Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Ký ức ảnh tết

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN –

Tết là một dịp để chụp ảnh gia đình. Chuyện mới mươi, hai mươi năm trước.

Nhà khá giả sẽ mời thợ về chụp một cuộn phim, rửa ra được 24 hoặc 36 pô tùy loại phim, nhà nghèo thì vài ba tấm. Nhưng cái chuyện giàu nghèo phân biệt không quá nệ nơi việc nhà này chụp được nhiều ảnh, nhà kia chụp được ít ảnh, mà biểu hiện nơi những tiêu dùng vật chất khác thiết yếu hơn. Chụp ảnh ngày tết, là ghi lại cảnh sum vầy, ít nhiều gì, ai nấy đều lấy dịp được lưu lại hình ảnh của mình cho sau này mà làm vui. Trong ảnh, ai cũng điệu bộ, sắp sửa ở tư thế đẹp nhất, đáng yêu nhất, cười nụ cười tươi nhất, bên hoa, bên lộc, bên người thân yêu của buổi tân niên. Nụ cười người giàu, nụ cười người nghèo khi ấy đều tươi mươi…

Ky-uc-anh-tet-1

Trên, tôi có nói đến từ pô. Có lẽ từ này sắp bị liệt vào tử ngữ, bởi trong thời đại ảnh số, ít ai còn dùng đến. Vậy trước khi nó bị đưa vào danh mục bị lãng quên, xin một lần truy tầm căn nguyên nguồn gốc như một sự an ủi cuối cùng cho một danh từ mà hàng thế kỷ đã trở nên quá ư quen thuộc. Hẳn, pô là từ phiên âm từ tiếng Tây. Tra từ điển, thấy pose trong tiếng Anh (đọc là pouz) có vài nghĩa liên quan tới chụp ảnh. Danh từ pose trong tiếng Anh mang nghĩa tư thế (chụp ảnh), kiểu (ảnh), làm điệu, thái độ màu mè. Động từ “to pose” trong tiếng Anh lại có nhiều nghĩa, nhưng cũng có hàm nghĩa về sự sắp đặt tư thế để vẽ, chụp ảnh mẫu. Trong khi đó, trong tiếng Pháp, pose (đọc là pôs) cũng có nghĩa là kiểu ảnh, tư thế làm điệu và sự phơi sáng. Có thể nói, về nghĩa, từ pô vay mượn từ tiếng Pháp lẫn tiếng Anh đều có lý. Riêng xét về phương diện ngữ âm, thì cách phát âm gần với tiếng Pháp hơn. Cho nên, cách nói “pô ảnh” có lẽ nằm trong hệ thống từ vay mượn tiếng Pháp, từ thời Pháp thuộc.

Lại nói tới việc chụp ảnh ngày tết. Chuyện kể trên cứ tưởng đâu xa lắm. Nhưng ngồi nhẩm tính ra, cũng chỉ cách đây chừng hai mươi năm trở về trước. Thời cái máy ảnh số và các thiết bị di động có chức năng chụp ảnh chưa thịnh hành, thời ký ức mỗi gia đình được lưu giữ trong những cuốn album hữu hạn, có thể nhận thấy sự tiến bộ chậm chạp của kỹ nghệ in tráng phim căn cứ trên chất lượng các bức ảnh được đặt bên nhau theo thời gian tuyến tính. Từ những bức đen trắng đã ngả vàng đến những bức, cũng đen trắng, nhưng giấy hình láng hơn, độ phân giải tốt hơn và sắc độ ảnh trường sâu hơn, rồi thời kỳ bắt đầu có ảnh màu với màu sắc theo tone của từng hãng ảnh đôi khi ít tính trung thực với cảnh thực, nhưng về sau thì nước màu ngày càng đẹp hơn, sống động hơn và thật hơn… Cuốn album từ đó không chỉ là nơi gìn giữ lại lịch sử của từng cá nhân, từng gia đình mà mang trong nó ký ức về một sự dịch chuyển trong kỹ nghệ nhiếp ảnh. Xa hơn nữa, nó phản ánh cái phương thức con người lưu giữ lại hiện thực cuộc sống của mình một cách tự nhiên nhất.

Chụp ảnh ngày tết có lẽ cũng là một thói quen, xa hơn, một tập quán có từ thời Pháp, ban đầu từ các gia đình khá giả ở đô thành, sau mới đến những nhà nơi thôn quê cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của chiếc máy ảnh chụp phim và xuất hiện nghề thợ ảnh, những lab rọi tráng, sang ảnh công nghệ ngày càng hiện đại.

Ky-uc-anh-tet-2

Những bức ảnh gia đình Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 với nước ảnh đen trắng lưu lại trong các album gia đình thường chụp vào các dịp quan trọng, như lễ cưới hỏi, lễ thôi nôi thành viên mới trong gia đình, tang chế và nhiều nhất là ảnh chụp ngày tết. Ảnh sum vầy, ảnh chụp cho người già gần đất xa trời để lưu lại làm di ảnh thờ, ảnh trẻ con có quần áo mới, ảnh người lớn biểu hiện tình cảm hạnh phúc bên nhau… thôi thì đủ kiểu, đủ mục đích nhưng chung quyết vẫn là lưu lại cho muôn sau hình ảnh hiện tại.

Chiếc máy ảnh, biểu tượng đầy lung linh của tiến bộ kỹ thuật đến từ phương Tây đã tham gia vào phong tục tập quán ngày tết truyền thống Việt Nam một cách nhẹ nhàng êm thắm như thế. Chưa nói, cái việc sắp đặt trong mỗi bức ảnh có khi lại làm cho không khí gia đình ngày đầu năm xôm tụ vui vẻ, làm cho con người xích lại, gần nhau, chạm vào nhau. Có chuyện vợ chồng lạnh nhạt cả năm trời, đến ngày mùng hai tết, ông thợ ảnh tới nhà, bảo đứng nghiêng đầu vào nhau, tay choàng vai nhau, cùng mỉm cười nhìn về một hướng (ấy là hướng ống kính máy ảnh)… chụp xong bức ảnh, da chạm da, tóc chạm tóc trong niềm vui chung, vợ chồng lại bén hơi. Rồi chuyện con nít gây gổ không nhìn mặt nhau, vậy mà trước ống kính, nước mắt gạt xuôi, nụ cười bừng lên, tình anh em sau một bức ảnh được lưu lại thật đẹp, đến độ mỗi khi giận hờn hơn thua, người ta lấy cuốn album mà ngó vào, lại thấy gắn bó, thấy yêu thương, thấy tình thân lại về… Chiếc máy ảnh, ông thợ ảnh, những tấm ảnh đi vào đời sống mỗi gia đình thời kỳ ảnh phim là như thế.

Một trong những điều thú vị nữa, đó chính là ngày trước ảnh phim chỉ chụp được giới hạn (phần vì chụp nhiều tốn tiền mua phim, tráng rọi phim, phần phụ thuộc ông thợ ảnh), cho nên, những bức ảnh trong album cực kỳ quý hóa. Album ảnh là một trong những tài sản quý của mỗi gia đình. Nó là kho tàng lưu giữ của ký ức. Nó giữ lại bóng hình thân thuộc của tiền nhân, ông bà cha mẹ, người thân thuộc khi không ai có thể vượt qua được quy luật sinh tử của cuộc đời.

Chính vậy mà trong thời loạn lạc, người ta ngược xuôi tìm nơi an trú, mạng sống con người bị đe dọa, nhưng trong những chiếc rương người ta cõng trên vai, bao giờ cũng có cuốn album gia đình. Người ta quay quắt khi những bức ảnh hiếm hoi kỷ niệm ngày cưới, ảnh ghi lại gương mặt cha mẹ mình, ông bà mình, con cái mình bị mất đi. Người ta muốn nhớ hình ảnh một người bạn cũ, sẽ buồn biết mấy nếu bức ảnh duy nhất ấy đã thất lạc. Những bức ảnh hỗ trợ và cộng hưởng với trí nhớ của mỗi người, làm giàu cho kho tàng ký ức, kho tàng tình cảm qua tháng năm. Mất chúng, là mất đi manh mối tìm về, mất đi một phần hoài niệm, mất đi một mảnh di chỉ làm nên lịch sử đời mình. Vậy là giữ lại, níu lại, như không thể bứt lìa quá khứ. Như không thể thiếu vắng quá khứ. Như minh chứng rằng, dù thời gian nào, con người cũng sống trong hai chiều của ngưỡng vọng và hoài vọng.

