Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Chuyện kiếm tiền của ‘ông mai bà mối’ thời công nghệ

Thế giới hẹn hò trên mạng tại Việt Nam đang ngày càng đa sắc với khoảng 100 ứng dụng, mà phần lớn là của nước ngoài. Fika – sản phẩm của một startup mới hình thành tại TPHCM – đang mở rộng tiếp cận với người dùng, vươn lên thứ 26 trong top 50 ứng dụng hẹn hò tại Việt Nam.

Câu chuyện của Fika không chỉ xoay quanh nền tảng dành cho người trẻ hẹn hò trong thế giới ảo. Đó là cách mà startup công nghệ Việt Nam khai thác những điểm yếu của các đối thủ lớn và biến chúng thành thế mạnh của mình. Và mang cả mơ ước bước ra thị trường thế giới bao la.

Biến điểm yếu thành thế mạnh

Trong văn phòng của Fika ở khu Thảo Điền, Denise Sandquist – một chuyên gia về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) – cầm chiếc điện thoại thông minh lướt qua từng người trên ứng dụng đang mở. Nhà đồng sáng lập của ứng dụng Fika này cho biết hình ảnh xuất hiện trên hồ sơ (profile) của từng người dùng ứng dụng được bảo đảm là hình thật. Người dùng phải chụp ảnh selfie và Fika sử dụng thuật toán và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện người dùng và xác định các hình ảnh đưa lên profile có phải là của cùng một người hay không. “Điều này tạo nên sự tin tưởng và an toàn cho người dùng. Đó là điểm son của Fika”, Denise nói.

Các ứng dụng hẹn hò đang bị kết án là “lừa tình” hay “dễ dãi”, gây nhiều phiền toái cho người dùng. Một người có thể thoải mái tạo ra một hay nhiều hồ sơ giả trên ứng dụng. Đằng sau những lời hoa mỹ trên hồ sơ và những tấm hình đẹp lung linh của một anh chàng hay cô nàng nào đó có thể ẩn chứa toan tính lừa tình hay lừa tiền, đặc biệt là với những phụ nữ cả tin. Fika, tân binh trong làng ứng dụng hẹn hò, đã tìm cách khắc phục điểm yếu nói trên và biến nó thành thế mạnh cho mình.

Denise Sandquist sinh ra tại Hà Nội và được một gia đình Thụy Điển nhận làm con nuôi lúc mới ba tuần tuổi. Từ Thụy Điển, cô về Việt Nam tìm lại mẹ ruột và quyết định gắn bó lâu dài ở quê nhà. Khi ở lâu, cô hiểu được áp lực vô hình về quan niệm kết hôn, sinh con theo độ tuổi của nữ giới Việt Nam. Dù rất muốn tìm kiếm một nửa kia, nhưng phụ nữ trẻ lại không thể nào làm chuyện “cọc đi tìm trâu”, dám chủ động trong chuyện hẹn hò của mình.

Thế là Fika ra đời vào năm 2020. Đây là nền tảng ứng dụng công nghệ AI nhằm giúp nữ giới chủ động hẹn hò hơn. Những ngày đầu, căn hộ của Denise cũng là văn phòng làm việc của nền tảng và mọi đầu tư cho ứng dụng hẹn hò là từ tiền túi của Denise và Oscar Xing Luo – người đồng sáng lập kiêm phụ trách công nghệ (CTO) của Fika.

Năm 2021, Fika thành công khi gọi được 1,6 triệu đô la Mỹ trong vòng tài trợ hạt giống do VNV Global và các nhà đầu tư cá nhân trong nước rót vốn. Denise và Fika cũng từng xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam và được một “cá mập” đồng ý rót 8 triệu đô la. Nhưng Denise đã từ chối bởi “quá thấp so với giá trị tiềm năng của startup”.

Tối ưu hóa độ tương thích giữa các cặp đôi

Denise và bạn trai quen nhau ở bên ngoài, trong thế giới thực. Thế nhưng bạn trai cô cũng muốn thử tìm kiếm và làm quen lại từ đầu qua trang hẹn hò Fika. Họ đã tìm được nhau khi bạn trai cô chọn tìm bạn nữ từ độ tuổi 28-30 trong vòng bán kính một cây số. Đó cũng là cách Denise và mọi người tại Fika kiểm tra lại hiệu quả và độ mượt của công cụ tìm kiếm trên Fika.

