(SGTT) – Theo chia sẻ của các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch bằng xe đạp bởi đa dạng địa hình và nhiều di tích, di sản kết hợp với cảnh quan thiên nhiên nhưng việc khai thác tour còn vướng nhiều khó khăn khiến “đội” chi phí giá tour.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề Du lịch bằng xe đạp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Sáng kiến Điểm đến an toàn tổ thức sáng ngày 23-9, các khách mời đều khẳng định, loại hình du lịch bằng xe đạp phát triển khoảng vài năm trở lại đây, người Việt Nam đã bắt đầu ưa chuộng, thu hút được nhiều sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tượng khách từ người trung niên, nhân viên văn phòng, các bạn trẻ, các nhóm gia đình…

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp vì có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích, danh thắng. Ngoài ra, người Việt cũng bắt đầu có đam mê và yêu thích đạp xe để giữ sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Nhiều tiềm năng

Ông Huỳnh Quyết Thắng, đại diện Cào Cào Adventures Club, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp, cho biết, trong 2 năm qua, du lịch bằng xe đạp ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo ông thì rất nhiều công ty du lịch mạo hiểm về trekking đã thêm mảng xe đạp để phong phú thêm “thực đơn” cho khách hàng. “Các tour xe đạp đi khám phá nội ô Sài gòn và vùng phụ cận; khám phá ẩm thực đường phố về đêm; khám phá đồng bằng sông Cửu Long, Vườn quốc gia Cát Tiên, Mã Đà, Đà Lạt… thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tượng khách hàng ở mọi lứa tuổi”, ông nói.

Theo các chuyên gia, sau dịch, nhu cầu đạp xe của người dân sẽ tăng hơn.

Ông Trần Văn Đản, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp tại Hà Nội cũng thừa nhận, hình thức du lịch bằng xe đạp trước đây rất được khách quốc tế lựa chọn khi du lịch tại Việt Nam.

“Đây là loại hình du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiếng ồn và luyện tập thể thao tốt”, ông Đản nói.

Cũng theo ông Đản, không nhiều thành phố là thủ đô trên thế giới với dân số gần chục triệu người mà chỉ cần khoảng thời gian di chuyển ngắn là có thể tận hưởng không gian yên bình, thoáng mát của những làng quê đậm chất Bắc bộ.

“Không chỉ lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng còn có nhiều giá trị văn hóa, di tích, đình chùa, cổng làng, những phiên chợ quê dân dã… mà chỉ khi đi xe đạp, rong ruổi trên những con đường làng mới cảm nhận hết được sức hấp dẫn của nó”, ông Đản nói thêm.

“Sau dịch, người dân sẽ có ý thức và nâng cao hơn nhận thức về sức khỏe và bảo vệ môi trường. Tại Hà Nội và các thành phố lớn, rất nhiều người làm việc và dành phần lớn thời gian ở văn phòng, nên muốn ra ngoại ô kết hợp vận động thì xe đạp là sự lựa chọn tốt nhất kết hợp gắn kết bạn bè, đồng nghiệp, giao lưu và mở rộng các mối quan hệ”, ông Đản nhận định.

Đi du lịch bằng xe đạp, du khách có nhiều thời gian và không gian hơn để ngắm cảnh và “hưởng thụ” thiên nhiên.

Trong khi đó, ông Hàng Minh Thái, Giám đốc Công ty du lịch Mr Biker Saigon cho biết thêm, trước dịch Covid-19, thị trường khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) là nguồn khách chính của công ty, chiếm khoảng 95%.

