Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Khởi nghiệp từ lớp vẽ “siêu tốc”

Khiết An

Tại TPHCM, một số lớp dạy vẽ  “siêu tốc” được mở ra trong thời gian qua đã thu hút khá đông học viên – những người lựa chọn hình thức này như một cách thư giãn cuối tuần. Đến đây, người tham gia sẽ hoàn chỉnh một bức tranh trong vòng 3-4 giờ đồng hồ, với chi phí 300.000-400.000 đồng.

6Học viên được hướng dẫn vẽ giống tranh mẫu trong 3-4 giờ.

Học xong đem tranh về

Một buổi sáng cuối tuần, sau khi cùng đọc to “tôi sẽ không chê tranh tôi xấu, không uống nhầm nước rửa cọ”, anh Ngô Huỳnh Trọng, 28 tuổi, người hướng dẫn của lớp vẽ Tipsy Art (quận 1), bắt đầu thu hút sự chú ý của học viên vào bức tranh chủ đề biển. Gần 30 học viên nhiều độ tuổi chăm chú lắng nghe về bố cục tranh, cách pha màu để vẽ phần chân trời, rồi đến sóng biển, hai chú chim… Mỗi khi chỉ dẫn xong một phần của bức tranh, anh Trọng để học viên tự thao tác trong vài phút, rồi tiếp tục các phần khác cho đến khi tranh hoàn thành.

“Ngoài tôi là hướng dẫn chính, có bốn bạn phụ giải đáp thắc mắc cho người học, đưa màu vẽ… Trong lúc vẽ, chúng tôi khuyến khích người học sáng tạo tranh theo ý thích, không cần giống y đúc tranh mẫu”, anh cho biết.

Mỗi buổi học ở Tipsy Art là mỗi bức tranh khác nhau với các thể loại từ phong cảnh, tĩnh vật, đến chân dung, trừu tượng… Không gò bó, học viên thoải mái đi lại trong lớp, bàn luận về tranh và cách vẽ. “Các bạn hướng dẫn rất tận tình. Tranh tươi sáng và không quá khó vẽ. Đi vẽ như vậy đầu óc thoải mái hẳn, vẽ xong đợi tranh khô rồi đem về treo luôn”, chị Thanh Thùy, một học viên nhận xét.

Không gian vẽ của lớp PPA ở quận Bình Thạnh khá thoáng đãng với 15 học viên đang tỉ mẩn vẽ bức tranh hoa lá mùa xuân. Em Triệu Nhi, 12 tuổi, đi cùng mẹ và chị gái, líu lo: “Con vẽ ở đây ba lần rồi, tha hồ pha màu theo ý thích. Mấy tranh này con sẽ đem tặng bạn con”.

Anh Huỳnh Phương, 29 tuổi, người phụ trách lớp vẽ, cho biết mỗi tháng anh mở 2-3 lớp để thử nghiệm mô hình này. “Mỗi tuần chúng tôi đăng một bức tranh mẫu lên Facebook, người học nếu thích sẽ đăng ký tham gia. Khách đăng ký nhiều lúc đông quá, nhưng chúng tôi chỉ giới hạn 15 người một lớp để đảm bảo chất lượng học, ai đăng ký sau sẽ được chuyển sang buổi khác”, anh nói.

 1Lớp học vẽ “siêu tốc” thu hút nhiều người tham gia mỗi cuối tuần.

Khởi nghiệp… liều lĩnh

Mô hình lớp vẽ nói trên còn khá mới, hiện ở TPHCM chỉ có vài người mở lớp như thế. Mới nhìn qua ai cũng nghĩ việc mở lớp đơn giản, bởi chỉ là thuê không gian, bày biện dụng cụ vẽ, hướng dẫn học viên… Thế nhưng, nghe câu chuyện của những người đi theo mô hình này thì thấy rằng có sự đầu tư khá nghiêm túc.

Lấy ý tưởng từ mô hình vẽ thư giãn ở một số nước phương Tây, Tipsy Art đã mở lớp vẽ tại Hà Nội khoảng hai năm trước với lượng học viên ít ỏi. Theo anh Lưu Nguyễn Hải Triều, người phụ trách Tipsy Art Sài Gòn, để mô hình phù hợp với Việt Nam, Tipsy Art đã điều chỉnh thể loại tranh. “Tranh ở các lớp vẽ nước ngoài đa số đơn giản, có khi chỉ là những nét ngẫu hứng, khổ tranh nhỏ vì người học chủ yếu muốn xả stress. Về Việt Nam, khổ tranh lớn hơn, mức độ phức tạp của tranh đôi khi quá sức người vẽ, nhưng họ thích vì còn đem về treo hoặc tặng”, anh nói. Cùng với sự chăm chút về không gian vẽ, cách phục vụ học viên, lớp vẽ đông dần cũng là lúc Tipsy Art nâng tầm thành công ty và mở chi nhánh ở Sài Gòn.

Theo anh Triều, việc khó nhất khi mở các lớp vẽ là chọn tranh. Anh cho biết: “Chúng tôi phải tạo sẵn nguồn tranh phong phú, có những tranh theo dịp, theo mùa như trung thu, lễ tết, nghỉ hè… Những tranh này đa số do người của chúng tôi vẽ mẫu, đòi hỏi ý tưởng phong phú”. Vì các lớp vẽ của Tipsy Art “lưu động” nên những người phụ trách phải tìm kiếm những quán cà phê có không gian độc đáo, mới lạ để học viên không thấy nhàm chán.

Lựa chọn khởi nghiệp của Tipsy Art cũng khá liều lĩnh. Anh Triều cho biết, vì là một trong những nhóm đầu tiên mang mô hình này về Việt Nam nên gặp nhiều khó khăn cả về nhân sự, điều hành công ty lẫn lợi nhuận ban đầu. “Thế nhưng mô hình này cũng thú vị, chúng tôi gắn kết như người thân và học được rất nhiều kinh nghiệm. Mỗi người giờ đây đều rành rẽ việc quảng bá, chăm sóc khách hàng, thậm chí cả việc… lau chùi sàn nhà sau khi lớp học kết thúc”, anh nói. Anh còn dự tính đưa Tipsy Art ra Đà Nẵng.

Còn chị Tạ Bạch Dương, phụ trách lớp vẽ Tipsy Paint ở quận 1, TPHCM, cho biết sau hơn một năm mở các lớp vẽ, hiện nay trung tâm của chị mỗi tuần tổ chức bốn buổi. “Chỉ cần từ 5 người đăng ký chúng tôi sẽ mở lớp, vì học viên ít thì mức độ truyền đạt càng hiệu quả. Trước đây chúng tôi cũng thuê chỗ ở quán cà phê, nhưng nay đã có địa điểm cố định”, chị nói.

Những người phụ trách ở Tipsy Paint đều đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, riêng chị Dương đã hoàn thành chương trình cao học. Chị cho biết lớp cố gắng trong thời gian ngắn chỉ cho học viên các kiến thức cơ bản về vẽ. Các lớp vẽ của chị có khi kéo dài đến 5-6 giờ để học viên thoải mái vẽ.

Đối với anh Huỳnh Phương, người phụ trách lớp vẽ PPA, việc mở lớp vẽ mà anh gọi là “event cuối tuần” chỉ là một trong những hoạt động của trung tâm, bên cạnh các lớp vẽ cơ bản. Anh cho biết học viên lớp vẽ “siêu tốc” đa số biết đến lớp do bạn bè từng học ở đây giới thiệu. “Mô hình này cũng khá thú vị khi bạn có thể vẽ được tranh trong thời gian ngắn mà không cần am hiểu hội họa. Tuy nhiên, để mô hình này bền vững, cần đa dạng nguồn tranh hơn nữa”, anh nói.

 

Bài toán kinh doanh

Cũng như những loại hình kinh doanh mới, để lớp vẽ tranh tồn tại được, người mở lớp phải dày công chăm chút từ những điều nhỏ nhặt. Học phí 300.000-400.000 đồng/người là bài toán chi phí, bao gồm mua tấm toan vẽ, màu, thuê không gian, trả công cho người phụ trách lớp và những người phụ việc, lo thức uống cho khách…

Ngoài việc chạy quảng cáo trên mạng, những lớp vẽ tranh này thu hút người học chủ yếu qua Facebook. Người mở lớp vẽ phải chăm chút trang fanpage của mình rất kỹ. Mở lớp mới là phải đăng tranh lên từ đầu tuần, chốt số lượng học viên, trả lời thắc mắc. Trong khi các học viên vẽ, người phụ trách sẽ tranh thủ chụp hình lại rồi đăng tải trên Facebook như một cách cảm ơn người học. Với những tranh quá phức tạp, đôi khi người hướng dẫn phải giảm bớt chi tiết.

“Người hướng dẫn phải là người biết dẫn dắt học viên. Có một số họa sĩ cộng tác với chúng tôi rồi rời đi vì họ có tay nghề nhưng lại không biết cách truyền cảm hứng cho học viên”, anh Triều nói.

[box] Chỉ là vẽ giải trí

Học viên đến với các lớp vẽ này dễ có tâm lý sẽ biết cách vẽ sau một vài buổi. Tuy nhiên, theo chị Tạ Bạch Dương, phụ trách lớp vẽ Tipsy Paint, các lớp vẽ này chỉ có tác dụng giải trí, khơi gợi niềm yêu thích hội họa trong mỗi người. Để hiểu được cơ bản về hội họa, người học phải trải qua các lớp vẽ cơ bản để học về thể loại, bố cục, màu sắc… ở các trung tâm giảng dạy chuyên nghiệp. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân trở lại TPHCM sau dịp lễ: cửa ngõ đông...

0
(SGTT) – Chiều 1-5, người dân ở các địa phương bắt đầu trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận của Sài...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Xe điện hết nóng

0
(SGTT) - Tesla được xem là "hàn thử biểu" đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước,...

Gói tín dụng nhà ở xã hội 125.000 tỉ đồng mới...

0
(SGTT) - Sau đúng một năm triển khai, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội,...

Váy búp bê – xu hướng hot trong thời trang hè...

0
(SGTT) - Váy búp bê hay babydoll là một trong những xu hướng thời trang được ưa chuộng trong mùa hè năm 2024. Kiểu...

Du lịch lễ 30-4: Lượng khách tăng cao tại nhiều địa...

0
(SGTT) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng một số địa phương như...

Kết nối