Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

‘Giữ lửa’ cho nghề tranh bút lửa

(SGTT) - Trên phiến gỗ thông già, tài hoa của những nghệ sĩ xứ cao nguyên đã "thổi lửa" thành những bức tranh ấn tượng. Nghệ thuật tranh bút lửa dù mới phát triển ở Việt Nam nhưng chứa đựng nhiều sáng tạo nghệ thuật, khiến nhiều người yêu thích.

Nghệ thuật chơi với lửa

Tranh bút lửa, hay nghệ thuật khắc bút lửa du nhập vào Việt Nam khoảng gần 70 năm, và Đà Lạt là nơi phát nguồn, tạo nên tiếng tăm cho loại hình nghệ thuật kén chọn này. Người được xem như bậc thầy đầu tiên của nghệ thuật tranh bút lửa xứ này là ông Bùi Văn Dưỡng, từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris.

Trong bạt ngàn thông, một loại nguyên liệu đặc trưng nhất để nghệ thuật bút lửa được cháy lên, thì Đà Lạt và cả cao nguyên Lâm Viên này có rất nhiều. Trong đó có loại bạch tùng, một giống thông gỗ trắng rất tiện dụng để làm tranh bút lửa.

Gỗ bạch tùng hiện tại còn rất ít để làm tranh bút lửa.

Chiếc bút lửa dù trên thị trường có bán nhiều loại, nhưng mỗi nghệ sĩ với kỹ thuật của mình lại thích dùng những chiếc bút lửa do mình tự chế tác hơn. Bút lửa là sợi dây dẫn điện nối cây bút có ngòi bằng đồng với nguồn điện từ chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V và tạo nên nhiệt độ, đốt cháy bề mặt gỗ để tạo đường nét.

Theo nhiều người, nghệ thuật tranh bút lửa là nghệ thuật chơi với lửa. Bởi người họa sĩ phải làm chủ được được ngòi bút với sức nóng, nếu không chỉ cần một chút lơ là sơ sẩy, ngọn lửa sẽ phá hỏng cả bức tranh.

Chính vì thế, người họa sĩ phải có kinh nghiệm, sự nhạy cảm, kỹ thuật và cả óc sáng tạo cùng đôi tay khéo léo, để làm sao cho ngòi bút đạt độ nóng như ý và lướt trên gỗ thông bằng những đường nét để tạo nên những hình khối, màu sắc đẹp.

Mỗi nghệ sĩ với kỹ thuật của mình lại thích dùng những chiếc bút lửa do mình tự chế tác.

Cái hay của người nghệ sĩ là nhấn nhá, điều chỉnh nhiệt độ, từ đó tạo ra nét đậm nhạt, độ nông sâu của vết cháy. Bàn tay khi thao tác với tranh phải thật sự có “con mắt”. Có được trình độ ấy không phải một sớm một chiều, ngoài năng khiếu thiên bẩm thì người nghệ sĩ phải có sức khỏe, đôi tay và con mắt sắc sảo cùng thời gian luyện tập tính bằng nhiều năm.

Trong nghệ thuật bút lửa, không chỉ tại Đà Lạt mà ở nhiều nơi khác như Hà Nội, Huế, Quy Nhơn, TPHCM... thì đề tài sáng tác của tranh bút lửa khá đa dạng, từ các bức vẽ thư pháp đến các chủ đề con người, phong cảnh, tôn giáo... và đặc biệt là chân dung được rất nhiều người ưa chuộng. Tranh bút lửa chỉ có màu tự nhiên của gỗ và màu nâu của gỗ cháy.

Dù không nhiều màu sắc nhưng mỗi họa tiết từ bức tranh bút lửa vẫn toát lên vẻ đẹp riêng

Tuy nhiên, nhờ những nét vẽ sắc sảo và sự phối màu hài hòa mà tranh vẫn rất thu hút; màu trắng sáng và hơi ngả vàng của gỗ cũng góp phần tạo nên sự độc đáo của tranh bút lửa. Dù không nhiều màu sắc nhưng mỗi họa tiết từ bức tranh bút lửa vẫn toát lên vẻ đẹp riêng.

Thực tế, tranh bút lửa khá kén người. Kén cả người sáng tác lẫn người yêu thích. Có nhiều họa sĩ vẽ tranh bút lửa theo kiểu công nghiệp, nhân bản một đề tài lên thành hàng trăm tác phẩm, thế nhưng giá trị tác phẩm không cao. Nhất là khi họa sĩ vẽ tranh chân dung bằng bút lửa, khách có thể ngồi mẫu cho họa sĩ vẽ rồi lấy ngay hoặc gửi ảnh để họa sĩ thực hiện, sau đó nhận qua đường chuyển phát đến tận nhà.

Trong khi đó, nếu người nghệ sĩ nếu đầu tư một tác phẩm có giá trị thì cần rất nhiều thời gian và công sức. Và tất nhiên, giá cả cũng không hề rẻ, cùng với đó là phải có người mua với gu thẩm mỹ tốt.

Đau đáu hồi sinh cho dòng tranh khó

Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những đường nét dần hiện ra trên mặt gỗ một cách sống động, khắc họa nên những bức tranh tuyệt đẹp về phong cảnh, câu chữ và chân dung con người của thành phố mộng mơ.

Được sáng tác bằng chất liệu độc đáo, đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, tranh bút lửa từ lâu trở thành sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, mang đậm dấu ấn văn hóa của phố núi Đà Lạt.

Nguyễn Khánh Hoàng, họa sĩ chuyên vẽ tranh bút lửa ở chợ đêm Đà Lạt là một trong số họa sĩ ít ỏi còn lại gắn bó lâu năm với nghề.

Nhưng rồi, một dạo nghệ thuật tranh bút lửa cũng thoái trào ở đây, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra. Không có khách du lịch, sự bão hòa của những tác phẩm, sự thiếu sáng tạo của nhiều nghệ sĩ chỉ với một lối mòn nghệ thuật đã khiến tranh bút lửa không còn tạo được nét thu hút. Sau đó một số nghệ sĩ cũng bỏ nghề tìm cách khác mưu sinh, chỉ còn trụ lại chừng non chục người ngày ngày mắt cay vì mùi khói trên những bức tranh của mình.

Nghệ sĩ Huỳnh Vương, một họa sĩ nhiều năm đau đáu với nghề, chia sẻ đã có một thời tranh bút lửa ở Đà Lạt thịnh hành, được nhiều người yêu thích. Có thời điểm đội ngũ họa sĩ, nghệ nhân tranh bút lửa ở đây lên tới hàng trăm người, lập ra nhiều đội nhóm, hợp tác xã chuyên làm tranh, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn theo chân khách nước ngoài đi về những nơi xa.

Họa sĩ đang vẽ tranh bút lửa.

Nhưng rồi thế thời lại đến, khi những dòng tranh khác nổi lên theo thị hiếu, cộng với việc cạn kiệt về đề tài, ý tưởng đã khiến nghệ thuật tranh bút lửa lênh đênh. Sự cạnh tranh đã khiến nghệ sĩ bút lửa thưa vắng dần, Đà Lạt bây giờ những họa sĩ còn theo dòng tranh bút lửa đếm chưa hết mười đầu ngón tay, như họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng, họa sĩ Nguyễn Phi Anh, nghệ sĩ Huỳnh Vương...và họ cũng đang phải chật vật gắn bó với nghề.

Chàng họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng là một trong số ít những người còn nương lại với nghệ thuật bút lửa này. Anh Hoàng chia sẻ, bút lửa và tranh đã như định mệnh đời anh, gắn với anh không chỉ bằng số tiền ít ỏi kiếm được từ nghề vẽ, mà dày dặn từng ngày là một tình yêu với nghệ thuật không thể nói bằng lời.

Những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dòng tranh bút lửa này vẫn như mạch ngầm bền bỉ chảy, mà những người nghệ sĩ như Hoàng đang cố gắng thổi lên ngọn lửa nghệ thuật ấy trong thị hiếu của mọi người.

Có lẽ, nghệ thuật tranh bút lửa chưa bao giờ là dễ dãi, bởi tranh bút lửa không phải là ngành có thể sản sinh được nhiều nghệ sĩ. Người họa sĩ với bút lửa lâu nay chỉ được trao truyền, tiếp nối bằng cách tự vận động tự học, tự rút kinh nghiệm, tự sáng tạo mà không có trường lớp đào tạo bài bản nào.

Sản phẩm tranh bút lửa được du khách đi chợ đêm Đà Lạt yêu thích.

Trong thời đại hậu dịch bệnh, kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhiều nghệ sĩ dẫu có đam mê “cao ngút trời”, nhưng cân đong giữa áo cơm hằng ngày cho gia đình, với niềm đam mê nghệ thuật đã khiến họ cắn răng kiếm kế khác mưu sinh. Số nghệ sĩ ít ỏi còn lại cố gắng bám trụ với nghề, khao khát hồi sinh cho dòng tranh khó này.

Đã có một số nghệ sĩ thử nghiệm, sáng tạo ra các kỹ thuật và chất liệu mới như thay vì vẽ trên gỗ, có người đã vẽ bút lửa trên giấy. Chẳng riêng bạch tùng, gỗ me, gỗ xá xị đều có thể trở thành tuyệt tác bút lửa. Hay có người đã kết hợp nhiếp ảnh và tranh bút lửa để tăng sự sáng tạo, cũng có người hướng nghệ thuật bút lửa tới trường phái tranh trừu tượng...

Bây giờ, số ít ỏi nghệ sĩ tranh bút lửa còn lại ở Đà Lạt vẫn theo đuổi đam mê nhằm vươn tới những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Họ đau đáu nhu cầu sáng tạo, đổi mới giữa bản năng, kinh nghiệm, nghệ thuật với yêu cầu cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Đó là bài toán khó với những người nghệ sĩ đang mải miết theo nghề.

Tiêu Dao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối