Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Khi mạng là ông tơ, bà nguyệt

PHƯƠNG ANH  –

Xu hướng Internet kết nối mọi thứ (Internet of Things – IoT) thực sự đã có một bước tiến vượt bậc trong năm 2015 không phải nhờ sự gia tăng về số thiết bị kết nối được tiêu thụ mà nhờ ở tính ứng dụng của nó trong đời sống, khiến chúng ta thay đổi cách thức làm việc và cả chuyện đi tìm một nửa của mình.

Theo ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc mảng phần mềm và điện toán đám mây của IBM Việt Nam – có nhiều lý do chính khiến IoT phổ biến hơn trong năm qua và các nhà sản xuất sẽ cho ra đời nhiều loại thiết bị đầu cuối kết nối với nhau (connected devices) không chỉ “biết” đưa ra lời cảnh báo về điều gì đó bất thường mà còn chỉ ra điều cần làm trong tình huống cụ thể. Câu hỏi đặt ra là trong một môi trường thông minh, kết nối mà IoT tạo ra, người ta làm việc có vui vẻ hơn không và họ tìm đến nhau ra sao?

Giúp con người làm được nhiều việc hơn

Huỳnh Bội, một người bạn ở Mỹ, nói chị có một “bản sao” của công ty mẹ ngay tại nhà, ngày ngày chị làm việc mà không cần phải đến công ty. Bội cho biết, mọi công việc đều do chị sắp xếp dựa trên lịch làm việc chung của công ty và lịch sinh hoạt của gia đình… Cứ vậy mà làm theo thứ tự ưu tiên: công việc trước, chuyện nhà sau. Chồng chị còn có thâm niên làm việc ở nhà cả năm năm qua, chỉ khi có những cuộc họp quan trọng thì anh mới phải đến công ty.

tablet-love

Trong nhà của anh chị có phòng làm việc riêng với đầy đủ các thiết bị kết nối với nhau qua mạng Internet, từ máy tính cá nhân với những phần mềm công ty, kể cả ứng dụng hội họp từ xa cho đến máy in, máy quét, máy chiếu… và chỉ nhấp chuột để vào các chương trình làm việc. Muốn đồng nghiệp trong nhóm góp ý kiến cho bản kế hoạch đang làm dở, chị kết nối với họ và chia sẻ (share) bản kế hoạch đó lên màn hình máy tính của đồng nghiệp. Những nội dung được thêm vào hay chỉnh sửa đều được thực hiện gần như tức thời trên màn hình của cả hai người. Ngắt kết nối cũng là lúc bản kế hoạch đã được làm xong và sếp của chị chỉ cần kết nối vào mạng để xem mà không cần chị phải gửi file tới lui như trước đây.

Phương thức làm từ xa mang lại cho công ty và người làm nhiều lợi ích rất thiết thực. Sếp có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên màn hình để hội ý (hay kiểm tra) với bất cứ nhân viên nào nên không có chuyện bỏ việc chung làm việc riêng. Nhân viên không phải mất nhiều thời gian để đi và về mỗi ngày, lại được chủ động sắp xếp thời gian làm việc và ổn định cuộc sống riêng. Điều cần thiết là nhân viên phải tự giác và phải có trách nhiệm trong công việc của mình; một phần khác là công ty cũng có những thước đo thẩm định khá chính xác về chất lượng công việc của nhân viên và sẵn sàng sa thải người làm việc kém hiệu quả.

Chuyện làm việc từ xa thực ra đã có từ chục năm nay rồi. Số công ty thành công với chính sách này cũng nhiều và số công ty gặp phải thất bại cũng không hẳn là ít. Theo tạp chí Computerworld, chính sách này thành công nhờ dựa trên một bản thỏa thuận đôi bên – công ty và nhân viên – đều có lợi về các điều khoản quy định về cách thức làm việc, liên lạc, sự đánh giá hiệu quả của công việc, mức lương, tiền thưởng cũng như các quyền và nghĩa vụ của đôi bên, cách xử lý khi phát sinh mâu thuẫn. Có điều là ngày nay thì tốc độ làm việc nhanh hơn, khối lượng công việc được xử lý nhanh hơn và hiệu suất công việc cũng cao hơn nhiều dù nhân viên làm việc ở bất cứ đâu. Và tùy thuộc vào quan điểm của ban lãnh đạo công ty, chính sách tái đầu tư hay còn gọi là “bù đắp” cho nhân viên, kể cả lương – thưởng ở mỗi công ty một khác nhau. Đó cũng là lý do mà ở công ty này nhiều nhân viên yêu thích, muốn gắn bó, còn ở công ty kia nhân viên thấy bị “bóc lột” không thích ứng được dẫn đến bỏ việc. Sự mất cân đối trong cung-cầu về nguồn nhân lực khó giữ được.