Từ sau năm 2015, người Việt Nam bắt đầu chú ý đến loại hình thể thao vui khỏe, trong đó có hình thức tham gia tour du lịch bằng xe đạp và thường đi vào dịp cuối tuần, khởi hành sớm, thích chụp hình đẹp, thưởng thức đặc sản địa phương…

“Hiện nay sẽ có thêm nhóm khách là người nước ngoài đang công tác và làm việc tại Việt Nam”, ông Thái nói. Nhóm khách này trước đây khá ít công ty du lịch khai thác vì “ít chịu chi trả cao như khách du lịch nhưng đòi hỏi dịch vụ xứng đồng tiền”, ông Thái nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Thái, nếu phục vụ được nhóm khách này thì sẽ rất tiềm năng vì họ sẽ đi mỗi tháng hoặc rủ thêm bạn bè và trở thành bạn sau tour. “Điều này thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng cho người thiết kế chương trình và giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam rất tốt!”, ông Thái khẳng định.

Sau dịch, mọi người sẽ quan tâm hơn về sức khỏe. Đó sẽ là một lợi thế để phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp bên cạnh yếu tố khách quan về cảnh quan thiên nhiên, con người hiếu khách.

Cũng theo các khách mời, lợi ích của tour xe đạp là không phải bàn cãi với các yếu tố như tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, rèn luyện ý chí, giải tỏa stress.

Du khách đang nghe giới thiệu về một điểm đến trên đường tour xe đạp.

Tốc độ di chuyển xe đạp tương đối chậm để du khách có thể bắt kịp những khoảnh khắc của cuộc sống, chìm đắm trong những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, dễ dàng giao lưu đời sống văn hóa của người dân địa phương, cho phép bản thân mình được sống chậm lại; khám phá bên trong bản thân nhiều hơn; cảm nhận hương vị cuộc sống để hồi phục năng lượng cho bản thân trước khi quay lại với cuộc sống bộn bề lo toan.

Cần tiếng nói chung

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia để phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp (biking tour) cho thị trường nội địa, chúng ta cần khắc phục một số vấn đề để loại hình du lịch này được phát triển tốt hơn.

Theo ông Thái, loại hình du lịch bằng xe đạp, giá tour trọn gói hiện đang cao so với tour du lịch đơn thuần nên khó “tiếp cận” khách. “Một trong những nguyên nhân khiến giá tour cao là chi phí vận chuyển xe đạp đến điểm đạp xe”, ông Thái nói rõ.

Một tour đạp xe xuyên rừng.

Ông Thái cho biết thêm, theo quy định, xe chở người không được chở xe đạp. “Vì thế, các đơn vị tổ chức bắt buộc phải thuê thêm xe để vận chuyển, điều này đã đẩy chi phí lên cao”, ông Thái phân tích. Để giảm chi phí cho khách, một số công ty có nhóm 2 – 4 khách có thể kết hợp đi xe 16 chỗ, tháo rời xe đạp (để chở theo) dù biết điều này là vi phạm luật quy định.

Ông Đản chia sẻ thêm, bên cạnh yếu tố về giá tour và thiếu hụt bãi giữ xe đạp tại một số điểm đến, hạ tầng giao thông cũng là điều khiến các nhà làm tour đâu đầu. Mật độ dân số đông, trong khi diện tích mặt đường hẹp nên cũng gây khó khăn cho các đường tour nội đô, nội thành.

Vị chuyên gia này kỳ vọng, trong tương lai, các nhà hoạch định hạ tầng có thể nghiên cứu để có lối đi riêng dành cho xe đạp, vừa an toàn và tiện lợi vừa thúc đẩy, khuyến khích việc đạp xe và thành xu thế cho các thế hệ tiếp theo. “Điều này, các nước phát triển trên thế giới như Hà Lan, Pháp… đều đã làm”, ông Đản nói.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, dù ngành du lịch, cả trên thế giới và trong nước, vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, khi tình hình dịch được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch của khách vẫn không thay đổi nhiều nhưng xu hướng du lịch sẽ có nhiều thay đổi.

Theo đó, du khách sẽ hướng tới những trải nghiệm du lịch có chiều hướng thiên về chăm sóc sức khỏe, phát triển tinh thần và thể lực; những đường tour thân thiện với môi trường và ưu tiên thị trường nội địa. Trong đó, du lịch bằng xe đạp sẽ được xem là một trong những loại hình hút khách.

Nguyễn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây