Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Ghé thăm làng nghề dệt lanh truyền thống ở Lùng Tám, Hà Giang

Lùng Tám là một xã nằm nép mình giữa những ngọn núi đá, bên dòng sông Miện, thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông, nổi tiếng với nghề dệt lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công.
Một góc xã Lùng Tám nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Đã thành truyền thống, mỗi người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Những ruộng lanh mọc đều thẳng tắp, chỉ hơn hai tháng đã cho thu hoạch, được người Mông cắt về rồi đem phơi khô để chế biến thành sợi.

Người Mông cắt lanh về rồi đem phơi khô để chế biến thành sợi. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại, cho vào cối giã đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn.

Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn và đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu dệt.

Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Người Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Sau đó, tấm vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng.

Làm ra những tấm vải lanh tốt là niềm tự hào của mỗi người phụ nữ Mông, có lẽ cũng chính vì vậy mà họ luôn thận trọng trong từng công đoạn, dù là căng sợi hay luồn khung.

Người Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Khi dệt xong, vải còn thô, người ta phải giặt nhiều lần, ngâm nước tro và phơi cho vải trắng và mịn, để có thể đem may mặc. Vải đẹp là vải nhẵn, sợi đều, trắng, nhỏ… khi mặc luôn tạo cảm giác mềm mại và thoáng mát.

Người Mông vẽ sáp ong lên tấm vải lanh. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Không chỉ giỏi dệt vải, người Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật nhuộm chàm mà khó có nơi nào sánh được. Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày.

Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Người ta thường ngâm vải trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp. Quy trình đó được lặp đi lặp lại 5-6 lần mới đem vải đi phơi. Khi nào mảnh vải khô, nó lại được mang vào ngâm tiếp; cứ như thế khoảng 8-10 lần.

Làng nghề dệt lanh truyền thống người Mông hút khách nước ngoài. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3- 4 ngày là có thể nhuộm xong; nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, khoảng thời gian đó có khi kéo dài tới 2 tháng. Chính vì được nhuộm kỹ như vậy mà màu chàm của người Mông ở đây rất bền và luôn cho cảm giác tươi mới.

Hợp tác xã lanh Lùng Tám. Ảnh: Nhóm Hà Giang Travel

Vải lanh không chỉ bền mà còn được biết đến là một loại sản phẩm có lợi cho sức khỏe, không bị mốc, luôn tạo cho làn da sự thông thoáng mỗi khi mặc. Cũng chính vì lý do này mà nhu cầu tiêu thụ vải lanh, đặc biệt của khách hàng nước ngoài ngày càng cao. Đây thực sự là một cơ hội lớn để các sản phẩm đệm, túi, quần áo… những sản phẩm văn hóa của mảnh đất mù sương Hà Giang phát triển.

Đăng Huy tổng hợp

Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề