Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024

Chưa thể đưa ra quy định về điều kiện thế nào là hàng ‘sản xuất tại Việt Nam’

Mặc dù quy định xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam “made in Vietnam” được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018 nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành thông tư hướng dẫn. Lý do chính theo Bộ Công Thương là do chưa có tiêu chí và lo ngại phát sinh gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Hiện chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để xác định hàng hóa là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

TTXVN đưa tin, theo báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cho biết đang gặp nhiều vướng mắc liên quan nên sau 5 năm đề xuất, bộ vẫn chưa thể đưa ra quy định về điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước.

Báo cáo cũng nêu rõ, quy định hàng “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018. Một trong những ‘điểm nghẽn’ khiến việc xây dựng tiêu chí xuất xứ hàng hoá cho hàng sản xuất tại Việt Nam chính là vẫn chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp xác định, thể hiện hàng hóa trên bao bì là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

Bộ Công Thương cho biết, ban đầu bộ có báo cáo Chính phủ xây dựng thông tư “sản xuất tại Việt Nam” nhưng đến năm 2019, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, nội dung thông tư lại phát sinh các chính sách vượt thẩm quyền. Do đó, Bộ Công Thương đã xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP năm 2017 về nhãn hàng hóa. Theo đó, nội dung chính sách về cách ghi nhãn hàng hóa dự kiến quy định trong nghị định “sản xuất tại Việt Nam” đã được đưa vào Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

Điều này đồng nghĩa với việc văn bản “sản xuất tại Việt Nam” sẽ chỉ còn tập trung quy định về bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở thực hiện việc ghi nhãn về xuất xứ hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc xây dựng văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp nghị định là không còn cần thiết.

Đến tháng 5-2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp thông tư, thay vì nghị định. Thế nhưng, vướng mắc về thẩm quyền ban hành lại không khớp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.

Hơn nữa, việc quy định ở cấp thông tư về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay với hàng trong nước nên theo Bộ Công Thương là “tiềm ẩn rủi ro pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp”.

Theo Bộ Công Thương, thực tế hiện nay, khi thông tư chưa được ban hành, doanh nghiệp vẫn đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc của Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Đáng lưu ý, trong thời gian 5 năm thực hiện xây dựng quy định, Bộ Công Thương chỉ nhận được một số văn bản của 16 doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn xác định hàng hóa có được phép dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay không.

Một trong những khó khăn được Bộ Công Thương đưa ra là nếu quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, mọi hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định. Điều này sẽ có tác động rất lớn với doanh nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém. Chưa kể, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã quen với khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số phân loại hàng hóa HS; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán thông số nên việc tuân thủ không khó khăn.

Mặt khác, quy định này sẽ là trở ngại với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo dự thảo nghị định về xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương công bố mới đây, hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

N.Tân

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Các đại siêu thị kiểu Mỹ thu hút người tiêu dùng...

0
(SGTT) - Các đại siêu thị kiểu Mỹ chỉ dành cho hội viên như Walmart, Costco hay PriceSmart đang mở rộng thị phần ở...

Tạp hóa truyền thống được ‘nâng cấp’ lên mô hình hiện...

0
(SGTT) - Giờ đây, các cửa hàng tạp hóa truyền thống có thể mua hàng hóa trực tiếp từ hệ thống siêu thị với...

Đà Nẵng: Nhiều cửa hàng hoa ‘trầm lắng’ dịp 8-3

0
(SGTT) – Theo ghi nhận tại các chợ hoa ở thành phố Đà Nẵng, dịp 8-3 năm nay, các cửa hàng kinh doanh hoa...

Bánh hình hũ vàng, thỏi vàng đắt khách ngày vía Thần...

0
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm là ngày vía Thần Tài. Năm nay, ngày Thần Tài rơi vào ngày 19-02. Bên cạnh việc mua vàng lấy may, nhiều người dân còn tìm mua bánh kem hình hũ vàng, thỏi vàng, đồng tiền... để dâng lên bàn thờ hoặc làm quà tặng với mong muốn một năm may mắn, đủ đầy.

Ngày vía Thần Tài người dân chuộng mua vàng trang sức

1
(SGTT) – Theo các cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn TPHCM, trong ngày vía Thần Tài năm nay, người dân tìm...

TPHCM: Phố cá lóc đỏ lửa xuyên đêm chuẩn bị cá...

0
(SGTT) - Nhiều cửa hàng tại tuyến phố chuyên bán cá lóc nướng đường Tân Kỳ – Tân Quý làm việc xuyên đêm ngày...

Kết nối