(SGTT) – Cùng với Chol Chnăm Thmây, Sene Đolta, lễ hội Ok Om Bok là một trong ba lễ hội quan trọng trong năm của đồng bào Khmer.
- Du lịch giữa mùa dịch: Lạc bước đến Kỳ Co, thiên đường biển đảo đẹp quên lối về ở Quy Nhơn
- Du lịch giữa mùa dịch: Về Sóc Trăng khám phá vẻ đẹp nên thơ của biển Hồ Bể
Ok Om Bok còn được gọi là “Lễ cúng trăng” hay “Đút cốm dẹp” được tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm. Đây là thời điểm mùa gieo trồng sắp chấm dứt và mùa thu hoạch đang bắt đầu. Người dân Khmer tổ chức lễ hội Ok Om Bok lúc này nhằm để cúng tạ ơn thần Mặt Trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và nguyện cầu cho năm tới thời tiết thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no ấm.
Thường trước ngày lễ vài hôm, những người Khmer trong xóm sẽ cùng nhau chuẩn bị mâm cúng, các lễ vật dùng để dâng lễ khá đơn giản, chủ yếu là sản vật do bà con vun trồng, cấy hái như khoai, chuối, một ít trái cây, bánh in, bánh pía… đặc biệt đồ cúng không thể thiếu cốm dẹp, được bà con dùng hạt nếp vừa chín tới rang rồi quết dẹp.
Nghi thức cúng của lễ hội Ok Om Bok thường được tổ chức tại sân chùa hay bãi đất trống, khá giản dị nhưng cũng đầy ấm cúng. Vào ngày làm lễ, bàn lễ vật sau khi đã được bày trí bắt mắt, sẽ được đặt ở giữa khu vực tổ chức lễ. Khi trăng lên cao, bà con hướng về Mặt Trăng và cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn thần linh.
Sau đó, người chủ trì lễ dùng tay trần lấy thức ăn, mỗi thứ một ít bỏ vào lòng bàn tay, rồi đút cho những đứa trẻ ở đó và vỗ nhẹ vào lưng của chúng, đồng thời hỏi ước muốn của chúng là gì, mong muốn lớn lên sẽ ra sao.
Người dân Khmer tin rằng, câu trả lời của các em là kết quả của thần Mặt trăng gửi gắm, đây là niềm tin và động lực của người lớn vào năm tới.
Sau các nghi thức, mâm cúng được dọn xuống và mọi người cùng quây quần thưởng thức, với ý nghĩa là cùng hưởng lộc của Thần Mặt Trăng và thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình thân, “chia ngọt sẻ bùi”.
Ngoài phần lễ nghiêm trang, ý nghĩa, lễ hội Ok Om Bok còn được tổ chức với phần hội rộn ràng, vui tươi, mang tính cộng đồng rất cao. Trong tối đó, người Khmer thường tổ chức thả hoa đăng, bởi từ xa xưa, tục thả đèn mang tính chất tôn giáo, và cũng để dân làng tạ lỗi với thần đất và thần nước.
Tiếp theo, người dân tộc Khmer sẽ tổ chức hội đua ghe Ngo, đây là môn thể thao sôi động rất cuốn hút và cũng là nghi thức truyền thống tạ ơn Thần Nước sau một vụ mùa. Hoạt động này nhằm tiễn đưa Thần Nước về với biển cả, đồng thời người dân cũng thông qua hoạt động này để mong cầu cuộc sống ấm no, cảm tạ thần linh đã gieo phước lành cho vùng đất trù phú này.
Lê Thanh Lượng