, lại có nhiều bạn bè làm mảng môi giới bất động sản cũng ăn nên làm ra, anh Hưng quyết định chuyển nghề ở cái tuổi 40. Thông thường, một môi giới mới vào nghề sẽ được các trưởng nhóm, trưởng phòng chỉ dẫn và kèm cặp. Nhờ có bạn bè đi trước hỗ trợ nhiệt tình, cộng thêm với nhiều mối quan hệ sẵn có, nên công việc môi giới bất động sản của anh bắt nhịp khá thuận lợi, tính trung bình mỗi tháng anh kiếm được khoảng 20 triệu đồng.

Tất nhiên mức thu nhập này không cao bằng mức lương trưởng phòng cũ của anh nhưng Hưng cũng hài lòng vì vạn sự khởi đầu nan, không thể đòi hỏi mới vào nghề mà có thu nhập cao như bạn bè anh có thâm niên trong nghề được.

Trong lúc anh Hưng đang hào hứng với công việc mới thì thị trường bất động sản lại gặp khó khăn nên anh rất khó có thể duy trì mức thu nhập trung bình 20 triệu mỗi tháng như trước. Thu nhập từ môi giới bất động sản của anh chia trung bình giảm chỉ còn có vài triệu đồng mỗi tháng.

Công ty của anh Hưng chuyên phân phối căn hộ chung cư dự án. Nhưng nay số căn hộ được bán ra không nhiều nên công ty anh chuyển qua môi giới nhà thổ cư (nhà liền với đất). Đây vốn dĩ là sản phẩm mà trước đây công ty anh không nhận môi giới bởi làm việc với các nhà dân sẽ phức tạp hơn làm với các chủ đầu tư. Hơn nữa, làm với một chủ đầu tư có thể ký hợp đồng bán hàng ngàn căn hộ. Nhưng giờ do khó khăn nên công ty và anh phải chuyển sang môi giới bán nhà đất riêng lẻ để trụ lại với nghề.

Môi giới bán nhà đất khó khăn và phức tạp hơn nên mỗi tháng thu nhập từ môi giới của anh chỉ được 7-8 triệu đồng, bởi có khi một năm cũng chỉ môi giới bán được 1-2 căn nhà. Vẫn muốn trụ lại với nghề môi giới vì tin rằng thị trường bất động sản sẽ hồi phục nên anh vừa làm môi giới vừa chạy thêm ô tô công nghệ.

“Vừa làm môi giới bất động sản vừa chạy xa ô tô công nghệ mỗi tháng cũng có khoảng 20 triệu mới đủ sống và phụ vợ nuôi con”, anh Hưng nói.

Cũng như anh Hưng, anh Hậu là một môi giới bất động sản hiện đang cố gắng bám trụ lại với nghề này. Có thâm niên trong nghề lâu hơn anh Hưng nên anh Hậu thu nhập khá hơn và không phải sống bằng nghề “tay trái”. Anh Hậu gắn bó với nghề môi giới bất động sản cách đây hàng chục năm, từ thời sinh viên với công việc telesale – gọi điện thoại bán hàng, sau đó được những người đi trước chỉ dẫn để trở thành môi giới bất động sản. Anh Hậu giờ đã là trưởng phòng của một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội.

Anh Hậu cho hay trước đây sàn của anh chuyên phân phối căn hộ chung cư. Nhưng bây giờ thị trường không có sản phẩm bình dân và trung cấp mở bán, chỉ có sản phẩm cao cấp (giá từ 3-4 tỉ đồng trở lên một căn) nên không có nhiều khách mua. Do đó, để trụ lại được với nghề, sàn môi giới bất động sản nơi anh Hậu làm việc phải tìm kiếm để môi giới các sản phẩm bất động sản có nhu cầu ở thực với giá trung bình. Mà ở phân khúc này, thị trường không có nguồn cung mới nên công ty anh chuyển qua bán căn hộ chung cư tầm trung đã qua sử dụng.

Bằng nhiều cách, sàn của anh Hậu có được dữ liệu của các căn hộ chung cư cũ cần bán. Anh Hậu hướng dẫn các môi giới bất động sản trong nhóm lên các diễn đàn, hội nhóm để tìm khách hàng cần mua hoặc đăng quảng cáo bán nhà.

Hiện anh Hậu vừa được hưởng lương cứng trưởng nhóm (7 triệu đồng mỗi tháng), vừa được hưởng hoa hồng của các môi giới bất động sản thuộc nhóm mình, đồng thời anh cũng tham gia công việc môi giới. Tổng thu nhập anh kiếm được hiện nay trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng. Anh cho biết con số này thấp hơn nhiều so với số thu nhập anh kiếm được khi thị trường phát triển mạnh.

“Thời kỳ làm ăn khấm khá nhất, trung bình mỗi tháng tôi kiếm được 50-70 triệu một tháng. Bởi chỉ cần bán được một căn biệt thự là đã có hoa hồng 200-300 triệu rồi”, Hậu nói.

Để tạo được niềm tin nơi khách hàng, anh Hậu cho hay môi giới bất động sản cần phải đầu tư để tạo hình ảnh. Anh phải mua xe ô tô đẹp, ăn mặc tươm tất, rồi còn nào là chi phí quảng cáo, bán hàng…, do đó anh cho rằng với thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng từ công việc như hiện tại thì anh chỉ đủ ăn đủ tiêu.

Hậu kể cũng có lúc anh muốn nghỉ để chuyển sang nghề khác, trở lại làm ngành công nghệ như chuyên môn anh học đại học. Song, nhìn thấy các bạn đồng lứa sống bằng nghề đã học hiện chỉ có thu nhập khoảng chục triệu mỗi tháng anh lại quyết bám trụ với nghề, chờ cơ hội thị trường hồi phục.

Nhân viên của một sàn môi giới bất động sản. Ảnh: DNCC

Chờ ngày mai “trời lại sáng”…

Anh Hậu và anh Hưng là một trong số ít các môi giới bất động sản còn trụ lại với nghề. Ghi nhận thực tế cho thấy có rất nhiều môi giới bỏ nghề. Anh Hoàng, một môi giới bất động sản cho biết, trước anh làm kỹ sư cầu đường nhưng do đặc thù công việc phải thường xuyên sống ở công trình nên 7 năm trước anh chuyển sang làm môi giới bất động sản để được ở gần gia đình tại Hà Nội.

Nay thị trường trầm lắng, không tiếp tục sống được bằng nghề môi giới bất động sản, anh về nhà… bán cà phê. Anh Hoàng cho hay bạn bè anh làm môi giới bất động sản gần đây đã nhiều người bỏ nghề về bán hàng ăn hay làm những nghề lặt vặt khác.

“Thị trường khó khăn không sống nổi thì buộc phải xoay sang làm nghề khác để tồn tại, mưu sinh thôi chứ biết sao giờ! Bởi lúc thị trường chưa khó khăn thì môi giới sống bằng lương cứng cộng với hoa hồng vài phần trăm doanh số bán hàng. Giờ thị trường khó khăn thì sàn lấy đâu tiền mà trả lương cứng nữa. Môi giới bất động sản muốn trụ lại với nghề thì chỉ được ăn hoa hồng thôi, không có lương”, anh Hoàng nói.

Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến tháng 6 vừa qua, số lượng những người làm nghề này giảm chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản…).

Lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường. Song phần lớn các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn. Toàn bộ trong số đó mong muốn thời gian này được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để nắm vững chuyên môn, đồng thời có thêm các kỹ năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.

Thực tế, khi bán một căn hộ 3 tỉ đồng, mức hoa hồng mà sàn sau khi thỏa thuận với chủ đầu tư sẽ rơi vào khoảng 4–5%. Sau khi trừ đi các khoản thuế, tiền quảng cáo, sự kiện, marketing, truyền thông, nuôi bộ máy…, tỷ lệ mà sàn nhận được còn chừng 2–3%.

Cung cấp thông tin cho báo chí, bà Nguyễn Như Ý, Tổng giám đốc Real Home, cho biết thu nhập không ổn định, khả năng giao dịch thành công rất khó khăn. Ngoài ra còn phải trang trải các chi phí marketing, đi lại, tiếp khách… Do đó, chỉ có một số ít môi giới bất động sản có sẵn tiềm lực tài chính và các công cụ truyền thông hiệu quả mới có khả năng gắn bó với nghề. Số còn lại gần như sẽ từ bỏ sau thời gian ngắn không chịu được áp lực doanh số và cuộc sống bấp bênh.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế – tài chính – bất động sản Đất Xanh Services (DXS – FERI), trong nửa đầu năm nay, khảo sát đối với gần 500 môi giới đã ngưng hoạt động, có 52% chưa có ý định trở lại làm việc trong năm nay, 36% sẽ trở lại khi thị trường hồi phục và 12% dự kiến quay trở lại vào năm nay.

