Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Chuyện cha con người ‘giữ lửa’ làng nghề tơ lụa Mã Châu

Cuộc trở về của những người trẻ với sản phẩm truyền thống đầy cam go. Chinh phục một lĩnh vực chuộng sự sáng tạo như thời trang, cuộc trở về lại càng dày thách thức. Nhưng Trần Thị Yến đã bền bỉ nối nghiệp cha để một ngày tơ lụa Mã Châu thơi thới tung bay trên các sàn diễn thời trang quốc tế…

Làng Mã Châu (khối Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm giữa ba con sông Thu Bồn, Vu Gia và Bà Rén – một vùng phù sa cuối nguồn nên đất đai màu mỡ, rất thích hợp cho sự phát triển của cây dâu, nguồn thức ăn quan trọng cho tằm.

Trần Thị Yến (trái) kiểm tra tỉ mỉ quá trình dệt lụa.

Mã Châu 600 năm tơ lụa

Hình thành từ thế kỷ 15, nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa của Mã Châu được cho là sự kết hợp giữa nghề dệt truyền thống của cha ông ta ở vùng đồng bằng Bắc bộ với kinh nghiệm phong phú của người Chăm. Hiện nay ở Mã Châu vẫn còn những gốc dâu Chăm có hàng trăm năm tuổi. Nghề dệt ở Mã Châu trải qua hai thời kỳ vàng son, một ở thời các chúa Nguyễn và một ở thời Pháp thuộc.

Dưới thời chúa Nguyễn, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Ở Quảng Nam lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Thăng Hoa hàng năm nộp thuế lụa là 1.545 tấm… Phủ Thăng Hoa thuộc Hoa Châu hàng năm nộp lụa thuế 809 tấm, lụa lễ 11 tấm, chứa trong 17 hòm để nộp. Thuế là để dâng lên, còn lụa lễ dùng để tặng quan trấn…” (trang 366).

Vào thời đó, Mã Châu chuyên cung cấp lụa cho giới quý tộc. Công việc trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa được thực hiện trong làng với hàng trăm gia đình tham gia theo phương thức thủ công. Mã Châu có bến Đò Tơ nổi tiếng sầm uất, khi xứ Đàng trong mở cửa giao lưu với bên ngoài thì nơi đây cung cấp rất nhiều tơ lụa cho các thương nhân nước ngoài thông qua thương cảng Trà Nhiêu, Hội An. Tơ lụa Mã Châu đã sớm khẳng định thương hiệu của mình trong và ngoài nước và đã có mặt ở nhiều nước châu Âu, Đông Nam Á.

Từ cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến Việt Nam, Mã Châu có thêm nghề trồng bông dệt vải, nhưng tơ lụa vẫn là sản phẩm chủ yếu. Trong thập niên 1830, việc cải tiến chiếc máy dệt của ông Võ Diễn từ thủ công sang bán cơ giới đã cho phép người Mã Châu dệt vải khổ rộng có năng suất và chất lượng cao hơn, nhờ vậy nghề dệt nơi đây phát triển vượt bậc. Tơ lụa Mã Châu đi khắp nước đến tận Sài Gòn, Hà Nội, sang cả Phnôm Pênh (Campuchia) và Bangkok (Thái Lan).

“Mã Châu tơ lụa mỹ miều/Sớm mai mắc cửi, buổi chiều tơ giăng” là câu ca dao tả khung cảnh ở làng lụa trăm năm nơi cuối nguồn Thu Bồn…

Không có phiên chợ lụa mỗi sáng, nhưng Mã Châu có một bến Đò Tơ thơ mộng. Nơi ấy các thương nhân cùng thuyền buôn từ Hội An ngược Thu Bồn, rẽ chi lưu Bà Rén mua hàng, theo con đường tơ lụa chở những súc lụa đến nhiều vùng trên thế giới. Thuở ấy, trên con đường làng tới trường giăng kín giàn phơi. Đám trẻ nhỏ thường giắt trên vành nón một con tằm chín. Tan học về đã óng ánh một chiếc kén vàng.

