Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024

Giữ hồn mai rừng

Dao Ánh –

Khoảng giữa tháng chạp khi những cơn gió khô lạnh bắt đầu thổi, bờ sông Dinh chảy qua phường Đạo Long (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) lại chớm sắc vàng của những cành mai do người dân nơi này băng rừng đem về. Không ai nhớ rõ chợ mai rừng có từ khi nào.

Một ngày cuối năm, mặt trời chiếu những tia nắng sớm lên mấy nụ mai vừa hé nở, hắt ra dòng sông một thứ màu lục pha vàng đặc trưng của mùa xuân. Khác với mai trồng, mai rừng thân vươn thẳng, cành chỉ hơi cong một cách tự nhiên. Hoa thấy rõ năm cánh vàng rực, không “đa đoan” nhiều cánh như mai trồng.

Từ đường bờ đê rẽ xuống chân cầu Đạo Long, mai rừng được cắm vào những chiếc xô nhựa đặt dài theo con đường mòn hình chữ Y – một lối rẽ hút xuống chân cầu, một lối dẫn ra phía bến sông. Người bán cột thân mai vào những khung giàn dã chiến để mai không bị gió làm cho xiêu vẹo.

Từ khi ngày còn chưa rạng, mặt trời chưa lên, người bán mai đã lục đục thức dậy trong những căn nhà và túp lều che tạm bợ dưới chân cầu. Sau cữ cà phê tự pha, ông Lê Văn Cường, 58 tuổi, xỏ dép ra chăm mai. Có thâm niên hơn 30 năm bán mai rừng, ông Cường được coi là “lão làng” ở nơi này. Nhìn từng dáng mai, ông có thể định giá và nhận xét về chúng như đối với món đồ thân thiết của mình.

Ngày ông Cường còn trẻ, ở xóm có ông Năm hay lên rừng tìm mai, truyền lại chút kinh nghiệm cho ông. Lúc đầu, ông Cường một thân một mình dong xe máy lên đường, sau đó có vợ và con ông đi cùng. “Ngày đi theo hướng mặt trời mọc, lúc về tìm hướng ngược lại ban sáng mình đã đi. Rừng già thâm u, người nào chưa quen dễ trợt té, có khi bỏ mạng, không trách rừng được”, giọng ông trầm trầm.

Xóm này thường vào rừng tìm mai từ đầu tháng chạp âm lịch. Người đi lấy mai, trèo qua những tảng đá núi, những dải đá dăm chỉ chực đâm nát chân, cây rậm che khuất tầm nhìn, đến khi nhìn thấy thân mai chớm nụ thì “sướng không thể nào tả nổi”.

Đi lấy mai mười mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Bình, 42 tuổi, cũng từng nhiều phen hú vía. Rừng đêm lạnh lẽo, người đi lấy mai dựng lều trải bạt rồi đốt một đống lửa lớn để xua đuổi rắn rít. Ông Bình kể ngày trước chưa có đường nhựa, ông còn ngồi ghe qua tận rừng ở Sơn Hải để tìm mai. “Mỗi lần vác mai từ Sơn Hải về lo lắm, vì thuê ghe chở thế nào mai cũng bị ướt nước mặn, hỏng hết nhưng mình cũng phải liều”.

Lấy bất kỳ thứ gì từ rừng cũng là phạm tới rừng, thế nên những người đi lấy mai không bao giờ bứng gốc mai mà chỉ lấy cành, lấy thân. Trước khi đi và sau khi đã xong mùa mai, họ luôn tổ chức nghi lễ của mỗi gia đình để cúng rừng như một lời cám ơn.

Giờ đây, khi bờ sông đã bớt thơ mộng, khi chợ hoa xuân ở quảng trường thành phố đông vui hơn, chợ mai rừng không tránh khỏi cảnh thưa vắng. Ông Bình và vài người bán mai khác đã bắt đầu tính đến chuyện đem bớt thân mai ra quảng trường bày bán. Còn ông Cường nhất quyết năm nào cũng sẽ ở bờ sông tới gần giao thừa mới quay về.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Startup đo lường khí thải tìm kiếm cơ hội kinh doanh...

0
(SGTT) - Trong những năm tới, các cơ quan quản lý chứng khoán ở châu Á sẽ triển khai quy định bắt buộc công...

Nhiều dự án giao thông lớn sẽ được xây dựng tại...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự...

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày...

0
(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình...

Bằng lăng nở tím phố phường Hà Nội

0
(SGTT) – Tháng 5 về, khắp các con phố ở Hà Nội lại được khoác lên mình sắc tím bằng lăng. Hoa giáng hương...

Hai cây cầu được người dân Nhà Bè mong ngóng sẽ...

0
(SGTT) - Cầu Phước Long và Rạch Đỉa đang triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra và dự kiến hoàn thành...

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Kết nối