Những cuốn album mở ra là mở ra trong tâm thức một chiều thời gian đi về quá vãng. Mình của hôm qua, người thân yêu của hôm qua. Tất cả còn đó, hoặc đã khác, hoặc đã đi vắng trong dâu bể cuộc đời. Sương mù ký ức luôn phong tỏa quanh những cuốn album, kéo ta về với quá khứ, với cảm thức độ lượng trước mọi nhỏ nhặt tầm thường, với sự bao dung của một độ lùi trải nghiệm và với sự bùi ngùi chiêm ngắm thời gian…

Những cuốn album gần như biến mất trong đời sống xã hội công nghệ số. Trên tay mỗi người là iPad, smartphone, những chiếc máy ảnh kỹ thuật số với độ phân giải cao. Ông thợ ảnh năm xưa giải nghệ. Những album số được đưa lên đám mây của thời đại big data (dữ liệu lớn). Chúng ta chụp ảnh dễ dàng hơn, ảnh nhiều hơn, mọi góc cạnh, ký ức được ghi chép một cách chi tiết, được lưu giữ bền vững hơn, không bằng những mảnh giấy ảnh, những pô ảnh cổ điển mà bằng những folder trên máy tính, trên điện thoại, trên mạng xã hội… Chúng ta thay đổi góc nhìn ở chỗ chụp khung cảnh, nhờ người khác chụp mình, mà công nghệ số sẽ đẻ ra những hình thức pose mới, như selfie. Selfie mọi góc độ. Ảnh số kéo chúng ta về phía trước thay vì đắm mình trong hoài niệm. Ảnh được sản xuất liên tục, tư liệu cá nhân được công khai khóa, công cộng hóa qua một cú nhấp chuột. Nhanh. Mọi nơi mọi lúc. Mọi hiệu ứng. Ảnh số cho ta không chỉ sự trung thực mà cả những hiệu quả như ý. Chúng ta tràn ngập trong thế giới hình ảnh.

Nhưng rồi thử hình dung xem, một trăm năm nữa, điều gì sẽ lưu lại? Lúc đó, hẳn sẽ vẫn cần đến quyển album gia đình có từ thời ông bà nội chúng ta, và cả những đám mây ảnh bay lờ lững, trong đó có những thứ làm ta giật mình: lúc nào đó mình có chụp những bức ảnh này sao, ở đâu, với những con người xa lạ nào đây? Điều gì cần lưu lại, điều gì cần xóa bớt để lịch sử được gạn lọc, tiết chế, một cuộc đời được trình thuật lại một cách mạch lạc hơn?

Thời đại hình ảnh số hóa cho ta nguồn cảm hứng bất tận, giải phóng niềm vui và sự gắn kết với đời sống. Mỗi người sẽ có một lịch sử đẹp và đầy đủ hơn qua những cuốn album số được cập nhật hàng ngày. Sự thỏa mãn đến nhanh hơn và đi nhanh hơn để nhường chỗ cho những tình cảnh hưng phấn khác hiện hữu trong đời sống.

Tôi ngồi nhớ ông thợ ảnh đạp xe lọc cọc với cái túi xách đen đạp qua ngõ nhà mình vào mỗi mùng hai tết. Bọn trẻ xúng xính quần áo đẹp chờ những bức ảnh đẹp. Ông bà tôi mang áo dài truyền thống, đội khăn đóng nhìn sâu vào màn trập như nhìn vào cõi thiên thu hun hút. Cả nhà sẽ quây quần ở trước bàn thờ. Một, hai, ba… Tiếng màn trập máy ảnh đánh “tách”.

Khi đó, thời gian vẫn đang trôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Kết nối