Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Mở “shop” mà không cần nhiều vốn

BẢO UYÊN – 

Đóng vai trò trung gian, cửa hàng ký gửi nhận bày bán những món hàng thời trang đã qua sử dụng, không còn quan trọng với nhiều người. Tuy mới xuất hiện gần đây ở TPHCM nhưng mô hình kinh doanh này có sức hút đáng kể đối với người bán lẫn người mua.

Mua của người chán, bán cho người cần

hinh-chinhTuy ít vốn nhưng mô hình kinh doanh ký gửi cũng có không ít rủi ro.

Khệ nệ mang cả túi đồ to gồm quần áo, giày dép, túi xách vào cửa hàng ký gửi, Hoàng Dung (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết đây là lần đầu tiên chị mang đồ đi gửi bán. Hầu hết những món đồ này đều đã qua sử dụng nhưng vẫn giữ được chất lượng và kiểu dáng.

“Toàn đồ thời trang nên cũng không hợp mang đi ủng hộ từ thiện, có cái chỉ mặc một lần dự đám cưới rồi cất luôn. Thấy đồ bỏ không hoài cũng phí, bạn mình chỉ cách mang đồ ra cửa hàng ký gửi bán”, chị Dung nói.

Không giống như chị Dung, những món đồ mà anh Toàn, chủ một shop thời trang đã thanh lý ở quận 10, gửi bán là hàng tồn của shop nên hoàn toàn mới. Thay vì kéo dài thời gian thuê mặt bằng chỉ để thanh lý quần áo, anh mang đến cửa hàng ký gửi. Mỗi sản phẩm bán được, anh Toàn đều phải trả phí cho cửa hàng, nhưng theo anh, cách làm này giúp tiết kiệm chi phí, thu hồi vốn nhiều hơn so với việc tự bán.

“Ký gửi hơn 100 món, sau hai tháng thì bán được gần hết. Phải trả hoa hồng cho tiệm nhưng dù sao cũng gỡ gạc được chút vốn, đỡ hơn là phải duy trì mặt bằng chỉ để bán tháo bán đổ”, anh Toàn cho biết.

Không chỉ người trẻ mang đồ đến ký gửi mà còn cả những khách hàng trung niên. Cũng nhờ được nhận vào từ nhiều nguồn, nhiều gu thời trang khác nhau nên quần áo ở đây rất phong phú, đa dạng, thu hút được các tín đồ thời trang ở những độ tuổi khác nhau, đặc biệt là những người thích săn hàng “độc”, giá rẻ.

Là khách hàng thường xuyên của những cửa hàng ký gửi, Ngọc Hoàng, sinh viên năm hai Đại học Hutech, nhận xét, so với những shop chuyên kinh doanh “hàng si”, độ mới của sản phẩm ở cửa hàng ký gửi có phần nhỉnh hơn, giá bán lại khá mềm.

“Nhiều khi mua được những món đồ mà người bán chưa mặc lần nào, còn nguyên nhãn mác, giá chỉ khoảng 100.000 đồng/sản phẩm. Dùng một thời gian nếu không thích nữa mà đồ vẫn còn tốt có thể đem ra gửi bán lại”, Hoàng nói.

Còn theo chị Lệ Nhi (45 tuổi, giáo viên trường Chi Lăng, quận Gò Vấp), nhờ cách bài trí đẹp mắt, sang trọng mà những cửa hàng ký gửi tạo được cho khách hàng cảm giác thoải mái khi đi mua sắm. “Lúc đầu chỉ là chở con đi mua nhưng đến đó thấy có đồ hợp với mình nên mua thử. Rồi dần thành khách hàng quen”, chị Nhi cho biết.

Mô hình kinh doanh ít vốn

Cửa hàng ký gửi vốn đã có từ lâu ở nhiều nước, với nhiều mặt hàng đa dạng từ thời trang, sách vở, đồ gia dụng, đến thiết bị điện tử… Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu nở rộ trong một năm gần đây và chỉ giới hạn ở mặt hàng thời trang. Tuy còn khá mới mẻ nhưng các cửa hàng ký gửi được đánh giá cao về tiềm năng.

Các mặt hàng ký gửi phải đáp ứng những điều kiện cơ bản như vẫn còn sử dụng được, không hư hỏng, lỗi thời. Trước khi định giá, nhân viên sẽ kiểm tra từng sản phẩm. Những món đồ càng mới, kiểu dáng hợp thời càng có giá cao. Hầu hết các cửa hàng ký gửi tại TPHCM hiện nay đưa ra mức giá cao nhất không quá 200.000 đồng/sản phẩm, mức thấp nhất 10.000-30.000 đồng/sản phẩm.

