Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Mở rộng BHYT để giảm gánh nặng viện phí

MINH AN –

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay vẫn còn 21% người dân cả nước chưa có bảo hiểm y tế (BHYT), phần lớn là nông dân, ngư dân, lao động tự do… Những đối tượng này sẽ bị tác động mạnh khi Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng khoảng 30-50% với người không có thẻ BHYT vào đầu năm 2017. Vấn đề đang được Chính phủ chỉ đạo là cần đẩy nhanh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Người nghèo chưa muốn mua

tiep-nhan-ho-sodang-ky-bhyt-bhxh-tai-bhxh-tphcmTiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội TPHCM.

Trao đổi với nhiều người là lao động nghèo tự do, phần lớn họ cho biết chưa bao giờ mua BHYT. Đặc biệt, mua bảo hiểm theo diện hộ gia đình thì càng khó đối với những người nhập cư vào thành phố kiếm sống, chủ yếu ở nhà thuê, chưa có hộ khẩu.

Làm nghề lái xe ôm gần bốn năm nay ở gần Bệnh viện Gò Vấp, ông Nguyễn Thanh Hoàng, quê ở Quảng Nam, cho biết mỗi tháng thu nhập của ông được khoảng 4 triệu đồng, vợ ông thu nhập được 3,5 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà, tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tiền gửi về quê lo học hành, ăn uống cho ba đứa con, tính ra không còn dư được bao nhiêu. Nếu gói ghém lắm thì mỗi năm vợ chồng ông để dành được 10 triệu đồng.

Vì xoay xở chật vật như thế nên ông Hoàng cho biết vợ chồng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc mua BHYT cho mình. “Phải lo những cái thiết yếu của cuộc sống trước, lo cho con cái. Vợ chồng tôi còn khỏe, thỉnh thoảng ốm đau ra nhà thuốc mua mấy liều thuốc uống là xong, khi nào già yếu rồi thì tính đến mua bảo hiểm”, ông Hoàng nói.

Tương tự, chị Hoàng Thị Hương, quê ở Bình Phước, làm nghề giúp việc nhà mỗi tháng chỉ được 3,5 triệu đồng. Chồng chị là công nhân nhưng công ty cũng không có nhiều việc để làm. Do đó, đối với vợ chồng chị, mua BHYT là điều đắn đo. Cách đây hai tháng chị có ra phường mua BHYT nhưng nếu mua thì được yêu cầu mua cho cả hai vợ chồng, thấy nhiều tiền nên chị bỏ luôn không mua nữa.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay vẫn còn 21% người dân chưa tham gia BHYT, tương đương gần 20 triệu người, trong đó có khoảng 500.000 đến 600.000 người nằm trong nhóm cận nghèo chưa có thẻ BHYT.

Những nhóm người cận nghèo, những người lao động tự do có thu nhập thấp, thất thường cho biết họ phải dành tiền cho các nhu cầu cơ bản trước như bữa ăn hàng ngày, con cái đi học chứ họ chưa thể nghĩ đến việc mua BHYT.

Tạo điều kiện dễ hơn

Bộ Y tế đang dự kiến điều chỉnh viện phí ở nhóm không có BHYT vào đầu năm 2017, với mức tăng khoảng 30-50%, thậm chí nhiều dịch vụ có giá tăng gấp đôi. Hiện mức phí này mới chỉ áp dụng ở nhóm có BHYT. Như vậy, gánh nặng viện phí sẽ gia tăng rất lớn nếu người dân không mau chóng tham gia BHYT.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết cán bộ BHYT đã từng chứng kiến nhiều người dân nhập viện cấp cứu, điều trị bệnh hiểm nghèo nhưng không đủ tiền đóng viện phí. Có người đành bỏ bệnh viện về bốc thuốc nam, thuốc bắc, có người phải bán tài sản của mình, phải vay mượn để có tiền trả viện phí.

Theo tổng kết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí lần đầu điều trị nội trú ở các bệnh viện tuyến trung ương trong khoảng 10 đến 15 triệu đồng. Nếu có BHYT, người dân chỉ phải chi trả khoảng 5% đến 20% (500.000 đồng đến 2 triệu đồng), tùy theo mức hưởng. Đối với các trường hợp tai nạn nặng, bệnh hiểm nghèo, chi phí lần đầu điều trị có thể lên đến 300-400 triệu đồng, thậm chí gần 1 tỉ đồng.

Đối với nông dân, những người buôn gánh bán bưng, những người lao động nghèo… dù bán nhà cũng chưa chắc có được số tiền lớn như vậy. Với chi phí điều trị lớn, hầu như họ không có khả năng nếu như không có BHYT cùng chi trả.

Tuy nhiên, theo một cán bộ phường tại quận Gò Vấp, việc mua BHYT với người dân nhập cư, người ở trọ thì không dễ dàng gì, nhất là đối với người làm nghề lao động tự do. Để mua được BHYT hộ gia đình, họ phải có sổ tạm trú dài hạn (KT3) còn hạn sử dụng trong vòng hai năm. Những người chỉ có giấy xác nhận tạm trú thông thường thì không thể tham gia.

Mặt khác, việc mua BHYT theo hộ gia đình càng khó với những người lao động tự do có thu nhập thấp, bởi họ chỉ muốn mua BHYT cho người già, trẻ em, không có nhu cầu mua hết cho cả gia đình.

Vào đầu tháng 6 năm nay, Chính phủ đã có chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương mở rộng hệ thống đại lý bán BHYT, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân tích cực tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhằm đẩy nhanh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, như những người nghèo phản ánh, đời sống còn khó khăn nên việc mua BHYT vẫn còn xa vời. Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên có cơ chế thoáng hơn để giúp họ tiếp cận với BHYT dễ dàng, như có chính sách giảm giá, có quỹ tài trợ từ những nhà hảo tâm để giúp họ có thể mua được BHYT.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gợi ý 4 kiểu trang điểm nhẹ nhàng đi chơi cuối...

0
(SGTT) - Cuối tuần là dịp mà nhiều cô nàng dành thời gian cho những cuộc hẹn hay xuống phố dạo chơi. Một chút...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Ghé ‘xứ Tiên’ thăm làng cổ Lộc Yên

0
(SGTT) - Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, gây ấn tượng với du khách bởi những...

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Kết nối