Sau năm 1954, nghề dệt Mã Châu được phục hồi một phần. Chiến tranh ập đến, Mã Châu trở thành vùng giao tranh, người Mã Châu lưu lạc khắp nơi, nhiều nhất là Đà Nẵng và Sài Gòn. Trong hành trang của họ có vài con tằm giống và bộ khung cửi. Định cư ở đâu, họ lại tìm đất, dựng khung cửi, mua tơ về tiếp tục nghề dệt lụa của tổ tiên bao đời truyền lại. Làng dệt Bảy Hiền ở Sài Gòn với nhiều người gốc Mã Châu đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng cạnh tranh với các công ty lớn như Thành Công, Việt Thắng chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu qua nhiều nước Á – Âu. Nhưng rồi vải Trung Quốc ồ ạt tràn sang với giá cực rẻ, chỉ bằng một nửa so với giá vải làng nghề. Cạnh tranh không nổi, vải dệt ra không bán được, cả làng điêu đứng.

Truyền nhân đời thứ 18 của làng dệt

Trần Hữu Phương, người đàn ông ngoài 50 tuổi, là truyền nhân đời thứ 18 của gia tộc làm nghề lâu đời nhất ở làng dệt Mã Châu. Ông không muốn chết trân nhìn cái danh của làng nghề mình chìm xuống dưới những lớp mịt mờ của thời cuộc. Thế nên giữa năm 1991 ông rời TPHCM, ngược về quê dựng khung cửi, xe tơ, dệt lụa để đánh thức làng nghề vàng son tưởng đã đi vào quá khứ. Ông còn “cả gan” huy động hết sổ đỏ của người thân để cầm cố xoay vốn, giữ lại Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu.

Buổi chiều giăng tơ.

Người ta gọi ông là “con tằm cô đơn”, vì giống loài phải cùng bầy đàn của mình rút ruột nhả kén làm tơ, như một giấc ngủ dài, mở mắt ra chỉ còn mỗi mình trên nong. Một mình lăn lộn đi tìm đường sống, với niềm tin gần như duy nhất, tơ lụa sẽ phục hưng ngay trên sân chơi của thời trang đỉnh cao, bởi nó đã vượt ra khuôn thức của những thớ vải đơn thuần. Và ông đã đúng.

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã không ngại ngần để chất liệu lụa và thổ cẩm được tung tẩy hết mình trong những cuộc trình diễn đẳng cấp quốc tế. Biết tiếng làng lụa Mã Châu, bà đã tìm đến, đưa hoa văn cùng yêu cầu để ông Phương tìm cách làm sản phẩm cho bà. Đó cũng là một trong nhiều lý do để ông Phương cố níu lại cho bằng được cái danh tơ lụa Mã Châu.

Năm 2014, Trần Thị Yến, con gái ông Phương, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, đã quyết định về làm lụa cùng ba. Hành trang Yến mang về là kiến thức và tư duy mới cùng quyết tâm vực dậy làng nghề. Cô đề xuất dừng bán hàng thô, đầu tư sản xuất thành phẩm lụa tơ tằm với mẫu mã, hoa văn bắt mắt, phù hợp nhu cầu thị trường. Em gái Yến là Trần Hoàng Oanh sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế cũng về tâm sự với ba: “Ba con mình sẽ theo nghề dệt, phục hồi làng lụa Mã Châu”.

Trần Thị Yến nhớ lại: “Ban đầu tôi cũng chưa có ý định về làm lụa Mã Châu. Vì quá trình làm nghề của ba lúc đó quá khó khăn và không đem lại hiệu quả kinh tế. Chính ba cũng không muốn con cái theo nghề vì ông hiểu khó khăn. Nhưng mình hiểu những nỗ lực, mong muốn duy trì làng nghề của ba. Hơn nữa sản phẩm thủ công trong tương lai sẽ có nhu cầu cao thì sản phẩm lụa tự nhiên truyền thống sẽ có chỗ đứng. Chỉ là hướng đi của ba lúc này chưa phù hợp, không mang lại hiệu quả”.