Còn tại một sự kiện diễn ra gần đây, bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Đất Xanh Services, cho hay một số công ty môi giới hiện giờ có thể còn sếp nhưng không còn nhân viên. Một số công ty cố gắng duy trì hoạt động với số lượng nhân sự tối thiểu. Bà cũng cho biết có tình trạng môi giới mở thêm dịch vụ mới, như mở quán cà phê, môi giới du học, môi giới xuất khẩu lao động…

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS – FERI, cho rằng nửa cuối năm, các chủ đầu tư rất khó khăn trong việc tìm kiếm, chọn lựa đơn vị môi giới hỗ trợ để ra hàng. Trong khi đó, năm 2020, môi giới tham gia thị trường rất đông vì bất động sản có hiện tượng “nóng sốt”, đồng thời ở những ngành nghề khác như du lịch có nhiều người mất việc làm và lượng lao động mất việc đó tham gia vào thị trường bất động sản. Hiện tại, khi những ngành nghề khác đã hồi phục trở lại, không phải mọi người đều có nhu cầu quay trở lại làm môi giới bất động sản.

Đánh giá về thị trường trong tương lai khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch hội đồng quản trị BHS Group, cho rằng thị trường bất động sản đang dần mở ra giai đoạn mới vì các dấu hiệu sau: lãi suất tiếp tục giảm, một số tỉnh tạo điều kiện tháo gỡ pháp lý các dự án, Quốc hội họp liên tục để chốt lại những điều luật cuối cùng của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản….

Với các phân tích trên, ông Tuyển cho rằng khó khăn trước mắt vẫn còn, nhưng những gì khó khăn nhất đã ở phía sau. Một số chủ đầu tư đã bắt đầu ra hàng, thị trường nhen nhóm tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, ông Tuyển lại lo lắng khi số lượng môi giới bất động sản giảm mạnh. Bởi lực lượng môi giới là cầu nối giữa người mua và người bán để thúc đẩy quá trình thanh khoản của bất động sản diễn ra. Nên nếu nguồn cung và cầu có tốt hơn nhưng mắt xích môi giới yếu sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thị trường.

Để chuẩn bị cho thị trường hồi phục, một số sàn môi giới bất động sản đã hoạt động trở lại, tuyển thêm quân số để chuẩn bị cho các dự án mới.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho biết trong ba tháng qua, công ty đã bắt đầu chiến dịch tuyển thêm nhân viên. Mặc dù số lượng không ồ ạt nhưng so với thời điểm thị trường trầm lắng đã tăng lên rất nhiều.

Ông Quyết cũng cho hay thời điểm thị trường bất động sản trong thời kỳ hoàng kim, ở Hà Nội, công ty có khoảng 900 – 1.000 nhân viên. Giai đoạn thị trường trầm lắng, công ty chỉ còn khoảng 150 nhân viên. Song ba tháng qua, công ty đã tuyển thêm được hơn 200 nhân viên là những người đã có kinh nghiệm quay trở lại với nghề.

Trước đây, thu nhập của môi giới bất động sản khá cao nên họ thường chi mạnh tay vào truyền thông, quảng cáo. Nhưng hiện nay, ông Quyết cho biết công ty thực hiện chính sách hỗ trợ một phần chi phí quảng cáo cho các môi giới. Đồng thời cho nhân viên ứng trước tiền quảng cáo, khi nào bán được sản phẩm sẽ trả lại công ty.

Thực tế cho thấy, thời gian qua là giai đoạn thanh lọc khốc liệt của nghề môi giới bất động sản. Với sự thanh lọc này, xét về một mặt nào đó sẽ làm cho thị trường bất động sản tốt hơn. Bởi những môi giới bất động sản giờ đây còn trụ lại với nghề này đã phải vật lộn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và tìm mọi cách mới có thể tồn tại.

Vân Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gói tín dụng nhà ở xã hội 125.000 tỉ đồng mới...

0
(SGTT) - Sau đúng một năm triển khai, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội,...

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hành vi ‘thổi giá’...

0
(SGTT) - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá và...

Gamuda Land hợp tác với hơn 10 thương hiệu bán lẻ...

0
(SGTT) - Ngày 28-3 vừa qua, Gamuda Land vừa hoàn tất thỏa thuận ghi nhớ hợp tác chiến lược với hơn 10 thương hiệu...

Những dự án tỉ đô trên ‘đất vàng’ ở TPHCM của...

0
(SGTT) - TAND TPHCM đang xét xử sơ thẩm vụ án tại ngân hàng SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trả lời tại...

Gamuda Land công bố chính sách bán dự án Eaton Park

0
(SGTT) - Ngày 15-3, Gamuda Land đã tổ chức buổi "kick-off" (ra quân) và công bố chính sách bán dự án Eaton Park tại...

Kết nối