Thay đổi cách tìm nhau

Nhà nhân chủng học Helen Fisher trong một lần trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN có nói: “Tình yêu không bị thay đổi bởi công nghệ mà công nghệ đang thay đổi cách chúng ta tìm đến nhau”. Câu chuyện của một người bạn của tôi là một ví dụ. Là một hướng dẫn viên du lịch phải đi nhiều, cô bạn dù cố gắng vẫn chưa tìm được một đối tượng hẹn hò phù hợp. Rồi nhờ lập trang Facebook, cô viết lên đó những suy nghĩ của mình về bạn bè, về những điều xảy ra chung quanh. Cô cũng chia sẻ hình ảnh về đất nước, con người và những người bạn mới ở những nơi cô từng đi qua. Những người bạn có cùng sở thích lại theo chân những người bạn của cô vào bình luận (comment), nhiều trong số đó đã trở thành bạn bè thân thiết ngoài đời. Về sau, trong số những người này, có một người đã là “nửa kia” của cô và hiện cô đã sang Đức cùng với chồng. Trường hợp của cô hướng dẫn viên du lịch này không phải là hiếm gặp trong xã hội hiện nay khi Internet đang là chiếc cầu nối của mọi người trên thế giới.

Cũng là tìm nhau, nhưng nhiều bạn trẻ Việt Nam gần đây chọn cách “yêu ảo”. Họ làm quen qua Facebook và nhiều trang mạng hẹn hò khác, chia sẻ vài bức hình, khi thấy “được mắt” nói chuyện qua lại, bày tỏ tình cảm qua Facebook, Viber, Skype… Nhiều sinh viên cho biết cùng một lúc từng “yêu ảo” đến hai ba người – có cả người nước ngoài – rồi những người này cũng không còn nữa khi các cô đi lấy chồng. Chuyện tìm nhau để gầy dựng một tình yêu ảo này cũng chen chân vào các cặp vợ chồng người Việt, khiến mối quan hệ của họ bị rạn nứt khi một trong hai phát hiện ra một nửa của mình còn có một mối tình qua mạng.

Cứ nhìn hàng danh sách dài những ứng dụng và trang web hẹn hò trực tuyến thì biết. Những ứng dụng như Tinder, Grindr, OkCupid, Bumble, Hinge… đang thay đổi cách mà mọi người tìm kiếm tình yêu và bạn đời. Với giao diện bắt mắt, Tinder giúp người sử dụng có thể định vị vị trí, từ đó tìm kiếm những đối tượng thích hợp gần nhất. Theo trang web của ứng dụng hẹn hò Tinder, trung bình một người sử dụng đăng nhập vào ứng dụng của công ty khoảng 11 lần mỗi ngày. Ứng dụng này có đến 40 triệu lượt tải về sau hai năm ra mắt, mỗi ngày ghép đôi 14 triệu cặp và được định giá 1,6 tỉ đô la.

Cách người yêu nhau tìm ra nhau cũng có sự thay đổi nên sự biểu hiện tình yêu bây giờ cũng khác với mười năm trước. Những đôi tình nhân bận rộn – lúc đó ít khi gặp mặt nhau vì ở xa nhau, vì tính chất công việc khác nhau – thường làm lụng suốt ngày và tối đến mới hò hẹn với nhau bằng cách nhắn tin qua điện thoại di động. Họ tốn nhiều tiền cho khoản mà họ gọi đùa là “tình phí” trả cho nhà mạng nên vì vậy họ chỉ nói những lời yêu… ngọt ngào. Giận nhau cũng ít vì ít người biết đến nội tình, không có ý kiến của bạn anh, bạn em và cơ bản là có niềm tin vào nhau.

Thời IoT, những người đang yêu bận rộn hay ít bận rộn cũng “cởi mở” hơn khi bày tỏ tình yêu, họ đưa đều đặn thông tin và hình ảnh, lời nói với nhau, quà gửi cho nhau… cả chuyện giận nhau lên mạng xã hội. Ngay cả những người thuộc vào hàng “tình đầu” của nhau lâu rồi gặp lại trên Facebook cũng chịu nhiều phiền toái. Một cuộc gặp mặt sau nhiều chục năm tốt nghiệp cấp ba diễn ra tưng bừng. Khỏi phải nói bạn bè vui cỡ nào khi hơn hai chục năm mới gặp lại nhau, hàn huyên đủ chuyện rồi chụp hình… Tất cả đều được đưa lên Facebook nhiều đến nỗi bạn bè ở xa nửa vòng trái đất không về dự được cũng xem news feed cập nhật mà tưởng như mình đang trong cuộc, vui cười chảy cả nước mắt. Cuộc gặp mặt thật khép lại mở ra một cuộc gặp mới trên mạng xã hội, bạn bè dù ở đâu xa cũng có thể nói chuyện trực tiếp như đang ngồi đối diện nhau, vui hơn tết. Nhưng một số người không vui, đó là khi những tấm ảnh thân mật giữa các bạn học được post lên cùng một lúc với những tấm ảnh cũng thân mật không kém chụp lúc cao trào của buổi gặp mặt. Hậu quả là nhiều cô vợ trẻ nổi máu ghen tuông, bắt chồng phải đóng trang Facebook.

Người đang yêu thời IoT “nói” chuyện riêng với nhau qua Messenger, hay Viber và Zalo, khoản “tình phí” có ít đi, nhưng mất nhiều thời gian cho những việc nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí này. Giận nhau khi yêu, người ta giống nhau ở chỗ là tìm cách làm hòa càng sớm càng tốt. Nhưng mười năm trước, người ta còn nhắn tin và gửi e-mail, hoặc tìm tới tận nhà nhau để giải bày – một phần nào đó cách này giúp họ bình tĩnh khi nói. Thời bây giờ, họ gọi điện thoại Viber cho nhanh (miễn phí mà, không được thì mới gọi di động có tính phí). Đúng là một cách phản ứng nhanh, nhưng không mang lại hiệu quả do tâm trạng nóng nảy nên nói sai ý và có khi không giải quyết được mâu thuẫn mà còn làm tình hình thêm căng thẳng.

Công nghệ sẽ còn thay đổi nữa nhưng nếu nó có thể làm thay đổi cách con người làm việc, cách đi tìm một nửa yêu thương của mình… thì bạn vẫn là người chịu trách nhiệm cho việc mình làm, việc chọn người bạn đời phù hợp – điều mà máy móc dù thông minh, dù hiện đại cũng không thể thay thế được bạn.

[box] Những trang web hẹn hò

Tại Việt Nam, bên cạnh tính năng tìm kiếm bạn bè dựa trên vị trí địa lý đã được tích hợp trên các ứng dụng OTT (nhắn tin miễn phí) như Zalo, BeeTalk, Ola và Twoo, có thể kể đến ứng dụng như:

Paktor dành cho người châu Á. Paktor cho phép người sử dụng nhấn nút “Thích” một người và người được “Thích” sẽ hoàn toàn không biết cho đến khi người ấy chủ động “Thích” lại. Lúc đó, một cuộc hội thoại riêng tư giữa hai người mới bắt đầu.

Vietnamcupid.com – trang web hẹn hò cho người độc thân Việt Nam.

Docthan.com – dành cho người độc thân muốn tìm bạn đời một cách nghiêm túc.

Henho.org – cho tất cả mọi người từ trẻ tuổi, trung niên đến lớn tuổi…

Likeyou.vn – dành cho thanh thiếu niên với giao diện trẻ trung.

Amoory.com, Match Việt Nam, Badoo – dành cho người Việt Nam muốn kết bạn nước ngoài (có hỗ trợ giao diện tiếng Việt).

Ở nước ngoài, hầu hết các ứng dụng hẹn hò đều tìm kiếm người phù hợp dựa theo vị trí địa lý, giới tính, độ tuổi và sở thích. Hiện nay, có nhiều ứng dụng còn đưa ra những gợi ý tìm kiếm dựa trên nghề nghiệp, thu nhập, mục đích…

Hinge kết nối người sử dụng dựa trên hai yếu tố: khoảng cách địa lý hẹp và kết nối bạn của bạn bè bằng cách sử dụng dữ liệu từ Facebook để tạo ra các mối quan hệ gần gũi và trực tiếp hơn. Đặc biệt, Hinge còn hiển thị tình trạng quan hệ của một người nhờ vào kết nối với Facebook nhằm lật tẩy những người muốn giả dạng tình trạng độc thân với mưu đồ bất chính.

Bumble nhấn mạnh vào tính an toàn và cho phụ nữ mới có quyền bắt đầu các cuộc trò chuyện và các chàng trai là người phải chờ đợi để được ngỏ lời.

AirDates và Miss Travel dựa trên khoảng cách địa lý để tìm kiếm người đồng hành đi du lịch. AirDates giúp khách du lịch trong cùng sân bay làm quen với nhau và cho phép họ tiếp tục trò chuyện trong suốt chuyến bay mà không cần kết nối Wi-Fi. Còn Miss Travel giúp bạn tìm kiếm người đồng hành để cùng lên kế hoạch và chia sẻ chi phí cho chuyến đi.

tablet-loveThe League, Luxy là ứng dụng dành cho người giàu, chỉ kết nạp thành viên là những người giàu hoặc phải là người đang theo học trong nhóm các trường đại học tại Mỹ.[/box]

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Lễ 30-4, cơ sở lưu trú chờ khách ‘chốt’ phòng giờ...

0
(SGTT ) – Mặc dù kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới kéo dài đến 5 ngày, nhưng nhiều cơ sở lưu trú...

216 doanh nhân sẽ tranh tài ở Giải golf Lương Văn...

0
(SGTT) - Giải golf Lương Văn Can 2024 lần đầu tiên tổ chức sẽ diễn ra tại sân golf Tân Sơn Nhất vào ngày...

Kết nối