Từ chỗ không mong con cái theo nghề, không dễ chấp nhận hình ảnh mới lạ của lụa Mã Châu và đắn đo với quyết định táo bạo này, ông Phương dần bị thuyết phục bởi quyết tâm của con gái. Cuối cùng, ông quyết định đồng hành với con trên con đường khởi nghiệp với phương thức hoàn toàn mới. Từ đây, Công ty TNHH Lụa Mã Châu được thành lập, thay cho mô hình Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu. Máy móc hiện đại dần thay thế các khung dệt lỗi thời. Và các sản phẩm lụa tơ tằm thành phẩm bắt đầu ra đời, là sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và tư duy đổi mới của cha con họ.

Thời gian đầu Yến gặp rất nhiều khó khăn vì suy nghĩ của những người lớn tuổi làm nghề truyền thống. Cô nói: “Người làm nghề thủ công rất bảo thủ. Khi mình đưa sản phẩm mới theo yêu cầu thị trường, người ta nói sản phẩm thủ công không ai làm thế cả, và họ không chấp nhận. Qua một giai đoạn thuyết phục, làm số lượng ít. Khi có thị trường tôi nâng dần số lượng sản phẩm lên, vừa an toàn vừa thuyết phục người lớn”.

Có sản phẩm mới, Yến lại mang đến Hội An, trực tiếp giới thiệu với du khách để họ cảm nhận và phân biệt sản phẩm lụa tơ tằm với các sản phẩm lụa khác trên thị trường… “Những người sản xuất thủ công không mặn mà làm thương hiệu. Nhưng hiện nay thì thương hiệu rất quan trọng. Lúc đó, làng nghề Mã Châu gần 600 năm tuổi nhưng thương hiệu trên thị trường gần như là con số 0. Với mong muốn khôi phục làng nghề, nên chúng tôi vẫn kiên quyết xây dựng thương hiệu lụa Mã Châu. Bắt đầu từ sản phẩm ít, đi chào mời, cố gắng tìm kiếm những người đã dùng tơ tằm rồi để giảm thiểu rủi ro. Được cái may mắn là người tiêu dùng biết, hiểu về sản phẩm. Họ mua rồi giới thiệu với người quen, cứ thế thương hiệu Mã Châu đi lên”, Yến nói.

Biền dâu dần mở rộng

Nhiều người đã trở lại nghề, chung tay với ông Phương khôi phục nghề dệt truyền thống. Biền dâu giờ dần mở rộng, con tằm đã lại nhả nhiều sợi tơ vàng óng ả. Hơn nữa, một thương hiệu Nhã Silk – chắp cánh cho tơ lụa Mã Châu, từ một người cùng tộc của làng, đã mang những thớ lụa từ Mã Châu đi xa hơn. Trần Hữu Như Anh, người họ hàng của ông Phương, ở đầu cầu Sài Gòn, đã làm nên Nhã Silk trên tinh thần nguyên liệu của lụa Mã Châu. Những thớ lụa trở thành áo dài, thành khăn choàng, nên vật phẩm tặng du khách… đều có nguồn gốc từ lụa Mã Châu, được đón nhận nồng nhiệt.

Chính những người trẻ năng động với vốn liếng hiểu biết về thương trường, về cách làm thương hiệu đã giúp cha mình đưa sản phẩm tơ lụa Mã Châu vươn xa đến rất nhiều thị trường.

“Tôi chỉ giỏi làm lụa chứ không giỏi kinh doanh, quản lý sản xuất. Thế là hai con tôi đã giúp việc đó. Tôi hạnh phúc vì các con yêu nghề của tổ tiên nên tự về quê chứ tôi chưa mở lời hay khuyên bảo. Tôi không còn lo lụa Mã Châu thất truyền nữa”, ông Phương vui mừng nói.

Chính những người trẻ năng động với vốn liếng hiểu biết về thương trường, về cách làm thương hiệu đã giúp cha mình đưa sản phẩm tơ lụa Mã Châu vươn xa đến rất nhiều thị trường. Họ mở các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm; đặc biệt, để gìn giữ và phát triển thành quả bước đầu phải rất khó nhọc mới gầy dựng được, tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn, sản phẩm không qua tay bất kỳ đại lý, đơn vị bán lẻ nào khác. Họ liên hệ với nhiều tổ chức để tham gia với các dự án khôi phục làng nghề truyền thống, lập trang web xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước. Dần dà, việc kinh doanh của công ty trở nên khấm khá, những khoản nợ cũng trả xong và doanh thu năm sau gấp đôi năm trước.

Lụa tơ tằm Mã Châu còn được nhiều nhà thiết kế danh tiếng trong nước tin tưởng, sử dụng để thiết kế trang phục cho các hoa hậu, người đẹp tham dự các sự kiện, cuộc thi quy mô tầm quốc gia, quốc tế. Thời trang xoay vòng với những cuộc trở lại ngoạn mục của từng trào lưu trong một thế giới ưa chuộng sự sáng tạo. Và người ta nói với nhau, sử dụng tơ lụa trong các mẫu mã chính là một cuộc hành hương tìm về bản ngã. Vì họ tự biết những giá trị ẩn sâu trong lớp vải lụa, có như thế nào mới đủ sức làm hàng cống phẩm từ thuở xa xưa. Và sự quay về với “cố quận”, với bản sắc không chỉ được tái hiện trong đời sống của thời trang.

Đó còn là tinh thần của rất nhiều đứa con xa, muốn quay về làng như Yến. Với chiến lược phát triển đã định sẵn và hướng đến những sản phẩm cao cấp, độc đáo, cha con nghệ nhân Trần Hữu Phương nhập thêm máy móc dệt may hiện đại. Sau đó, gia công, tinh chỉnh chi tiết máy để phù hợp với tơ lụa tự nhiên. Và dự án du lịch trải nghiệm làng nghề cũng được Yến lên kế hoạch và sẽ sớm triển khai, mở ra cơ hội phát triển bền vững thương hiệu tơ lụa Mã Châu.

“Du lịch là kênh quảng bá ít chi phí, hiệu quả và là kênh nhanh nhất tiếp cận với khách hàng. Ban đầu chúng tôi xây dựng phân xưởng thành làng Mã Châu thu nhỏ để khách hàng đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất, quá trình thay đổi và tham gia trực tiếp. Sau đó hướng đến làng du lịch cộng đồng cần có sự tham gia của người dân làng nghề, chính quyền địa phương. Tôi mong muốn xây dựng đền thờ tổ nghề vì làng nghề phải có câu chuyện, có đầu thì mới có đuôi. Mỗi năm mình tổ chức giỗ bà chúa tằm tang và có thể phát triển hoạt động du lịch”.

Từ chỗ rệu rã, đứng trên bờ vực giải thể, làng lụa Mã Châu đã sống dậy bởi tư duy của người trẻ như Trần Thị Yến. Lối tư duy mới mẻ, đầy quyết tâm là gạch nối giữa hai thế hệ để làng nghề này bước tới tương lai tươi sáng…

Ông Lê Thái Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, chia sẻ: “Sự phát triển phồn thịnh của lụa Mã Châu trong những năm gần đây có sự đóng góp công sức, trí tuệ không nhỏ của Trần Thị Yến. Với tài năng và tình yêu da diết dành cho xứ lụa quê mình, tôi tin trong tương lai, Yến sẽ tiếp tục gặt hái thành công”.

Xuân Hiền - Minh Quân

Theo Kinh tế Sài Gòn 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối