Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024

Trung Quốc yêu cầu thẩm tra an ninh các công cụ AI như ChatGPT

Trung Quốc đang giới thiệu các quy định dự thảo, yêu cầu các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh giống như ChatGPT phải vượt qua cuộc thẩm tra an ninh trước khi được phép hoạt động.

Hãng tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã chính thức ra mắt chatbot AI có tên gọi Ernie vào tháng trước. Ảnh: AP

Hôm 11-4, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đăng bản dự thảo hướng dẫn quản lý, trong đó, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ AI phải bảo đảm nội dung chính xác và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ cũng như không được phân biệt đối xử hoặc gây rủi ro an ninh quốc gia. Họ cũng phải khẳng định rõ ràng nội dung là do AI tạo ra. Ngoài ra, CAC nhấn mạnh rằng các dịch vụ AI phải minh bạch về dữ liệu và thuật toán sử dụng để đào tạo các mô hình AI quy mô lớn phải bảo đảm giúp chính phủ duy trì quyền kiểm soát đối với thông tin nhạy cảm và có giá trị.

Dự thảo hướng dẫn yêu cầu các dịch vụ AI phải “phản ánh các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”, không được “lật đổ quyền lực nhà nước” hay “phá hoại đoàn kết dân tộc”. Nếu không tuân thủ các yêu cầu này, dịch vụ AI liên quan sẽ bị đình chỉ hoặc cấm hoạt động.

“Các công ty dịch vụ AI phải cung cấp một số thông tin nhất định về dữ liệu được sử dụng trong đào tạo AI, bao gồm nguồn gốc, kích thước và loại dữ liệu”,  CAC cho biết đồng thời yêu cầu các nền tảng AI chia sẻ các thuật toán cơ bản và các công nghệ khác được sử dụng để huấn luyện AI. CAC sẽ lấy ý kiến đóng góp của công chúng đối với bản dự thảo này từ nay cho đến ngày 10-5 tới.

Các yêu cầu mới nhất của CAC bổ sung cho những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh nhằm quản lý sự phát triển bùng nổ của AI tạo sinh ở trong nước kể từ khi ChatGPT của OpenAI làm dậy sóng ngành này vào cuối năm ngoái. Cơn sốt mà ChatGPT của OpenAI (Mỹ) tạo ra thúc đẩy các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc chạy đua ra mắt các chatbot tương tự. Hôm 16-3, hãng tìm kiếm Baidu đã giới thiệu chatbot AI có tên gọi Ernie. Gần đây nhất, Alibaba Cloud, đơn vị điện toán đám mây của tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Alibaba, công bố mô hình ngôn ngữ lớn AI, có tên gọi  Tongyi Qianwen. SenseTime, công ty nhận dạng khuôn mặt hàng đầu thế giới, cũng đã trình diễn mô hình AI SenseNova và một chatbot AI hướng tới người dùng, có tên gọi SenseChat. Cả Baidu và Alibaba cho biết sẽ tích hợp các công cụ AI trên vào những dịch vụ và sản phẩm nổi bật của họ.

Trung Quốc không giấu giếm tham vọng nâng tầm công nghệ AI vào thời điểm Bắc Kinh đang xung đột với Mỹ về công nghệ từ chip cho đến xe điện, nhưng đồng thời cũng muốn giám sát chặt chẽ lĩnh vực mới nổi

Trung Quốc có thể sẽ cấm các dịch vụ AI nước ngoài, chẳng hạn như các dịch vụ từ OpenAI hoặc Google, giống như Bắc Kinh đã cấm các dịch vụ tìm kiếm và các nền tảng mạng xã hội của Mỹ. Từ lâu, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nội dung và các cuộc thảo luận trực tuyến. Tuy nhiên, Angela Zhang, giáo sư luật của Đại học Hồng Kông, nhận định hiện tại, Bắc Kinh có thể  tránh thắt chặt quản lý quá mức đối với các công ty AI trong nước, vì lo ngại sẽ bóp nghẹt một đấu trường non trẻ cần không gian hoạt động thoải mái hơn để thúc đẩy đổi mới.

“Phản ứng nhanh chóng của CAC đối với công nghệ AI tạo sinh thể hiện rõ ràng nỗ lực quản lý của họ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến nay, tôi thấy các cơ quan quản lý của Trung Quốc khá thận trọng với cách tiếp cận quản lý nhằm tạo nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của công nghệ AI trong nước”, Zhang nói.

Trong khi đó, Tom Nunlist, nhà phân tích cấp cao của Trivium China, cho rằng những quy định quản lý mới của CAC có khả năng ảnh hưởng đến cách huấn luyện các mô hình AI ở Trung Quốc trong tương lai, tùy thuộc vào cách diễn dịch nội dung rộng rãi của chúng.

Bắc Kinh có kế hoạch giới thiệu các quy định quản lý hoạt động sử dụng AI trong một loạt các ngành công nghiệp. Hồi tháng 2, các quan chức của Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ thúc đẩy việc ứng dụng các dịch vụ AI một cách an toàn và có thể kiểm soát.

Catherine Lim và Trini Tan, hai nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nhận định việc Bắc Kinh tăng cường quản lý dịch vụ AI giống như ChatGPT dường như không thể ngăn cản kế hoạch mở rộng của Alibaba, Baidu, SenseTime và NetEase trong lĩnh vực này. Theo họ, các quy định mới theo đề xuất của CAC, bao gồm kiểm duyệt công khai đối với những vi phạm lần đầu, đình chỉ hoạt động và phạt tiền đối với công ty vi phạm nhiều lần không khác với hướng dẫn chung hiện nay để quản lý các công ty công nghệ trong nước..

Theo Bloomberg, Dao Insights

Lê Linh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khi tác phẩm AI có thể được bảo hộ bản quyền...

0
(SGTT) - Những ngày đầu năm 2024, nhiều người quan tâm tới chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) bất ngờ...

Taylor Swift – ngôi sao trong làng… sở hữu trí tuệ!

0
(SGTT) - Vào tháng 12-2023, cô ca sĩ trẻ người Mỹ nổi tiếng thế giới Taylor Swift được tạp chí Time bình chọn là...

Số người vỡ nợ ở Trung Quốc tăng lên mức cao...

0
(SGTT) - Số người vay tiền vỡ nợ ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng...

Thời cơ để cải thiện hệ thống sở hữu trí tuệ?

0
(SGTT) - Trong Tuyên bố chung giữa Mỹ và Việt Nam trong việc trở thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện” hôm 10-9 có...

Tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ Trung Quốc cao kỷ lục

0
Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó, sản lượng công...

Các công ty sữa và tã trẻ em ở Trung Quốc...

0
Doanh số bán hàng của các nhà sản xuất sản phẩm sữa và tã trẻ em của Trung Quốc giảm vào năm ngoái sau...

Kết nối