Số người dùng tại Việt Nam của Fika hiện đạt trên 1,6 triệu, trong khi đó lượng người dùng bên ngoài Việt Nam chỉ hơn 40.000. So với gã khổng lồ Tinder, Fika giống như người lùn. Thế nhưng, Denise cho rằng Việt Nam là thị trường lý tưởng để thử nghiệm một công nghệ mới ở quy mô nhỏ trước khi đưa lên các nền tảng công nghệ toàn cầu.

Đội ngũ nhân sự của Fika hiện hơn 30 người. Có người từng được đào tạo và làm việc cho các hãng Big Tech như Google hay Facebook, phần lớn là tốt nghiệp từ các trường trong nước.

Các kỹ sư của Fika đang sử dụng tính năng AI Find để xác định độ tương thích thông qua các đặc điểm ngoại hình, sở thích và cá tính. Thuật toán Astrology Algorithm là điểm hấp dẫn mới khi ngày sinh theo cung hoàng đạo của phương Tây và tử vi phương Đông được AI “thẩm định” xem hai bên có hợp nhau không.

Denise gọi đây là cách tối ưu hóa độ tương thích. Bởi người dùng không phải lướt đọc quá nhiều profile, mà ứng dụng chỉ giới thiệu tám người có khả năng tương thích nhất. “Đây cũng sẽ là một đặc tính chính mà chúng tôi sẽ giới thiệu với thị trường toàn cầu trong tương lai”, Denise nói khi dẫn khách tham quan nơi làm việc của các kỹ sư lập trình và AI.

Nhưng hai đặc tính cấp cao này sẽ chỉ xuất hiện trong phiên bản premium có trả tiền sắp tới. Denise cho biết phí khoảng hơn 100.000 đồng mỗi tháng.

Những cuộc hẹn hò trên mạng rồi sẽ như “gió thoảng mây bay”. Bởi người chơi có thể chán, hoặc khi có người yêu rồi thì bị cấm “léng phéng” với người lạ. Tỷ lệ người dùng rơi rụng sẽ tăng nhanh.

Fika đưa ra giải pháp mới là tạo nên ứng dụng Leka như một mạng xã hội dành cho những cặp đôi đã hẹn hò thành công trên Fika. Khoảng 200 sinh viên Đại học Văn Lang đã thành lập cộng đồng đầu tiên trên Leka. Denise nói “họ tương tác thoải mái hơn và cảm thấy bớt áp lực khi chia sẻ những khoảnh khắc hàng ngày của mình”. Ứng dụng mới này dự kiến sẽ chính thức mở công khai trong tháng 2 này.

Bài toán sống còn

Ra đời năm 2013, ban đầu Tinder là ứng dụng hoàn toàn miễn phí. Năm 2015, ứng dụng hàng đầu này thay đổi mô hình kinh doanh. Lượng “quét” hồ sơ của các tài khoản miễn phí bị giới hạn trong 24 giờ đồng hồ, muốn xem nhiều hơn phải mua gói Tinder Plus 9,99 đô la/tháng. Tiếp đến, năm 2017 gói Tinder Gold 29,99 đô la/tháng ra đời. Sau đó là gói Tinder Platinum với nhiều tính năng hơn với mức phí 39,99 đô la/tháng. Các mức giá này tại thị trường Việt Nam thường được giảm một nửa.

Điểm thú vị là chính sách giá của Tinder thay đổi theo địa điểm vật lý và độ tuổi người dùng, với người có tuổi cao hơn phải trả phí nhiều hơn. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC) từng phải xử lý nhiều than phiền về “phân biệt đối xử”. Nhiều người tố cáo các hành vi “bào tiền” của Tinder khi bán các gói quẹt không giới hạn, tăng độ match (tương thích), tắt quảng cáo… Các gói phí hội viên như vậy đã đóng góp đến 70% doanh thu của Tinder, các tính năng cộng thêm chiếm 30% còn lại. Quảng cáo hầu như không đáng kể.

Người dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiền cho các ứng dụng hẹn hò, mà chủ yếu là Tinder. Theo dữ liệu của App Annie, người Việt đã chi 208 triệu đô la cho khoản “tình phí” này trên mạng, xếp chót trong nhóm sáu nền kinh tế chính của ASEAN sau Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines. Tuy nhiên, số chi tiêu của người Việt tăng mạnh và dẫn đầu nhóm ASEAN 6+ trong năm 2022.

Các ứng dụng dành cho cộng đồng LGBT gặp nhiều trở ngại trong kinh doanh hơn các ứng dụng khác. Grinder – ứng dụng phổ biến nhất của cộng đồng LGBT Việt Nam – bán các gói nâng cấp một tháng (326.000 đồng), ba tháng (699.000 đồng) và 12 tháng (1,7 triệu đồng). Ông Paul Friend – người từng phụ trách tiếp thị và kinh doanh thị trường Úc và Á châu của Grinder – nói rằng số lượng người chịu trả tiền ít và doanh số bán banner quảng cáo cũng thấp.

Không như doanh nghiệp Singapore và Thái Lan, các công ty Việt Nam vẫn còn ngại khi “dính dáng” đến LGBT dù rằng các công ty rất muốn tiếp cận phân khúc khách hàng này và nhiều công ty đã bảo trợ cho các hoạt động của cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Các quảng cáo trên Grinder thường do Google “ký gửi” hoặc từ Cơ quan hỗ trợ phát triển USAID của Mỹ với các chương trình về phòng chống AIDS.

Tỷ lệ rời bỏ (churn rate) của người dùng hay khách hàng luôn là yếu tố mấu chốt quyết định sự thành công của mọi loại hình kinh doanh. Với các ứng dụng hẹn hò vốn phụ thuộc vào sự trung thành của người dùng tạo nên 70% doanh số, yếu tố này càng quan trọng. Tỷ lệ “phụ bạc” càng cao thì giá trị vòng đời người dùng của doanh nghiệp càng thấp. Startup buộc phải “đốt tiền” nhiều hơn để duy trì lượng người dùng hiện tại và tìm kiếm khách mới.

Các bước đi của Fika và rồi Leka cho thấy sự tự tin của startup công nghệ này. Denise nói rằng Fika đã mở văn phòng đại diện tại Singapore và quá trình này rất nhanh chóng. Văn phòng Singapore giúp Fika tiếp cận với dòng vốn mạo hiểm nhanh hơn.

“Mùa đông gọi vốn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể sẽ sớm qua. Chúng tôi có thể sẽ thực hiện vòng gọi vốn series đầu tiên trong quí 2 hay quí 3 năm nay. Khi mọi chuyện đã bắt đáy thì sẽ sớm bật tăng”, người sáng lập Fika nhận định.

Người Việt Nam dùng ứng dụng hẹn hò thường xuyênTheo dữ liệu của hãng Data.ai, thế giới đã chi gần 4 tỉ đô la phí đăng ký cho các ứng dụng hẹn hò. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc là bốn thị trường lớn nhất có lượng người dùng sẵn lòng chi tiền cho các nền tảng hẹn hò trong năm 2021.Khảo sát của hãng Decision Lab tại sáu nền kinh tế chủ yếu của ASEAN công bố đầu năm 2022 cho thấy: 65% trong số 1012 người Việt tham gia khảo sát của hãng đang sử dụng ít nhất một ứng dụng hẹn hò. Trong đó, Tinder là phổ biến nhất chiếm khoảng 21%. Tiếp sau đó là Zalo và Telegram với khoảng 19% và Facebook Dating chiếm khoảng 17%.Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường ghi nhận người dùng Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippines chi nhiều nhất cho Tinder. Omi là nền tảng được người dùng Malaysia chi tiền nhiều nhất, còn người dân Indonesia lại ưa chuộng Tantan.Người Việt sử dụng ứng dụng hẹn hò khá thường xuyên, với gần 30% số người tham gia khảo sát sử dụng mỗi ngày, 19% sử dụng với tần suất 2-3 lần trong tuần, 15% sử dụng với tần suất 6-7 lần mỗi tuần.Có đến 48% người Việt sử dụng các ứng dụng hẹn hò để làm quen bạn mới. Mục đích chính – hẹn hò – đứng thứ hai với 39%, việc tìm kiếm các mối quan hệ lâu dài chiếm 35%. Số người tìm kiếm các cuộc tình chóng vánh hay tình một đêm là 15%.Gần 60% người Việt tham gia khảo sát nói rằng họ muốn trò chuyện và tìm hiểu đối phương trong 10 ngày trước khi đồng ý gặp mặt lần đầu. Thời gian trò chuyện trung bình trước ngày đầu gặp mặt tại Việt Nam là bảy ngày.H.N.T

Hồ Nguyên Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối