Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Hàng trả góp TPHCM về miền Tây

QUỐC ANH –

Trong vài tháng trở lại đây, ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, dịch vụ bán hàng trả góp nở rộ, với hàng hóa chủ yếu là hàng điện máy từ TPHCM đưa về. Những người bán hàng trả góp cho rằng dễ kiếm sống với công việc này song vẫn lo là dễ bị… “quỵt”.

Giá cao bù đắp rủi ro

Để hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh này, người viết đã “đầu quân” cho một nhóm người, nhận là nhân viên của Công ty H. ở TPHCM chuyên buôn bán hàng điện tử, điện lạnh. Ông M., trưởng nhóm bán hàng khu vực miền Tây Nam bộ của công ty nói trên, cho biết nhóm có 10 người, gồm bảy người chuyên đi phát tờ rơi quảng cáo, còn ông và hai người khác làm tư vấn bán hàng.

Hàng trả góp của công ty H. gồm ti vi, ampli, đầu máy video, tủ lạnh, tủ đông, máy tính, máy lạnh, máy giặt, máy nước nóng… Khách hàng sau khi xem tờ rơi, nếu có nhu cầu thì gọi điện thoại, tư vấn bán hàng sẽ đến ngay để tư vấn và xem nhà, xem khả năng trả tiền của khách. Nếu mỗi tháng doanh số bán hàng trên 1 tỉ đồng, ông M. nói rằng cả nhóm được thưởng trên 50 triệu đồng. Trong tổng số tiền này, trừ đi chi phí in tờ rơi, xăng xe, ông M. phải chi ra khoảng 35-40 triệu đồng cho các thành viên trong nhóm.

Những tờ rơi quảng cáo nêu rõ số tiền trả góp rất thấp để thu hút khách hàng.
Những tờ rơi quảng cáo nêu rõ số tiền trả góp rất thấp để thu hút khách hàng.

Giá bán các mặt hàng trả góp của các công ty dạng này hiện cao hơn giá bán tại các siêu thị, cửa hàng điện máy tại các tỉnh, thành 30-40%. Ví dụ, tủ lạnh Sanyo loại 120 lít của Nhật Bản, giá bán trả góp qua công ty H. là 6,14 triệu đồng. Khách hàng sẽ trả trước
290.000 đồng và nhận máy. Sau đó, cứ mỗi tuần khách trả thêm 150.000 đồng và trả trong vòng 39 tuần. Trong khi đó, giá mua tủ lạnh này bằng tiền mặt tại một siêu thị điện máy ở thành phố Cần Thơ là 4,2 triệu đồng. Nếu mua trả góp tại siêu thị, tổng số tiền sau khi hết thời hạn trả góp cũng chỉ gần 5 triệu đồng. Các mặt hàng như ti vi, máy giặt, máy lạnh cũng vậy. Nếu so sánh với giá mua bằng tiền mặt thì hàng của công ty H. cũng cao hơn 30-40% so với hàng của các siêu thị điện máy trên địa bàn.

Theo một người làm trong nghề này, việc giá bán đến tay khách hàng cao hơn giá tại các siêu thị vì bên bán phải bù chi phí đi lại mỗi tuần đến nhà khách hàng thu tiền trả góp. Mặt khác, loại hình này phải bán qua nhiều tầng lớp và như vậy hoa hồng cũng chia nhiều tầng. Cuối cùng, mức chênh lệch được xem như quỹ dự phòng vì khi khách hàng không tiếp tục trả, người bán phải đền bù cho công ty.

Với khách hàng, việc mua trả góp qua các công ty như nói trên thì dễ hơn mua tại các siêu thị. Theo đó, họ chỉ cần trả trước số tiền khoảng 5% giá trị máy cho lần đầu tiên trong khi con số này nếu mua trả góp qua hệ thống siêu thị thì 20-30%. Thêm vào đó, các công ty bán hàng trả góp tận nhà này không đòi hỏi thật chi tiết các giấy tờ, thủ tục để chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ, có công ăn việc làm…

Ngán bị “quỵt” tiền góp

Cũng theo ông M., mỗi tháng nhóm của ông bán 300-500 món hàng điện máy với tổng doanh thu khoảng 1,5-2 tỉ đồng. Trừ hết chi phí hoa hồng, thưởng và lương nhân viên, ông còn khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu trường hợp khách hàng “quỵt” tiền góp, trưởng nhóm phải có trách nhiệm đền cho công ty.

Theo lời ông này, tính trung bình, hiện nay tỷ lệ quỵt nợ tăng 10-20%, thậm chí lên đến 30% trên tổng số hàng bán ra. Khi quỵt nợ, khách hàng trốn không gặp mặt người thu tiền thường kỳ, họ tắt điện thoại và nếu gặp thì họ hẹn lần hẹn lựa. “Với những khách hàng không có khả năng trả nợ, họ sẵn sàng hẹn và cuối cùng thì chỉ cười trừ, thậm chí có người còn nói thẳng ra là đã cầm ti vi mua trả góp do không tiền”, ông M. nói.

Ông Ph., một nhân viên thu tiền trả góp trong nhóm bán hàng cho một công ty kinh doanh hàng điện máy tại TPHCM nói: “Bán hàng trả góp chủ yếu là bán hàng cho người có lòng tự trọng, còn với người đã có ý quỵt nợ thì thua ngay! Không thể tìm khách hàng một khi họ chơi trò “cút bắt” với người thu tiền trả góp”.

Nhận định về việc bán hàng trả góp như trên, ông M. nói rằng hiện nay bán hàng về miền Tây rất “chua” vì có nhiều công ty tại TPHCM bắt đầu tung mạng lưới xuống các tỉnh này. “Nhiều công ty cùng làm đồng nghĩa giá bán giảm, lợi nhuận giảm”, ông M. nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngày 3-5, đã có 450 người nhập viện do nghi ngộ...

0
Sáng 3-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin mới nhất về vụ việc ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì...

Trekking khám phá hang động núi lửa Chư B’luk

0
(SGTT) - Ẩn mình trong núi rừng Tây Nguyên, hang động núi lửa Chư Bluk là một trong những địa điểm trekking yêu thích...

Booking.com: Khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch...

0
Có đến 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Đồng...

Trưa nay ăn gì: Bánh củ cải chiên cho bữa trưa...

0
(SGTT) – Là món ăn bắt nguồn từ văn hóa ẩm thực Trung Hoa, bánh củ cải ở TPHCM được bày bán từ xe...

Thử món hủ tiếu Nam Vang chú Bạch ở chợ Phan...

0
(SGTT) - Khi mua sắm tại chợ Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, mọi người có thể dừng chân tại khu vực ăn uống...

TPHCM: chuyển dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ...

0
(SGTT) - Sau nhiều năm đình trệ, UBND TPHCM quyết định chuyển dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình...

Kết nối