“Việc định giá sản phẩm phải có sự thỏa thuận giữa người ký gửi và chủ cửa hàng. Sau đó, nhân viên sẽ tiến hành gắn giá, mã số vào sản phẩm và trưng bày. Còn người ký gửi sẽ nhận được một tấm thẻ ghi thông tin. Lúc mới kinh doanh, chúng tôi dùng excel để lưu trữ thông tin nhưng sau này thì mua một phần mềm chuyên biệt để dễ quản lý”, anh Thế Anh, người quản lý cửa hàng ký gửi 2nd Chance ở quận 1, cho biết.

Thời gian ký gửi thường kéo dài 50-70 ngày. Sau khoảng thời gian này, người ký gửi sẽ nhận số tiền bán được đã trừ phí dịch vụ. Mức phí dao động 10-20% giá bán và khách sẽ chỉ trả cho cửa hàng khi sản phẩm bán được.

“Ở cửa hàng chúng tôi, khách ký gửi sẽ trả phí 10.000-30.000 đồng đối với sản phẩm dưới 150.000 đồng, 20% nếu sản phẩm cao hơn 150.000 đồng. Sau thời gian quy định, nếu hàng không có ai mua, người bán sẽ đến nhận về hoặc tiếp tục ký gửi”, chị Bích Tuyền, chủ cửa hàng Give Away ở quận Bình Thạnh, nói.

Với cách kinh doanh này, các cửa hàng ký gửi đóng vai trò trung gian nhận và trưng bày, rao bán sản phẩm đến khách mua. Chính vì vậy, vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với mở shop thời trang kinh doanh hàng mới.

Nhiều chủ cửa hàng cho biết, chi phí duy trì cửa hàng hàng tháng xoay quanh tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên và phí quảng cáo trên Facebook.

Không đầu tư vốn vào nguồn hàng nên rủi ro thấp, tuy nhiên, không phải cửa hàng ký gửi nào cũng thành công. Không ít cửa hàng hoạt động được trong một thời gian ngắn đã phải đóng cửa. Một số chủ cửa hàng lý giải, khó khăn lớn nhất trong mô hình kinh doanh này là cùng lúc phải duy trì được hai nguồn khách: khách bán và khách mua.

“Cửa hàng có nhiều khách đến ký gửi, mặt hàng đa dạng thì mới có nhiều khách đến mua. Ngược lại, việc tiêu thụ dễ dàng thì mới có nhiều khách đến ký gửi. Chỉ cần một trong hai bị “tắc” là tiệm gặp khó liền”, anh Thế Anh giải thích.

Bên cạnh đó, theo chị Tuyền, nhân viên phải có “gu” thời trang để nhận hàng. Nếu chỉ dựa trên tiêu chí mới, chất lượng tốt để nhận hàng thì khả năng “nằm lại” sẽ rất cao.

“Nhiều nhân viên mới vào làm thấy khách mang quần áo mới đến là nhận ngay mà không xem kiểu dáng có hợp thời không. Vừa bán không được vừa mất diện tích treo đồ của tiệm mấy tháng liền”, chị Tuyền cho hay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Viếng chùa Ô Chum, di sản hơn 200 tuổi ở Sóc...

0
  (SGTT) - Chùa Ô Chumaram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum), nằm ở ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm,...

TPHCM: Doanh thu du lịch dịp lễ 30-4 đạt trên 3.230...

0
Doanh thu trong dịp lễ 30-4 và 1-5 của ngành du lịch TPHCM ước đạt 3.235 tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ...

Giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng chưa đạt như...

0
(SGTT) - Theo đánh giá của Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân bốn tháng của cả nước đạt 14,66% tổng kế...

Dòng người xếp hàng chờ tham quan Dinh Độc Lập trong...

0
(SGTT) - Sáng 30-4, Dinh Độc Lập đón nhiều người dân, du khách đổ về tham quan. Dòng người xếp hàng dài để chờ...

Thông toàn tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi đến TPHCM năm...

0
(SGTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị liên quan nỗ lực để chậm nhất là 30-6-2025 hoàn thành dự...

Chứng nhận carbon thấp trong du lịch lần đầu tiên được...

0
(SGTT) – Nhà hàng The Field Hội An tại tỉnh Quảng Nam có thể được xem là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du...

Kết nối